Nám và tàn nhang phân biệt thế nào?

Nám, tàn nhang là những vấn đề da liễu phổ biến khiến nhiều người mất tự tin. Mặc dù chúng có vẻ ngoài tương đối giống nhau nhưng vẫn có một số đặc điểm khác biệt nhất định. Vậy cách phân biệt nám và tan nhang là như thế nào?

Tàn nhang và cách nhận biết chính xác

Tàn nhang là một trong các vấn đề về da thường gặp, là những đốm nâu nhỏ xuất hiện ở những vùng da tiếp xúc nhiều với ánh nắng mặt trời như tàn nhang ở má, tàn nhang trên mặt, tàn nhang ở tay chân... Thực tế các đốm tàn nhang là những mảng màu hoặc mảng tăng sắc tố thừa dưới da, dù không nguy hiểm cho sức khỏe nhưng ảnh hưởng xấu đến thẩm mỹ.

Tàn nhang có thể xuất hiện ở bất cứ đâu, thường có màu nâu hoặc nâu nhạt. Màu của tàn nhang có thể khá đồng đều và không thay đổi màu sắc khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.

Tàn nhang thường có hình dạng nhỏ: Điểm hoặc đốm nhỏ có kích thước từ 1 - 5mm. Chúng xuất hiện đơn lẻ hoặc tập trung thành từng mảng nhỏ trên da.

Tàn nhang cũng có thể xuất hiện trên da do yếu tố di truyền từ khi còn bé. Tuy nhiên đến tuổi 20 trở đi bạn có thể bị nhiều hơn, ảnh hưởng rất lớn đến yếu tố thẩm mỹ.

Nám da có biểu hiện như thế nào?

Nám da thường phát sinh do rối loạn sắc tố melanin trong da. Melanin là chất chịu trách nhiệm tạo ra màu sắc của da và có nhiệm vụ bảo vệ da khỏi tác động của ánh nắng mặt trời. Khi có sự tăng sản hoặc phân bố không đều của melanin trong lớp da thì nám da sẽ xuất hiện.

Nám da cũng có thể liên quan đến sự thay đổi nội tiết tố trong cơ thể, do tác động từ môi trường hoặc các vấn đề sức khỏe phụ khoa mạn tính.

Tiếp xúc với ánh nắng mặt trời và các tác nhân gây ô nhiễm cũng có thể làm tăng nguy cơ xuất hiện nám da.

Nám thường có màu sắc đa dạng hơn so với tàn nhang, có thể là nâu sẫm, đỏ, đen, xám hoặc nâu nhạt. Đặc biệt khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, nám có thể trở nên đậm màu hơn và phát triển thành các vùng sắc tố tối hơn.

Về hình dạng thì nám cũng đa dạng hơn tàn nhang. Nám đôi khi tập trung thành các đốm lớn, giống như đầu que diêm. Hoặc nám cũng có thể xuất hiện dưới dạng các mảng lớn che phủ khuôn mặt hoặc các vùng da khác.

Nám thường xuất hiện ở phụ nữ trong độ tuổi trưởng thành từ 30 tuổi trở ra. Đặc biệt nám có xu hướng phát triển rõ rệt sau khi sinh hoặc trong giai đoạn tiền mãn kinh.

Nám có thể tồn tại trong thời gian dài và trở nên rõ rệt hơn khi da tiếp tục tiếp xúc với ánh nắng mặt trời hoặc các yếu tố tác động từ môi trường.

Nám tàn nhang là sự tăng sinh quá mức và không phân bố đều của melanin.

Nám tàn nhang là sự tăng sinh quá mức và không phân bố đều của melanin.

Làm gì để loại bỏ nám và tàn nhang?

Nám và tàn nhang là rối loạn sắc tố da sẽ làm các mảng da bị sẫm màu lại và chúng thường biểu hiện nhiều nhất ở vùng da mặt gây mất thẩm mỹ cho người bệnh. Nhiều người hay bị nhầm lẫn giữa tàn nhang và nám da.

Để xác định và có biện pháp điều trị đúng thì nên đến cơ sở y tế để các bác sĩ khám và chẩn đoán cụ thể. Tùy mức độ khác nhau sẽ có cách điều trị khác nhau.

Tàn nhang không phải là vấn đề sức khỏe nghiêm trọng và không cần điều trị. Tuy nhiên tàn nhang ảnh hưởng rất lớn đến thẩm mỹ, đặc biệt là những tàn nhang xuất hiện ở mặt. Do vậy làm gì để xóa bỏ tàn nhang hoặc làm mờ các đốm da này là chủ đề được nhiều người quan tâm, nhất là các chị em phụ nữ.

Có một số phương pháp loại bỏ tàn nhang được áp dụng phổ biến hiện nay gồm:

Điều trị tàn nhang bằng tia laser.
Sử dụng mặt nạ hóa học.
Điều trị bằng phương pháp áp lạnh.
Sử dụng các sản phẩm như AHA (alpha hydroxy acid) và TCA (trichloroacetic acid).
Các loại kem chứa thành phần retinol.

Đối với nám da không phải lúc nào cũng cần điều trị. Nếu nám da bắt nguồn từ nguyên nhân thay đổi nội tiết tố do dùng thuốc tránh thai hoặc khi đang mang thai thì những vết nám này sẽ mờ dần sau khi ngừng dùng thuốc hoặc sau khi sinh xong.

Có những trường hợp nám da sẽ tồn tại trong nhiều năm, nhưng cũng có khi theo bạn suốt cả cuộc đời. Nếu tình trạng nám da không biến mất hoặc không được cải thiện theo thời gian thì bạn nên tìm tới các phương pháp trị nám. Tuy nhiên cần lưu ý rằng không phải lúc nào những biện pháp này đều đem lại hiệu quả khả quan và nám da hoàn toàn có thể xuất hiện trở lại ngay cả khi đã chữa trị thành công trước đó.

Sau đây là các phương pháp điều trị nám da phổ biến nhất hiện nay: Điều trị bằng thuốc; Kem kết hợp cùng chứa đồng thời corticosteroid, hydroquinone và tretinoin để điều trị nám da. Nếu thuốc bôi không đem lại hiệu quả thì bệnh nhân sẽ được chỉ định điều trị bằng những kỹ thuật y tế như: Thay da sinh học; Điều trị mài mòn da; Liệu pháp ánh sáng; Điều trị bằng laser.

ThS. BS. Nguyễn Tiến Thành

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/nam-va-tan-nhang-phan-biet-the-nao-16925071321393746.htm