Nằm xuống cho màu xanh biên cương
Lực lượng BĐBP có truyền thống hơn 60 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành với 2 lần được Đảng, Nhà nước tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Đặc biệt, nhiều tập thể, cá nhân thuộc lực lượng BĐBP đã được các địa phương đặt tên đường, tên trường. Báo Biên phòng trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc những tập thể, cá nhân có được niềm vinh dự đó.
Bà Trần Thị Hưng, sinh năm 1952, ở thôn Trà Phương, xã Hồng Vân, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên, vợ của Anh hùng, liệt sĩ Đỗ Sĩ Họa kể với chúng tôi quãng thời gian quá ngắn ngủi được sống cùng với chồng và quãng thời gian 40 năm đằng đẵng từ ngày ông hy sinh đã lấy đi nhiều ký ức về người chồng của mình, nhưng những cuộc nói chuyện ngắn ngủi mỗi lần ông về thăm quê vẫn hiện lên mồn một.
7 năm lấy nhau, thời gian bà Hưng ở bên chồng chỉ tính bằng mấy tháng. Bà Hưng kể, ông Họa đi triền miên, rồi hy sinh. Bây giờ, những kỷ niệm đẹp chỉ còn lại trong ký ức. Trước lúc hy sinh khoảng 2 tháng, ông Họa có về thăm nhà. “Ông ấy dặn tôi, bao giờ lo hết việc nước rồi mới về lo việc nhà. Tôi nói đùa: Việc nhà phải lo trước. Thế là ông ấy bảo: Ra ngoài nói nhiều người nghe mà về nhà nói vợ không nghe? Tôi cười bảo: Nói phải thì người ta nghe chứ nói trái thì ai nghe? Ông ấy bảo: Anh mà đã dặn thì không có trái" – Bà Hưng nhớ lại.
Ở nhà được mấy ngày, ông Họa lại dặn bà: “Đợt này biên giới khó khăn lắm, anh đi không biết sống chết như thế nào”. Thế rồi, ông ra đi và đó là chuyến về thăm nhà, thăm quê cuối cùng của Anh hùng, liệt sĩ Đỗ Sĩ Họa...
Một lần đến Đài tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ Pò Hèn, chúng tôi được gặp cô giáo Đỗ Lan Huệ, sinh ngày 5-1-1979, hiện đang dạy tại Trường Trung học phổ thông Lê Quý Đôn, thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh (cháu ruột của Anh hùng, liệt sĩ Đỗ Sĩ Họa). Cô giáo Huệ chia sẻ: Bố tôi kể, trước ngày bác Họa hy sinh, bác chưa có con. Một hôm, bác đến nhà ở Cẩm Phả thăm bố mẹ tôi. Trước khi đi ra biên giới nhận nhiệm vụ, bác Họa nhắn nhủ bố tôi sinh con thì cho nhận cháu để nuôi. Tôi luôn tự hào về người cha, người bác của mình, đó là động lực để tôi phấn đấu. Trong ngôi nhà của gia đình cô giáo Đỗ Lan Huệ ở khu 5, phường Cẩm Thạch, thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh đã dành một gian trang trọng thờ Anh hùng, liệt sĩ Đỗ Sĩ Họa.
Sáng sớm ngày 17-2-1979, tại Đồn 209 Pò Hèn, Công an nhân dân vũ trang Quảng Ninh, quân địch dùng pháo 105, 85 ly, súng cối 82, 60 ly, súng bộ binh 12,7 ly, đại liên... đồng loạt bắn phá dữ dội các mục tiêu của ta. Sau 30 phút bắn phá, chúng dùng bộ binh gồm 5 tiểu đoàn tăng cường, hơn 2.200 quân (quân số gấp hơn 30 lần của đồn lúc đó) chia thành 5 mũi vượt sông tấn công vào Đồn 209 Pò Hèn. Mũi chính diện, chúng phá rào dây thép gai vượt qua cửa khẩu Pò Hèn, một mũi vượt sông biên giới qua Đồi Tây, một mũi vượt qua đập tràn mốc 13 thuộc thôn Tài Lồng Thìn, một mũi qua sông theo đường mòn mốc 12 và một mũi theo kè đá thôn Lý Quén ở phía Đông Nam Đồn 209 Pò Hèn. Sang lãnh thổ Việt Nam, chúng gộp thành 3 mũi bao vây và tấn công, một mũi vào cổng chính Đồn 209 Pò Hèn, một mũi phía sau đồn để chia cắt đồn và chốt Đồi Quế, một mũi tấn công trực tiếp vào chốt Đồi Quế.
Ông Hoàng Như Lý, nguyên trinh sát viên Đồn 209 Pò Hèn ngày ấy, là một trong số ít những người còn sống sau cuộc chiến. Đến nay, ông Lý vẫn nhớ như in lời Đồn phó Đỗ Sĩ Họa ra lệnh: Tuyệt đối không đồng chí nào được rời vị trí. Bọn chúng xông vào, ta yểm trợ cho nhau, quyết chiến với bọn chúng... Đồn phó Đỗ Sĩ Họa trực tiếp chỉ huy hướng cổng chính và phía bên phải của đồn. Sau khoảng 30 phút, tiếng pháo thưa dần thì vang lên tiếng súng ở các khu vực đại đội tự vệ lâm trường cùng những tiếng la hét inh ỏi. Khi quân địch bò đến gần đồn đông nghịt, đúng tầm bắn thì súng cối 60 ly của ta từ đồn nã phát đầu tiên ra đã tiêu diệt được một số tên. Chúng tiếp tục dùng pháo bắn liên tục vào đồn và chốt Đồi Quế khiến một số chiến sĩ bị thương. Chúng tiếp tục dùng loa kêu gọi ta đầu hàng. Lập tức, Đồn phó Đỗ Sĩ Họa phát lệnh: Anh em đừng nghe bọn chúng nói, chúng ta quyết tâm chiến đấu bảo vệ đồn, chúng xông vào, ta bắn...
Gần 10 giờ trưa, Đồn phó Đỗ Sĩ Họa lấy khẩu B40 bắn vào đội hình địch đang ồ ạt tấn công vào chốt Đồi Quế, nhưng vì lực lượng quá chênh lệch, chốt Đồi Quế bị địch chiếm giữ. Đồn phó Đỗ Sĩ Họa ra lệnh cho anh em quyết đánh chiếm lại Đồi Quế. Sau khi tổ chức lực lượng tấn công địch, chiếm lại được Đồi Quế, quân địch đã bị đẩy lùi ra xa và gọi pháo binh tiếp tục bắn dữ dội vào Đồi Quế, kêu gọi các chiến sĩ ta đầu hàng, nhưng chúng chỉ nhận câu trả lời đanh thép của Đồn phó Đỗ Sĩ Họa: “Người Việt Nam không biết quỳ gối. Chúng mày tới đây, chúng mày sẽ chết”... Người chỉ huy ngày ấy trên mặt bê bết máu, ánh mắt rực lửa căm thù, các chiến sĩ vô cùng xúc động. Tuy bị thương lần thứ nhất, lần thứ hai, lần thứ ba, cho đến lúc anh dũng hy sinh, Đồn phó Đỗ Sĩ Họa cũng không rời trận địa.
Ngày 10-3-1979, liệt sĩ Đỗ Sĩ Họa được truy phong từ quân hàm Trung úy lên Thượng úy và được truy tặng Huân chương Quân công hạng Nhì. Ngày 19-12-1979, liệt sĩ Đỗ Sĩ Họa được Chủ tịch nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Anh hùng, liệt sĩ Đỗ Sĩ Họa, sinh năm1947, tại xã Hồng Vân, huyện Ân Thi, tỉnh Hải Hưng (nay là tỉnh Hưng Yên), tham gia chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị, lập công xuất sắc được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba. Khi được điều động về nhận nhiệm vụ tại Công an nhân dân vũ trang Quảng Ninh, đồng chí Đỗ Sĩ Họa mang quân hàm Trung úy, được giao nhiệm vụ Đồn phó quân sự Đồn 209 Pò Hèn. Hiện nay, tên của Anh hùng, liệt sĩ Đỗ Sĩ Họa đã được UBND tỉnh Quảng Ninh đặt cho một cung đường biển tuyệt đẹp ở khu du lịch Bãi Cháy, thành phố Hạ Long.
Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/nam-xuong-cho-mau-xanh-bien-cuong-post429112.html