Nạn bắt chim yến làm mồi nhậu, hủy hoại môi trường, hại luôn nền kinh tế

Giá trị yến sào thu hoạch tại Quảng Nam đạt cả trăm tỉ đồng mỗi năm. Thế nhưng, chỉ vì phục vụ khách nhậu bình dân, tại địa phương này đang rộ lên nạn săn bắt chim yến theo kiểu tận diệt.

Những người nuôi yến lấy tổ ở Quảng Nam đã phải thức khuya dậy sớm, tự lần mò theo các tay chuyên giăng lưới săn chim trời, các đầu nậu mua bán, chế biến chim yến... để tự tay chụp ảnh, quay phim, làm bằng chứng thuyết phục, gửi kiến nghị đến chính quyền, ngành kiểm lâm nhờ can thiệp.

Video do người nuôi yến ở Quảng Nam cung cấp.

Bởi phải mất nhiều năm, cơ sở nuôi yến mới có thể gây dựng được 1 đàn vài trăm con. Chi phí đầu tư nhà nuôi yến là hàng chục tỉ đồng, nhưng các tay săn bắt chim trời chỉ cần vài lần giăng "lưới tàng hình" (cả mắt lưới và sợi lưới rất nhỏ, khó nhìn thấy) có thể tận diệt ngay đàn yến. Vậy mà vấn nạn giăng lưới trời, bắt chim yến đang nở rộ ở Quảng Nam.

Thịt chim yến khét, không bằng cả chim sẻ. Giá bán cũng chỉ 5.000 - 7.000 đồng mỗi con, nhưng để cung ứng cho các nhà hàng, quán nhậu chim trời, cánh săn bắt đã bất chấp tận diệt.

Chim yến, một loài động vật hoang dã thuộc loại hiếm bởi không phải quốc gia nào cũng có. Loài chim nổi tiếng chung thủy này chỉ ăn mồi sống, uống những giọt sương mai và làm tổ bằng nước bọt ở những vách đá cheo leo ngoài biển đảo. Tổ chim yến có giá trị dinh dưỡng cao, vốn chỉ là mỹ vị trong cung đình, chỉ dành cho vua chúa từ hàng trăm năm trước. Bây giờ, yến sào tuy có giá từ 150- 200 triệu đồng/kg, nhưng vì có giá trị dinh dưỡng cao, tốt cho sức khỏe người già, người ốm yếu, nên đang là "món ăn vàng" chăm sóc sức khỏe, phổ biến trong nhiều gia đình.

Từ sau năm 2000 đến nay, ngoài khai thác tự nhiên, nghề nuôi yến sào đã phát triển mạnh. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, cả nước hiện có trên 22.000 nhà nuôi chim yến, với sản lượng mỗi năm khoảng 120 tấn, giá trị trên 500 triệu USD. Xuất khẩu yến sào mỗi năm đạt 200 - 300 triệu USD...

Thế nhưng chỉ vì một miếng mồi nhậu vài chục ngàn đồng, mà những tay "chim tặc", nhà hàng, quán nhậu... đã tận diệt từng đàn yến, gián tiếp phá hoại nền kinh tế.

Với những lưới tàng hình thế này thì các loài chim khó thoát. Ảnh: An Thượng

Với những lưới tàng hình thế này thì các loài chim khó thoát. Ảnh: An Thượng

Tại đảo Cù Lao Chàm, Hội An, doanh thu từ nghề khai thác yến sào mang lại hàng trăm tỉ đồng mỗi năm. Nhưng hiện nay sản lượng sụt giảm 70-80%. Một trong những nguyên nhân là sụt giảm số lượng đàn chim yến, trong đó có lý do chim bị săn bắt đang rộ lên hiện nay.

Đây cũng là vấn nạn báo động mà người nuôi yến ở nhiều địa phương từ Đồng Nai, Phú Yên, Bình Định... đã kêu cứu nhiều năm rồi, nhưng chưa được giải quyết triệt để.

Khi con chim yến được xem là loài động vật nuôi (để khuyến khích phát triển kinh tế), thì chế tài xử phạt việc săn bắt cũng nhẹ hơn so loài động vật hoang dã, quý hiếm khác. Hình thức phạt hành chính không đủ răn đe "chim tặc".

Vì vậy, ngoài việc trông chờ các biện pháp xử lý mạnh hơn, có tính răn đe của nhà nước, ngành kiểm lâm, thì người dân, cộng đồng cần phải chung tay bảo vệ ngay loài động vật quý giá này.

Hãy nói không với thịt động vật hoang dã, với chim trời. Đặc biệt tẩy chay thịt chim yến - một loài chim cho ra sản phẩm có giá trị dinh dưỡng và kinh tế rất cao.

Không ăn nhậu, mua bán, săn bắt chim yến, là giúp bảo vệ môi trường tự nhiên, đồng thời giúp cho hàng ngàn nông hộ nuôi yến thoát nguy cơ phá sản, giúp cho các địa phương ổn định nguồn thu ngân sách.

Theo Báo Lao Động

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/nan-bat-chim-yen-lam-moi-nhau-huy-hoai-moi-truong-hai-luon-nen-kinh-te.html