Nạn buôn bán trẻ sơ sinh ở Kenya: Những đứa trẻ bị đánh cắp
Nhiều đứa trẻ sơ sinh bị đánh cắp hoặc bị bán nhằm đáp ứng đơn đặt hàng của những kẻ buôn người cung cấp cho thị trường chợ đen đang phát triển mạnh ở thủ đô Nairobi của Kenya. Nhóm Africa Eye của BBC đã thâm nhập vào các đường dây buôn bán trẻ em để biết điều gì đã khiến những người mẹ phải bán con mình.
Phụ nữ dễ tổn thương trở thành "con mồi"
Con trai của Rebecca, nay 10 tuổi, đang ở một nơi nào đó. Cậu bé có thể ở Nairobi - nơi cô đang sống, hoặc có thể ở nơi khác. Hoặc cũng có thể, cậu bé đã chết, Rebecca đau lòng cho biết. Lần cuối cùng, cô gặp con mình - Lawrence Josiah, con trai đầu lòng - là khi cậu bé mới lên 1 tuổi. Lúc đó, Rebecca mới 16 tuổi.
Vào khoảng 2 giờ sáng một ngày vào tháng 3-2011, Rebecca cảm thấy buồn ngủ vì ngửi một chiếc khăn tay được tẩm nhiên liệu máy bay trên đường phố. Cô ngửi thứ hơi xăng này để có thể tự tin đi ăn xin. Khi Rebecca 15 tuổi, mẹ cô không thể hỗ trợ hay trả học phí cho cô nữa. Vì vậy, cô bỏ học và sống lang thang trên đường phố. Cô gặp một người đàn ông lớn tuổi. Người này hứa hẹn sẽ kết hôn với cô. Song khi thấy cô mang thai, ông ta đã biến mất. Năm sau, Rebecca sinh Lawrence Josiah và nuôi nấng đến khi thằng bé được hơn 1 tuổi. Rồi cho đến khi cô ngủ thiếp đi vì ngửi hơi xăng, tỉnh dậy thì cô đã không bao giờ gặp lại con trai.
Rebecca vẫn sống trên những con phố cũ ở Nairobi. Hiện, cô có thêm 3 con gái (8, 6 và 4 tuổi). Cô cho hay, con gái nhỏ nhất lúc 1 tuổi từng bị một gã đàn ông quanh quẩn trong khu vực bắt cóc. Không khó để tìm thấy những câu chuyện tương tự xung quanh những con phố nơi Rebecca sống cùng với những cư dân Nairobi khác.
Những phụ nữ dễ bị tổn thương đang trở thành những "con mồi" để cung cấp trẻ sơ sinh cho thị trường chợ đen đang phát triển mạnh ở Nairobi. Qua quá trình điều tra kéo dài 1 năm, Africa Eye đã tìm ra bằng chứng về việc những đứa trẻ bị cướp từ tay những bà mẹ vô gia cư và bị bán để thu lợi khủng. Nhóm phát hiện ra nạn buôn bán trẻ em bất hợp pháp tại các phòng khám trên phố hoặc được đặt hàng đánh cắp trẻ sơ sinh tại một bệnh viện công lớn. Trong nỗ lực vạch trần những kẻ lạm dụng chức vụ và quyền hạn, Africa Eye đã đóng giả người đi mua một đứa trẻ bị bỏ rơi từ một quan chức bệnh viện. Người này đã sử dụng giấy tờ hợp pháp để giành quyền nuôi một cậu bé 2 tuần tuổi trước khi bán trực tiếp cho Africa Eye.
Những kẻ bắt cóc trẻ sơ sinh bao gồm từ những kẻ cơ hội dễ bị tổn thương đến những tên tội phạm có tổ chức - thường là cả hai thành phần này làm việc với nhau. Trong số những kẻ cơ hội có những phụ nữ như Anita - một người nghiện rượu nặng và sử dụng ma túy, bản thân sống ngoài đường và kiếm tiền bằng việc đánh cắp trẻ em từ những phụ nữ như Rebecca - các bà mẹ có con dưới 3 tuổi. Africa Eye tìm hiểu về Anita thông qua một người bạn của cô ta - tạm gọi là Emma (vì yêu cầu được giấu tên). Emma cho hay, Anita có nhiều cách khác nhau để bắt cóc trẻ em trên đường phố.
Theo Anita, chủ của cô ta là một nữ doanh nhân địa phương, đã bán những đứa trẻ bị đánh cắp bởi những kẻ tội phạm nhỏ và bán chúng kiếm lời. Một khi Anita đã bán đi một đứa trẻ, cô ta rất ít khi biết về số phận của đứa trẻ sau đó. Cô ta tính giá 50.000 shilling cho một bé gái và 80.000 shilling cho một bé trai, hay 350 bảng Anh và 550 bảng Anh.
Anita cho hay, đã có một người mua xếp hàng để mua bé gái với giá 50.000 shilling. Emma - nguồn tin của Africa Eye - đã cố gắng can thiệp và hứa giới thiệu với một người mua có thể trả giá lên tới 80.000 shilling. Và cuộc gặp được ấn định vào 5 giờ chiều hôm sau. Vì tính mạng của một đứa trẻ đang gặp nguy hiểm, Africa Eye đã thông báo cho cảnh sát. Cảnh sát đã thiết lập một chiến dịch để bắt giữ Anita và giải cứu đứa trẻ, ngay khi người mua của Africa Eye gặp cô ta. Đó có thể là cơ hội cuối cùng để bảo vệ bé gái này trước khi cô bé biến mất.
Nhưng Anita không bao giờ xuất hiện, và mặc dù đã cố gắng trong nhiều ngày, Africa Eye vẫn không thể tìm thấy cô ta. Nhiều tuần sau, Emma cuối cùng cũng lần ra được cô ta. Emma cho Africa Eye biết rằng, Anita nói đã tìm được người mua trả giá cao hơn và sử dụng tiền để xây một ngôi nhà hai phòng lợp tôn ở một trong những khu ổ chuột của thành phố. Đứa trẻ đã biến mất.
"Đây là một vấn đề rất lớn ở Kenya"
Không có số liệu thống kê đáng tin cậy về nạn buôn bán trẻ em ở Kenya. Không có báo cáo của chính phủ. Không có cuộc điều tra quy mô toàn quốc nào. Các cơ quan chịu trách nhiệm tìm kiếm trẻ em mất tích và theo dõi thị trường chợ đen đều thiếu nhân lực và nguồn lực. Một trong số ít các tổ chức bảo vệ an toàn cho các bà mẹ có con là Tổ chức phi chính phủ Missing Child Kenya (Trẻ em Kenya mất tích) do Maryana Munyendo thành lập và điều hành. Trong 4 năm hoạt động, tổ chức đã nghiên cứu khoảng 600 trường hợp, Munyendo cho hay.
"Đây là một vấn đề rất lớn ở Kenya nhưng nó không được báo cáo nhiều. Tại Missing Child Kenya, chúng tôi hầu như mới chạm được vào phần nổi của tảng băng. Vấn đề không được ưu tiên trong các kế hoạch ứng phó hành động vì phúc lợi xã hội" - bà Munyendo nói.
Nguyên nhân một phần do đây là 1 loại tội phạm mà nạn nhân có xu hướng là phụ nữ dễ bị tổn thương, không có tiếng nói như Rebecca, những người không có tiềm lực tài chính hoặc ảnh hưởng xã hội để thu hút sự chú ý của truyền thông hay thúc đẩy hành động từ chính quyền.
Động lực đằng sau thị trường chợ đen này là sự kỳ thị văn hóa dai dẳng xung quanh vấn đề vô sinh. Một người phụ nữ trong hoàn cảnh đó rất có thể sẽ liên lạc với kẻ buôn người như ông chủ của Anita, hoặc có thể được kết nối đến một người nào đó có quyền tiếp cận bệnh viện. Theo nghiên cứu của Africa Eye, các đường dây buôn bán trẻ em đang hoạt động trong một số bệnh viện công lớn nhất ở Nairobi.
Những đứa trẻ như cậu bé bị bỏ rơi mà Leparan giới thiệu lẽ ra phải được đưa đến các trung tâm chăm sóc trẻ của nhà nước và sẽ được những cha mẹ nuôi - những người đã được kiểm tra lý lịch và phúc lợi - nhận nuôi chính thức. Khi chúng bị bán bất hợp pháp bởi những người như Fred Leparan, không ai thực sự biết chúng sẽ đi đâu về đâu.
Sự lựa chọn của Adama
Làm việc với một nhà báo địa phương - Judith Kanaitha của Đài phát thanh Ghetto, Africa Eye đã tiếp cận một phòng khám ở khu phố Kayole của Nairobi, nơi có hàng nghìn cư dân nghèo nhất của thành phố. Theo Kanaitha, việc buôn bán trẻ em đang bùng nổ ở Kayole. Phòng khám mà Africa Eye tiếp cận được điều hành bởi một phụ nữ có tên Mary Auma. Người này từng làm y tá tại một số bệnh viện lớn nhất của Nairobi. Kanaitha đóng giả người mua. Bên trong phòng khám, hai phụ nữ đã chuyển dạ.
"Cô này đang mang thai 8 tháng rưỡi, sắp sinh rồi" - Auma thì thào cho biết. Cô ta đề nghị bán đứa trẻ chưa chào đời cho Kanaitha với giá 45.000 shilling (315 bảng Anh).
Auma không quan tâm đến phúc lợi của người mẹ sau sinh. "Ngay sau khi nhận được tiền của mình, cô ấy sẽ đi" - cô ta nói và xua tay. "Chúng ta phải rõ ràng ở điểm này là bọn họ không bao giờ trở lại".
Người phụ nữ đang mang thai trong phòng khám ngày hôm đó là Adama. Adama đã tan vỡ. Giống như Rebecca, cô đã bị một gã đàn ông "quất ngựa truy phong". Vốn phụ hồ trên một công trường xây dựng, lúc mang thai, cô không thể mang vác các bao xi măng được nữa. Trong 3 tháng, chủ nhà của công trình xây dựng đã ban ơn cho cô, sau đó thì cũng đuổi việc. Điều đó dẫn bước chân Adama đến nơi này. Adama quyết định bán đứa con của mình. Mary Auma tính giá 45.000 shilling đối với khách hàng, nhưng chỉ trả cho Adama 10.000 shilling (70 bảng Anh).
Adama nói rằng, vào ngày người của Africa Eye bước vào phòng khám, Mary Auma đã dụ dỗ cô bán con mà không hề báo trước và cho uống một viên thuốc gì đó. Auma đã có khách hàng và rất muốn bán. Nhưng cuộc sinh nở không suôn sẻ. Bé trai sơ sinh có vấn đề về ngực và Auma bảo Adama đưa con trai đến Bệnh viện Mama Lucy để điều trị. Sau 2 tuần, Adama được xuất viện cùng cậu bé. Cô nhắn tin cho Auma và Auma liên lạc với phóng viên hóa thân. Giá cả mới lúc này là 45.000 shillings.
Mua bán trẻ tại bệnh viện
Fred Leparan gọi điện nói rằng, anh ta đã xác định được một bé trai bị mẹ bỏ rơi và anh ta muốn trộm cho người của Africa Eye. Cậu bé là một trong ba đứa trẻ đang ở bệnh viện chờ được chuyển đến nhà chăm sóc trẻ gần đó. Nhiệm vụ của Leparan là đảm bảo chúng đến đó an toàn. Nhưng Leparan biết rằng, một khi những đứa trẻ rời Bệnh viện Mama Lucy, hầu như không có ai kiểm tra xem chúng đã về đến chỗ ở an toàn hay chưa.
Tại bệnh viện, Leparan điền vào các thủ tục giấy tờ cần thiết và rỉ tai với các nhân viên - những người không hề biết rằng một đứa trẻ đang bị đánh cắp ngay trước mắt họ. Rose - phóng viên hóa thân người mua - đang đợi trong một chiếc xe hơi bên ngoài. Leparan nói với các y tá bệnh viện rằng Rose làm việc cho nhà chăm sóc trẻ và yêu cầu họ đưa các em bé ra ngoài cho cô. Sau đó, anh ta giục cả nhóm nhanh chóng rời đi.
Một lúc sau, cả nhóm rời Bệnh viện Mama Lucy với ba đứa trẻ sơ sinh trên xe và được hướng dẫn chỉ đưa hai đứa trẻ đến nhà chăm sóc trẻ. Còn em bé thứ ba có thể đi bất cứ đâu, với bất cứ ai. Nhóm đã đưa cả ba đứa trẻ về nhà chăm sóc trẻ an toàn - nơi chúng sẽ được chăm sóc cho đến khi thu xếp được việc nhận con nuôi hợp pháp.
Cuối buổi chiều hôm đó, Leparan gọi Rose đến gặp và hướng dẫn cô đặt 300.000 shilling đã thỏa thuận trên bàn. Anh ta cũng hướng dẫn cô đến gặp bác sĩ dinh dưỡng. "Điều duy nhất cần để mắt đến là dấu vết tiêm vaccine của thằng bé. Ngoài ra, hãy cẩn thận. Hãy rất cẩn thận!" - anh ta nhắc nhở.
BBC đã đối chất với Fred Leparan về giao dịch này nhưng anh ta từ chối trả lời. Bệnh viện cũng từ chối bình luận về vấn đề này và Leparan dường như vẫn giữ được công việc của mình.
Africa Eye cũng báo cho một tổ chức phi chính phủ về quyền trẻ em về phòng khám đường phố bất hợp pháp của Mary Auma ở Kayole, cơ quan này đã thông báo cho cảnh sát. Nhưng phòng khám của Auma dường như vẫn hoạt động bình thường. Cô ta không trả lời khi Africa Eye đưa ra những cáo buộc đối với cô ta. Nhóm Africa Eye còn cố gắng đưa ra những cáo buộc với Anita, nhưng cô ta dường như một lần nữa biến mất trong bóng tối của đường phố.
Đối với những bà mẹ có con bị đánh cắp, sẽ không bao giờ có bất kỳ giải pháp thực sự nào. Rebecca sẵn sàng đánh đổi "mọi thứ" để gặp lại con trai mình. "Và nếu thằng bé đã chết, tôi cũng muốn biết" - Rebecca tâm sự.