Nắm vững và xử lý tốt mối quan hệ giữa xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong hội nhập quốc tế
Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định: Trong nhận thức và giải quyết các mối quan hệ lớn, phản ánh các quy luật mang tính biện chứng, những vấn đề lý luận cốt lõi trong đường lối đổi mới của Đảng, cần tiếp tục nắm vững và xử lý tốt các mối quan hệ lớn, trong đó có 'mối quan hệ giữa xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa'(*).
Quan hệ giữa xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa (XHCN) là mối quan hệ cơ bản, lớn nhất và có tính chất bao trùm, xuyên suốt toàn bộ sự nghiệp đổi mới, phát triển đất nước. Đây là mối quan hệ giữa hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam, phản ánh quy luật tồn tại và phát triển của dân tộc Việt Nam là dựng nước phải đi đôi với giữ nước.
Xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ở nước ta hiện nay đang diễn ra trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Hội nhập quốc tế trước hết và cơ bản là hội nhập kinh tế quốc tế, đồng thời là hội nhập trên tất cả lĩnh vực khác của đời sống xã hội. Hội nhập quốc tế chính là một hình thức phát triển cao của hợp tác quốc tế nhằm đạt được một mục tiêu hoặc lợi ích chung nào đó. Đây là quá trình liên kết, gắn kết giữa các quốc gia, vùng lãnh thổ với nhau thông qua việc tham gia các tổ chức, thiết chế, cơ chế, hoạt động hợp tác quốc tế vì mục tiêu phát triển của bản thân mỗi quốc gia, vùng lãnh thổ đó và nhằm tạo thành sức mạnh giải quyết những vấn đề chung mà các quốc gia, các lực lượng xã hội cùng quan tâm.
Hội nhập kinh tế quốc tế của nước ta đã và đang phát triển sâu rộng trên nhiều cấp độ, đa dạng về hình thức, bằng việc ký kết nhiều hiệp định thương mại song phương, đa phương thế hệ mới; hoạt động xuất, nhập khẩu, thu hút vốn đầu tư nước ngoài tăng mạnh, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế và sự phát triển của đất nước. Trong hội nhập quốc tế thì hội nhập kinh tế là trọng tâm, hội nhập các lĩnh vực khác tạo điều kiện thuận lợi cho hội nhập kinh tế và góp phần tích cực vào phát triển kinh tế-xã hội, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, củng cố quốc phòng, bảo đảm an ninh quốc gia.
Chủ động và tích cực hội nhập quốc tế nhằm củng cố môi trường hòa bình, tranh thủ tối đa các điều kiện quốc tế thuận lợi để phát triển đất nước nhanh và bền vững, nâng cao đời sống nhân dân; giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN; bảo tồn và phát huy bản sắc dân tộc; tăng cường sức mạnh tổng hợp quốc gia, nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của đất nước; góp phần tích cực vào sự nghiệp hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới.
Trải qua 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, tư duy lý luận, nhận thức và chỉ đạo thực tiễn của Đảng về mối quan hệ giữa xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN đã phát triển toàn diện, sâu sắc hơn, góp phần đưa sự nghiệp đổi mới giành được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử.
Đất nước ta đang bước vào giai đoạn tiếp tục đổi mới cả về chiều rộng và chiều sâu mạnh mẽ hơn, toàn diện, triệt để hơn và hội nhập sâu rộng hơn, ở một tầm cao có tính bước ngoặt nhằm thúc đẩy đất nước phát triển nhanh và bền vững. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, bên cạnh những thuận lợi là cơ bản, đã và đang đặt ra những yêu cầu mới và đứng trước không ít khó khăn, thách thức cả về kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng và an ninh, đối ngoại.
Để tiếp tục nhận thức và xử lý tốt mối quan hệ giữa xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế hiện nay, cần phải nắm vững và thực hiện tốt những vấn đề chủ yếu sau đây:
Một là, tiếp tục nhận thức và xử lý đúng đắn mối quan hệ giữa đối tác và đối tượng, giữa hợp tác và đấu tranh trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Khi đất nước đang hội nhập quốc tế sâu rộng thì mối quan hệ giữa đối tác-đối tượng càng trở nên đa dạng, phức tạp và có những hình thức thể hiện mới trong mọi lĩnh vực đời sống xã hội. Cần có cách nhìn biện chứng về đối tác-đối tượng để xác định những hình thức thích hợp trong hợp tác và đấu tranh. Hội nhập quốc tế là quá trình vừa hợp tác vừa đấu tranh; kiên định lợi ích quốc gia, dân tộc; chủ động dự báo, xử lý linh hoạt mọi tình huống, không để rơi vào thế bị động, đối đầu về kinh tế, chính trị, quân sự, ngoại giao. Thực hiện nền quốc phòng hòa bình, tự vệ theo nguyên tắc “4 không”: Không tham gia liên minh quân sự; không đi theo nước này chống nước khác; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự trên lãnh thổ nước ta; không sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực.
Hai là, kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội với tăng cường quốc phòng, an ninh (QPAN). Thực hiện kết hợp kinh tế, văn hóa, xã hội với QPAN trong từng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển của cả nước và trên từng địa phương, chú trọng vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Kết hợp chặt chẽ kinh tế với quốc phòng trong việc quy hoạch và phát triển các vùng kinh tế, các ngành công nghiệp, lấy hiệu quả kinh tế gắn với yêu cầu bảo đảm QPAN làm cơ sở cho những chủ trương cụ thể. Khắc phục triệt để những sơ hở, thiếu sót đã từng xảy ra trong việc kết hợp phát triển kinh tế-xã hội và tăng cường QPAN tại một số địa bàn, nhất là địa bàn chiến lược, trọng yếu về QPAN.
Thực hiện đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu lại nền kinh tế, coi đây vừa là tiền đề, vừa là hệ quả của hội nhập kinh tế quốc tế, là giải pháp có tính quyết định để nâng cao nội lực nhằm tận dụng cơ hội, vượt qua thách thức của giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế mới. Xử lý thỏa đáng mối quan hệ giữa độc lập, tự chủ và hội nhập kinh tế quốc tế, xây dựng nền kinh tế có khả năng tự chủ cao, ứng phó được với những biến động kinh tế quốc tế; giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, an ninh kinh tế, giữ định hướng XHCN.
Ba là, kết hợp chặt chẽ QPAN và đối ngoại. Tiếp tục hiện thực hóa tư duy mới của Đảng về mối quan hệ giữa QPAN và đối ngoại trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế. Thực hiện tốt phương hướng, nhiệm vụ hoạt động đối ngoại trong tình hình mới. Trên cơ sở vừa hợp tác, vừa đấu tranh, hoạt động đối ngoại nhằm phục vụ mục tiêu giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, tranh thủ tối đa các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước, nâng cao đời sống nhân dân; kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ XHCN. Tuân thủ các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia đi đôi với chủ động, tích cực tham gia xây dựng và tận dụng hiệu quả các quy tắc, luật lệ quốc tế và tham gia các hoạt động của các cấu trúc khu vực và quốc tế; chủ động đề xuất sáng kiến, cơ chế hợp tác trên nguyên tắc cùng có lợi; củng cố và nâng cao vai trò trong cộng đồng khu vực và quốc tế, góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới.
Bốn là, kịp thời thể chế hóa quan điểm của Đảng về mối quan hệ giữa xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cho phù hợp với bối cảnh mới của hội nhập quốc tế. Để hiện thực hóa quan điểm của Đảng về mối quan hệ giữa xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN trong điều kiện hội nhập quốc tế, một trong những vấn đề đặt ra là thể chế hóa quan điểm của Đảng về mối quan hệ này thông qua hệ thống luật pháp, chính sách, chế tài phù hợp nhằm giải quyết đúng đắn mối quan hệ này. Xây dựng cơ chế phù hợp để các ngành, các cấp, mọi tổ chức, lực lượng thực hiện hiệu quả việc kết hợp chặt chẽ giữa kinh tế với QPAN và QPAN với kinh tế.
Tiếp tục quán triệt và tổ chức thực hiện tốt chiến lược bảo vệ Tổ quốc, chiến lược quân sự, chiến lược quốc phòng, chiến lược an ninh và các chiến lược chuyên ngành khác nhằm bảo vệ đất nước; giữ nước từ sớm, từ xa, từ khi nước chưa nguy, bằng sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh của thời đại. Xây dựng, củng cố lòng tin chiến lược với các nước, nhất là các nước láng giềng, các nước lớn, bạn bè truyền thống, tạo thế và lực mới cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.
Xây dựng và bảo vệ Tổ quốc là mối quan hệ giữa hai nhiệm vụ chiến lược cơ bản, xuyên suốt quá trình cách mạng Việt Nam, là vấn đề có tính quy luật của sự tồn tại và phát triển đất nước. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay, nắm vững và xử lý tốt mối quan hệ lớn này có ý nghĩa định hướng cho việc xử lý các mối quan hệ khác nhằm đưa đất nước trở thành nước phát triển theo định hướng XHCN.
Thiếu tướng, GS, TS NGUYỄN VĂN TÀI, nguyên Phó giám đốc Học viện Chính trị
----------
(*) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, NXB Chính trị Quốc gia-Sự thật, Hà Nội, năm 2021, tr.91.