Nạn buôn người được đưa vào chương trình học ở Campuchia
Các quan chức cho biết, học sinh các trường học ở Campuchia sẽ tìm hiểu về mối nguy hiểm và nhiều điều luật xung quanh nạn buôn người từ năm 2021.
Người phát ngôn của Bộ Giáo dục Campuchia, ông Ros Soveacha cho biết, chương trình học sẽ có thêm bài về nạn buôn người cho học sinh tiểu học và trung học. Ông chia sẻ: "Hy vọng rằng các học sinh sẽ học được cách để ngăn chặn nạn buôn người trong trường học và trong giới trẻ".
Ông Ros Soveacha còn cho biết, trọng tâm cụ thể của bài học mới là nạn buôn bán tình dục, ngoài ra cũng sẽ bao gồm bài học về tội phạm ma túy và các tội phạm khác.
Theo Chỉ số nô lệ toàn cầu từ Tổ chức Walk Free có trụ sở tại Úc, hơn 260.000 người trong số 16 triệu người Campuchia đang bị mắc kẹt trong chế độ nô lệ hiện đại, trong số đó có nhiều người là trẻ em.
Theo các nhà vận động, hàng nghìn người được cho là bị buôn bán ra ngoài, bao gồm cả phụ nữ bị ép buộc kết hôn ở Trung Quốc, một xu hướng đã gia tăng gấp đôi trong thời kỳ đại dịch COVID – 19. Chưa kể, đại dịch cũng đã làm phát sinh làn sóng buôn người mới đến Thái Lan, nơi hơn một triệu người Campuchia làm việc bất hợp pháp, trong đó có hàng nghìn người lâm vào cảnh nợ nần trong các lĩnh vực đánh bắt, trồng trọt và sản xuất.
Phó ban cơ quan phòng chống buôn người của chính phủ Campuchia cho biết, các bài học mới sẽ giúp học sinh tìm hiểu các hình thức buôn bán người khác nhau, vai trò của nhà trường và cộng đồng trong việc đề phòng, ngăn chặn nạn buôn người. Ngoài ra, nội dung bài học cũng sẽ giúp học sinh hiểu thêm các luật và quyền liên quan.
Chou Bun Eng, người có nhiệm vụ phát triển và huấn luyện các giáo viên giảng dạy về các bài học, chia sẻ: "Giáo dục là một phần trong việc ngăn chặn các vấn đề xã hội. Nếu mọi người vẫn chần chừ trọng việc bảo vệ những đối tượng dễ bị tổn thương, thì không có cách nào ngăn chặn được hậu quả".
Các nhà vận động khen ngợi sáng kiến được đưa ra, nhưng cho biết rằng nó sẽ chỉ hiệu quả nếu các bài học đi sâu vào cơ chế buôn người. Ông Chan Saron, giám đốc chương trình của tổ chức từ thiện chống buôn người Chab Dai cho biết, cần đặc biệt chú ý đến các tỉnh biên giới, nơi trẻ em ngày càng dễ bị những tên môi giới nhắm đến để bóc lột sức lao động và cưỡng bức.
"Trẻ em cần được biết cụ thể: Các thủ đoạn của những người môi giới là gì? Hôn nhân cưỡng bức là gì? Thực tế tình hình ở các quốc gia khác như thế nào? Luôn luôn có những hình thức buôn người mới, nhưng nếu chúng ta có thể dạy trẻ những điều này, trẻ em sẽ được an toàn hơn", ông nói.
Nguồn: Reuters