Nam Trực triển khai đồng bộ các giải pháp đảm bảo an toàn giao thông đường bộ

Những năm qua, hệ thống giao thông đường bộ trên địa bàn huyện Nam Trực được đầu tư cải tạo, nâng cấp đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, kết nối với mạng lưới giao thông của tỉnh và các địa phương khác. Hiện nay, hệ thống đường giao thông do Trung ương và tỉnh quản lý qua địa bàn huyện có 7 tuyến đã được cải tạo, nâng cấp đạt tiêu chuẩn kỹ thuật đường cấp II, III, IV đồng bằng gồm các Quốc lộ 21, 21B... Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định

Những năm qua, hệ thống giao thông đường bộ trên địa bàn huyện Nam Trực được đầu tư cải tạo, nâng cấp đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, kết nối với mạng lưới giao thông của tỉnh và các địa phương khác. Hiện nay, hệ thống đường giao thông do Trung ương và tỉnh quản lý qua địa bàn huyện có 7 tuyến đã được cải tạo, nâng cấp đạt tiêu chuẩn kỹ thuật đường cấp II, III, IV đồng bằng gồm các Quốc lộ 21, 21B; các tỉnh lộ 490C, 485B, 487, 487B và đường Lê Đức Thọ nối với cầu Tân Phong. Trong đó, có 3 tuyến chạy dọc từ phía bắc tới phía nam huyện (gồm các Quốc lộ 21, 21B và tỉnh lộ 490C) với tổng chiều dài xấp xỉ 38,5km; 4 tuyến đường chạy ngang từ phía đông sang phía tây huyện (gồm các tỉnh lộ 485B, 487, 487B và đường Lê Đức Thọ) với tổng chiều dài 26km. Cùng với đó, toàn huyện có 7 tuyến đường trục dài 44,34km (Hoa Lợi Hải, Tiến Thái, Bình Sơn, Thanh Khê, Nam Ninh Hải, Mỹ Điền, An Thắng) đạt tiêu chuẩn cấp V đồng bằng.

Thi công cầu Lạc Hồng trên tuyến đường An Thắng, địa bàn xã Hồng Quang.

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi khi hạ tầng giao thông được phát triển thì công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông (ATGT) đường bộ trên địa bàn huyện cũng tồn tại nhiều vấn đề phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất ATGT. Công tác lập lại trật tự hành lang ATGT đường bộ vẫn còn diễn biến hết sức phức tạp như: tình trạng lấn chiếm hành lang ATGT đường bộ làm nơi tập kết hàng hóa, xây dựng lều, lán buôn bán trên các trục đường; tại một số tuyến đường thực hiện giải phóng mặt bằng theo cơ chế xây dựng nông thôn mới (người dân hiến đất mở rộng đường, không yêu cầu đền bù, hỗ trợ), sau khi đường nâng cấp đẹp đẽ các hộ dân lại tái lấn chiếm sử dụng phần đất đã hiến (hành lang đường) để xây dựng công trình gây mất ATGT; Tình trạng dựng rạp đám cưới, đám hiếu lấn chiếm lòng đường phổ biến trên các tuyến đường trục chính tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tai nạn giao thông; vào vụ thu hoạch, tình trạng các hộ dân lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để phơi nông sản vẫn còn diễn ra ở nhiều địa phương như dọc các tuyến Quốc lộ 21, 21B, đường tỉnh 490C, 485B, nhất là tại khu vực xã Nam Tiến trên tuyến tỉnh lộ 487. Không chỉ phơi nông sản mà người dân còn đặt các vật cản bảo vệ nông sản gây nguy hiểm cho phương tiện đi trên đường.

Trước tình trạng đó, để thực hiện mục tiêu kéo giảm tai nạn giao thông trên cả 3 tiêu chí, huyện Nam Trực đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả như tăng cường tuyên truyền phổ biến quy định của pháp luật; tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Tập trung quản lý, khai thác và bảo trì hệ thống công trình giao thông; lập lại trật tự hành lang ATGT đường bộ. Ngay từ đầu năm, Ban ATGT huyện đã xây dựng kế hoạch và chỉ đạo Ban ATGT các xã, thị trấn phổ biến, quán triệt nhiệm vụ đến từng cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người lao động; gắn trách nhiệm của cá nhân người đứng đầu với kết quả thực hiện nhiệm vụ đảm bảo trật tự ATGT trong phạm vi, chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của các cơ quan, đơn vị thực thi công vụ. Đảng ủy các xã, thị trấn đều có nghị quyết lãnh đạo, chỉ đạo công tác đảm bảo trật tự hành lang ATGT và phân công, phân nhiệm rõ ràng cụ thể từ cấp ủy đảng đến chính quyền các ban, ngành, đoàn thể; tổ chức ký cam kết không vi phạm trật tự hành lang ATGT đường bộ. Tiến hành sơn vạch hè đường tại khu vực bán bánh mì ngã tư đường S2 - tỉnh lộ 490C; ngã tư đường Lê Đức Thọ - Quốc lộ 21 và khu vực trung tâm thị trấn Nam Giang. Hàng tháng Ban ATGT các xã, thị trấn duy trì tổ chức hoạt động ngày Chủ nhật xanh (chủ nhật đầu các tháng) ra quân giải tỏa hành lang ATGT gắn với làm vệ sinh môi trường trên các tuyến đường, các tuyến sông, kênh đảm bảo sạch, đẹp. Huyện trích ngân sách hỗ trợ các xã, thị trấn có tuyến đường quốc lộ, đường tỉnh đi qua với số tiền 5 triệu đồng/km, nhờ đó đã xử lý tương đối triệt để, tạo sự thay đổi cơ bản trong nhận thức của người dân đối với việc xây dựng lều lán, dựng rạp đám ma, đám cưới lấn chiếm lòng đường và kinh doanh buôn bán tại các vị trí nút giao thông như: Nút giao cầu Vòi, nút giao đường S2 với đường 490C, nút giao giữa Quốc lộ 21B và đường Vàng (trên tỉnh lộ 485B) tại thôn Cổ Gia, xã Nam Hùng. UBND huyện đã giao cho Phòng Kinh tế và Hạ tầng phối hợp với UBND các xã rà soát các vị trí tiềm ẩn nguy cơ gây mất ATGT trên các tuyến đường trục chính để có phương án xử lý khắc phục. Cụ thể: Xử lý sạt lở kè đường Hoa Lợi Hải dài 175m; bạt lề đường dài 21,5km, nắn sửa 200 cọc tiêu; đắp phụ 360m2 nền, lề đường; nắn chỉnh, tu sửa 30 biển báo; sơn 694,8m2 cọc tiêu, thay thế 220 cọc tiêu. Thường xuyên triển khai công tác duy tu, sửa chữa các tuyến đường tỉnh ủy thác, như: bạt 2,6km lề đường, cắt cỏ 10km, vét 5,8km rãnh, nắn sửa 390 cọc tiêu; Đắp phụ nền, lề đường 222m3; nắn chỉnh, tu sửa 25 biển báo; sơn 820m2 cọc tiêu; thay thế, bổ sung biển báo tam giác 8 bộ, 4 bộ cột, biển báo chữ nhật, 160 cọc tiêu; sơn dặm 320m2 vạch kẻ đường... Tiếp tục đầu tư cải tạo, nâng cấp các tuyến đường: đường Nam Ninh Hải, đường tỉnh 487B (đã thi công xong), đường An Thắng, đường Tiến Minh, đường và cầu kết nối khu dân cư thôn Nội với đường trục xã Nam Thanh; đang làm thủ tục đầu tư các tuyến đường Thái Hải, đường An Quang,… tạo thuận lợi cho nhân dân đi lại, nhất là giao thông tại các vị trí cổng trường học, trụ sở cơ quan đều đảm bảo có vỉa hè vừa tạo cảnh quan vừa an toàn cho phụ huynh đưa đón học sinh. Các tuyến đường giao thông nông thôn tại các xã cũng đang được chú trọng xây dựng để thuận tiện cho việc đi lại của người dân.

Để góp phần đảm bảo trật tự ATGT đường bộ, trong thời gian tới, Ban ATGT huyện chỉ đạo các xã, thị trấn tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật về trật tự ATGT; phát hiện sớm các trường hợp dựng rạp tổ chức đám hiếu, hỷ, khai trương cửa hàng… lấn chiếm lòng, lề đường gây cản trở giao thông để có biện pháp ngăn chặn vi phạm ngay từ đầu. Lực lượng Cảnh sát giao thông Công an huyện tăng cường tuần tra, kiểm soát; mở các đợt cao điểm, huy động sự phối hợp các lực lượng cảnh sát khác tham gia bảo đảm an toàn và giao thông thông suốt. Ban AGT huyện yêu cầu Phòng Kinh tế và Hạ tầng, Công an huyện, Đài Phát thanh huyện phối hợp với UBND các xã, thị trấn phân công, phân đoạn các tuyến đường giao cho các tổ chức đoàn thể đảm nhiệm tuyên truyền, quản lý nhằm phát hiện vi phạm và nhắc nhở kịp thời. Trước mắt, giao Phòng Kinh tế và Hạ tầng xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp lập lại trật tự hành lang ATGT đường bộ năm 2022 theo Kế hoạch số 84/KH-UBND ngày 24-6-2022 của UBND tỉnh./.

Bài và ảnh: Thành Trung

Nguồn Nam Định: http://baonamdinh.com.vn/channel/5085/202207/nam-truc-trien-khai-dong-bo-cac-giai-phap-dam-bao-an-toan-giao-thong-duong-bo-2551818/