Năm yếu tố chủ chốt định hình quỹ đạo kinh tế châu Âu trong 2025
Bất chấp những tín hiệu lạc quan, nhiệm kỳ tổng thống thứ hai của ông Donald Trump và những cảnh báo thuế quan đi kèm đang dẫn tới nhiều rủi ro cho nền kinh tế châu Âu.
Kinh tế châu Âu đang đối mặt với một bức tranh phức tạp trong năm 2025, với sự kết hợp giữa các số liệu kinh tế yếu kém, bất ổn chính trị nhưng cũng có cơ hội để khu vực này khởi sắc.
Sau một năm 2024 đầy khó khăn, các nhà phân tích đang theo dõi sát sao năm yếu tố chủ chốt sẽ định hình quỹ đạo kinh tế của EU.
Chính sách tiền tệ và lãi suất
Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde cảnh báo rằng rủi ro đối với tăng trưởng vẫn nghiêng về phía tiêu cực.
Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) dự kiến tăng 0,8% trong năm nay, cải thiện so với mức 0,4% của năm 2023 nhưng thấp hơn nhiều so với mức 3,4% của năm 2022. Để so sánh, các quan chức Mỹ dự kiến nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ tăng trưởng 2,7% trong năm nay.
Về giá cả, lạm phát của Eurozone tuy giảm xuống 1,8% vào mùa Thu nhưng đã tăng trở lại trên ngưỡng mục tiêu 2% vào tháng 11.
Trong bối cảnh như vậy, ECB đã thực hiện đợt cắt giảm lãi suất lần thứ tư ở mức 25 điểm cơ bản vào tuần trước, cũng là đợt điều chỉnh lãi suất cuối cùng của năm 2024. Thị trường hiện đặt cược ngân hàng trung ương này sẽ có thêm một đợt cắt giảm lãi suất tương tự tại cuộc họp chính sách đầu tiên trong năm 2025.
Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng ECB chưa đủ quyết liệt. Ông Kallum Pickering, nhà kinh tế trưởng tại ngân hàng đầu tư Peel Hunt bày tỏ ủng hộ cho một đợt hạ lãi suất tới 50 điểm cơ bản. Ông tin rằng các vấn đề của châu Âu đã chuyển từ cú sốc nguồn cung sang vấn đề về nhu cầu và lạm phát sẽ không còn cao dai dẳng.
Giới đầu tư đang nhận định lãi suất chủ chốt của ECB có thể giảm từ mức 3% hiện tại xuống 2% vào giữa năm 2025, với các đợt cắt giảm lãi suất tiếp theo dự kiến vào cuối năm. Thậm chí, các nhà phân tích của ngân hàng Bank of America đã tuyên bố lãi suất chính sách của ECB sẽ giảm xuống dưới 2% trong năm tới, cho thấy mức lãi suất tiền gửi 1% là có thể xảy ra.
Niềm tin người tiêu dùng
Sự thận trọng của người tiêu dùng là một trở ngại lớn đối với châu Âu. Theo báo cáo từ Ủy ban châu Âu, niềm tin của người tiêu dùng ở Eurozone đã giảm 1,2 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước vào tháng 11.
Chỉ số tâm lý kinh tế của Ủy ban châu Âu - đo lường niềm tin kinh doanh dựa trên các khảo sát doanh nghiệp và người tiêu dùng, dù ổn định nhưng vẫn duy trì dưới mức trung bình dài hạn trong cả năm. Hiện chỉ số này thậm chí còn thấp hơn một chút so với cuối năm 2023.
Tuy nhiên, nhà kinh tế trưởng Sylvain Broyer tại cơ quan xếp hạng tín nhiệm S&P Global Ratings cho rằng ECB có thể đẩy nhanh việc cắt giảm lãi suất - điều sẽ giúp tăng cường tốc độ tăng trưởng kinh tế, trong bối cảnh niềm tin thị trường vẫn thấp bất chấp tình hình đã có sự cải thiện. Ông lưu ý rằng cả chính sách tiền tệ và tài khóa đều theo hướng hạn chế tăng trưởng ở châu Âu trong hai năm qua và một sự thay đổi có thể giúp tình hình khởi sắc.
Sự trỗi dậy của Nam Âu
Ông Chris Watling, Giám đốc điều hành của công ty tư vấn Longview Economics, đã chỉ ra sự phân kỳ giữa các nền kinh tế ở khu vực châu Âu, với một số nền kinh tế ghi nhận sự cải thiện đáng kể.
Giữa lúc nền kinh tế lớn nhất châu Âu là Đức đang chật vật, các quốc gia Nam Âu - đặc biệt là nhóm "PIIGS" gồm Bồ Đào Nha, Italy, Ireland, Hy Lạp và Tây Ban Nha lại đang trên đà phục hồi. Ủy ban châu Âu dự kiến GDP của Tây Ban Nha sẽ tăng 3% trong năm nay và 2,3% vào năm 2025, trong khi GDP của Hy Lạp dự kiến tăng lần lượt 2,1% và 2,3% vào cùng giai đoạn.
Ông Watling tin rằng bất chấp những khó khăn tiềm ẩn của thị trường trong nửa đầu năm 2025, các ngân hàng trung ương sẽ được khuyến khích cắt giảm lãi suất, dẫn đến sự tái tăng tốc của nền kinh tế vào năm 2026.
Mối đe dọa của thuế quan
Bất chấp những tín hiệu lạc quan, nhiệm kỳ tổng thống thứ hai của ông Donald Trump và những cảnh báo thuế quan đi kèm đang dẫn tới nhiều rủi ro cho nền kinh tế châu Âu.
Báo cáo European Road Ahead của ngân hàng Citi cho thấy mức thuế quan 10% của Mỹ có thể làm giảm GDP của EU tới 0,3% vào năm 2026, trong khi một cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung có thể gia tăng tác động đối với các quốc gia dễ bị tổn thương như Đức.
Các nhà phân tích tin rằng một sự đáp trả trực tiếp khó có thể xảy ra khi điều này sẽ dẫn tới cú sốc giảm phát. Nhưng sự phân tán thương mại của kinh tế toàn cầu có thể gây tổn hại đến châu Âu trong dài hạn.
Chuyên gia Janet Mui của công ty quản lý tài sản RBC Brewin Dolphin tin rằng thuế quan có khả năng sẽ được chính phủ sắp tới của Mỹ sử dụng như một "lá bài mặc cả." Ông Trump có thể sẽ không thực hiện hết những cảnh báo thuế quan của mình.
Bất ổn chính trị
Bất ổn chính trị bên trong châu Âu là một mối lo ngại khác. Pháp và Đức, hai trong số các nền kinh tế lớn nhất khu vực, đang trải qua những xáo trộn trên chính trường. Thủ tướng Pháp Michel Barnier gần đây đã đệ đơn từ chức trong khi Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã nhận kết quả bất lợi trong một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm.
Chuyên gia David Roche của công ty tư vấn tài chính Quantum Strategy nhận định sự trì trệ về chính trị và kinh tế của Pháp và Đức đang gây bất an cho châu Âu, khi đây đều là những nền kinh tế hàng đầu của khu vực.
Tuy nhiên, ông Maximilian Uleer, người đứng đầu chiến lược cổ phiếu châu Âu và đa tài sản tại ngân hàng Deutsche Bank, tin rằng bất ổn chính trị tại Đức có thể thúc đẩy sự thay đổi. Ông chỉ ra trong lịch sử, Đức đã thực hiện các cải cách và trở nên mạnh mẽ hơn sau những thời kỳ bất ổn chính trị và suy thoái./.