Nặn đất sét kiếm 50 triệu đồng mỗi tháng
Trung bình một ngày, anh Hồng Đức có thể làm ra từ 5-10 tượng chibi truyền thần với giá từ 300.000 đến 5 triệu đồng, thu nhập khoảng 50 triệu đồng/tháng.
Bước ngoặt lớn khi quyết định nghỉ việc
Ngay từ nhỏ, anh Lê Nguyễn Hồng Đức (34 tuổi, ngụ quận Tân Bình, TPHCM) đã đem lòng yêu thích các sản phẩm thủ công, đặc biệt là tượng hình người giống y như thật. Sau khi tốt nghiệp đại học và đi làm kế toán được nửa năm, anh nghỉ ngang vì lương thấp.
Năm 2012, anh Đức quyết định học nghề nặn chi bi truyền thần một cách chuyên nghiệp. Song, thời điểm đó không có bất kỳ tư liệu nào trên mạng Internet hay sách báo dạy về làm tượng chibi truyền thần. Cả nước cũng chỉ có 3 người là nghệ nhân theo đuổi công việc này, dù anh Đức cố gắng xin học nghề nhưng không người nào đồng ý dạy.
Không dừng lại ở đó, gia đình cũng ra sức phản đối vì cho rằng anh từ bỏ công việc có mức lương ổn định là một quyết định "ấu trĩ".
"Ngọn lửa" đam mê ngày càng lớn, chàng trai 8X quyết tâm "tự lực cánh sinh", bắt đầu tất cả bằng chính bản thân. Anh Đức kể, dù phải làm việc đến 18h mới được về nhà, anh vẫn tranh thủ ngồi vào bàn để tìm hiểu làm sao nặn được gương mặt người từ đất sét một cách chân thật nhất.
"Lúc đó thất bại không đếm xuể. Tượng nặn ra không đẹp, không giống thật, chất liệu cũng không đảm bảo nên tôi rất buồn. Cố gắng từng ngày và đúc kết kinh nghiệm từ những lần thất bại trước, tôi cũng đã làm ra được sản phẩm đầu tiên, đăng lên mạng bán. Không lâu sau thì có người mua, cảm giác bán được bức tượng đầu tiên trong sự nghiệp là ký ức khó quên nhất", anh Đức kể.
Dần về sau, càng có nhiều đơn hàng, anh Đức quyết định mở xưởng riêng, thuê nhân công phụ việc để nghiêm túc sản xuất một cách chuyên nghiệp. Khởi nghiệp với số tiền 3 triệu đồng vay mượn từ bạn bè, anh Đức mạo hiểm nhận hàng loạt các đơn hàng đầu tiên rồi xoay vòng vốn liên tục. Mất ăn mất ngủ vì phải chi trả các khoản chi trong sản xuất, chàng trai 8X vẫn giữ được "lửa" nghề và hái được quả ngọt sau những cố gắng.
"Những sản phẩm đầu tiên không hoàn hảo thật, nhưng tôi chọn cách lắng nghe góp ý của khách hàng để hoàn thiện từng ngày", chàng trai 8X nhấn mạnh.
Được một nghệ nhân về hoa đất sét hướng dẫn, anh Đức liền ứng dụng đất sét Việt vào làm nguyên liệu chính cho sản phẩm, bởi anh cảm nhận được sự dẻo dai, không quá khô và độ bền của chúng. Theo anh Đức, mỗi bức tượng chibi mất khoảng 4 tiếng để hoàn thành, nhưng lại có độ bền lên đến 20-30 năm.
Để hoàn thành một bức tượng chibi, người nghệ nhân phải trải qua nhiều công đoạn phức tạp và đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ. Trước tiên, anh Đức sẽ phác thảo trước hình nhân vật do khách hàng cung cấp, phân tích trên máy sao cho thật chi tiết, chính xác.
Tiếp đó, người nghệ nhân sẽ thực hiện chế tác riêng biệt từng bước cho các phần thân, đầu, quần áo, tóc, phụ kiện… của bức tượng trước khi đặt vào lồng kính. Quan trọng nhất chính là công đoạn vẽ gương mặt, người nghệ nhân phải vẽ sao cho thật giống với gương mặt của người thật.
Được biết, anh Đức tập trung phát triển 3 dòng sản phẩm chính, gồm: tượng chibi loại nhỏ; tượng tả thực và tượng điêu khắc truyền thần, với mức giá dao động từ 300.000 đến 5 triệu đồng. Các sản phẩm đều được làm giống thật trên 60%.
Luôn làm việc bằng cái tâm
Chia sẻ với phóng viên, anh Hồng Đức cho biết bản thân luôn đặt ra mục tiêu làm việc bằng cái tâm. Mỗi sản phẩm đều được anh thực hiện chỉn chu, đầu tư chất liệu tốt nhất. Dần có sự tin tưởng từ cộng đồng, các đơn hàng liên tục tới tấp hơn. Trung bình một ngày, anh có thể bán được từ 5-10 tượng, thu nhập khoảng 50 triệu đồng/tháng.
Trong suốt 10 năm làm nghề, có không ít câu chuyện xúc động, trở thành động lực giúp anh cố gắng từng ngày để lan tỏa sự yêu thương.
"Nhớ nhất là các đơn nặn tượng người thân quá cố của khách hàng. Nhiều người quan niệm có thể làm đại cũng được vì nó cũng chỉ là tượng, nhưng tôi thì không. Nó còn là một món quà, một ký ức quan trọng của khách hàng", anh Đức nói.
Chàng trai 8X nhớ lại, đơn hàng đầu tiên về tượng của người quá cố đã khiến anh thêm yêu nghề hơn. Anh kể, một nữ khách hàng ở Hà Nội đã nhắn tin đặt hàng làm tượng về ông bà đã mất để tặng sinh nhật mẹ. Dù trước đó chưa từng chế tác sản phẩm này, anh Đức quyết tâm nhận lời và bỏ hết công sức thực hiện.
"Ngày nhận được món quà đó, mẹ của cô gái ấy nhìn bức tượng thật lâu và khóc rất nhiều, cảm giác như mọi ký ức về người thân hiện rõ, khiến cho tôi rưng rưng vì xúc động. Đó là một trong những động lực khiến tôi cố gắng hơn", anh Đức tâm sự.
Tại cơ sở sản xuất, 6-8 nhân viên của anh đều được tuyển với tiêu chí khéo tay, thật sự yêu thích công việc và đã được anh chỉ dạy ngay từ những bước đầu. Theo lời kể của anh Đức, có rất đông học viên đến đăng ký nhưng trung bình 10 người, anh chỉ nhận 2 người để hướng dẫn.
"Công việc này không phải ai muốn làm cũng được. Khéo tay là một nhưng có phù hợp không lại là chuyện quan trọng nhất. Cái khó của tôi chính là tìm người nối nghề, phải thật sự đam mê thì tôi mới dạy được. Tôi có khá nhiều học viên ở xa, vì họ rất phù hợp nên tôi vẫn chấp nhận dạy qua mạng, hướng dẫn họ từ xa", nghệ nhân làm tượng chibi chia sẻ.
Hiện tại, sản phẩm của anh Đức đã có mặt ở khắp các tỉnh, thành trên cả nước. Sắp tới, anh Đức mong muốn loại hình nghệ thuật này có thể phát triển mạnh mẽ, lan rộng đến nhiều người, đặc biệt là giới trẻ.
Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/nan-dat-set-kiem-50-trieu-dong-moi-thang-172221017102401891.htm