Nạn dùng tàu cá nhỏ buôn lậu ma túy
Việc thiếu các lựa chọn nghề nghiệp cho các ngư dân tại những cộng đồng ngư phủ đã làm bùng nổ các hoạt động phi pháp mà ở đây là vận chuyển ma túy trái phép. Tác giả Joshua Rapp Learn, một nhà báo hoạt động ở Wasshington D.C. chuyên viết về các mảng khoa học, văn hóa và môi trường. Ông đã tác nghiệp ở khu vực hoang mạc Sahara, xuôi thuyền trên dòng Amazon và khám phá hơn 50 quốc gia trên thế giới cho các phóng sự hấp dẫn của mình.
Lợi nhuận khổng lồ
Câu chuyện về hoạt động tuồn lậu ma túy thường bắt đầu ở những đội tàu cá bị cấm hoặc làm ăn bết bát tại những cộng đồng ngư phủ vốn chịu nhiều thiệt thòi. Lý do thì hết sức đa dạng có thể kể đến như trữ lượng thủy sản cạn kiệt do khai thác quá mức tại các khu vực ở Châu Á, những vùng nước bị ô nhiễm tại vùng Vịnh Guinea ở Tây Phi, cùng việc ra tuyên bố thành lập khu bảo vệ hải dương học ở vịnh Caribe đã chặn đứng sinh kế của các ngư dân, vô hình trung tiếp tay cho việc ngư dân biến thuyền cá của họ thành phương tiện để vận chuyển các chất cấm, theo tuyên bố của một nhóm các nhà nghiên cứu quốc tế khi phân tích các vụ buôn bán ma túy xảy ra trong thời gian gần đây.
Theo một nghiên cứu hồi tháng 9-2020 được đăng trên tờ Cá và Nghề cá (Fish and Fishing) thì nhu cầu sử dụng các tàu cá nhỏ để buôn lậu ma túy đang đà gia tăng trên khắp thế giới, khi những kẻ buôn lậu tìm cách lợi dụng những đường biên giới mềm cùng mớ luật rối bùng ở các lãnh hải quốc tế.
Nhu cầu sử dụng các đội tàu cá nhỏ đã tăng gấp 3 trong vòng 8 năm qua và hiện chiếm khoảng 15% tổng giá trị bán lẻ ma túy phi pháp trên bình diện toàn cầu.
Bà Dyhia Belhabib, nhà điều tra chính của tổ chức phi lợi nhuận Ecotrust Canada cho biết trong chuyến đến Guinea-Bissau, lần đầu tiên bà Belhabib đã nghe ngóng về những chiếc tàu nhỏ dùng để buôn lậu ma túy như là một phần của thực trạng buôn lậu phi pháp tại đất nước này. Bà Belhabib đã bắt đầu làm việc như là một phần của một dự án lớn hơn mang tên Spyglass, dự án này nhấn mạnh đến việc công khai dữ liệu thu thập từ các hồ sơ tàu cá vi phạm thông qua giới chức thi hành luật pháp, hay từ truyền thông và những nguồn khác nhằm tăng sự hiển thị của những người tái phạm, đồng thời cải thiện chính sách quốc tế.
Nền tảng Spyglass của tổ chức Ecotrust Canada sẽ giúp các giới chức, những tổ chức phi chính phủ và những người khác cùng theo dõi và trừng phạt những tàu cá có nguy cơ buôn lậu cao. Bà Ife Okafor-Yarwood, một giảng viên về phát triển bền vững tại Đại học St. Andrews (Vương quốc Anh), người không tham gia vào nghiên cứu của bà Belhabib nhưng thừa nhận rằng Spyglass là một công cụ hữu ích để điều hướng cho các nhà nghiên cứu và công luận.
Trong một báo cáo gần đây, Văn phòng ma túy và tội phạm Liên Hợp Quốc (UNODC) tuyên bố rằng nạn buôn lậu ma túy đã dính chặt vào đánh cá trái phép, và bà Belhabib đã xác thực việc này bằng cách nghiên cứu các hồ sơ phạm pháp. Bà Belhabib và các đồng nghiệp đã tiến hành phân tích 292 hồ sơ lấy từ các báo cáo truyền thông, những báo cáo từ chính phủ và các nguồn khác để tìm ra manh mối ma túy thông qua 6 ngôn ngữ Anh, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Arab, Pháp và Trung Quốc. Đầu tiên họ lấy số lượng tàu cá bị bắt nhằm xác minh giá trị ma túy trên tàu; kế đó họ chạy các mô hình để ước tính có bao nhiêu tàu (bị phát hiện và chưa bị vạch mặt) có liên quan đến làm ăn phi pháp.
Trong một báo cáo của tổ chức Tich hợp tài chính toàn cầu (GFI, trụ sở ở Washington D.C) thì các nhà nghiên cứu đã tính toán rằng doanh thu buôn lậu ma túy từ các tàu đánh cá trên phạm vi toàn thế giới ước đạt 80 tỷ USD/ năm, tức chiếm khoảng 15% trong số doanh thu hàng năm dao động từ 426 tỷ USD đến 652 tỷ USD do ma túy mang lại.
Chiến lược tàu nhỏ của các nghiệp đoàn ma túy
Bà Belhabib ước tính rằng chỉ 1 tàu cá đơn lẻ cũng có thể chở số ma túy trị giá tới 70 triệu USD trong một lần vận chuyển. Mặt khác, nhóm của bà Belhabib cũng phát giác rằng kích cỡ trung bình của tàu cá chở ma túy ngày càng nhỏ dần theo thời gian dù tổng lượng ma túy vận chuyển qua các tàu đang không ngừng tăng, đồng nghĩa bọn buôn lậu ma túy đang chia nhỏ những chuyến hàng lớn hơn.
Bà Belhabib cũng chỉ ra rằng các nghiệp đoàn ma túy sử dụng những con tàu nhỏ có "hồ sơ sạch sẽ" sẽ ít bị làm khó bởi các cơ quan thi hành pháp luật, còn những tàu có "tiền án" sẽ dễ bị “thộp cổ”. Ông Aldo Chircop, chủ tịch về chính sách và luật hàng hải tại Đại học Dalhousie ở Nova Scotia (Canada), người không tham gia vào nghiên cứu của bà Belhabib, phát biểu rằng cộng đồng quốc tế thường gặp khó trong công tác giám sát và kiểm soát các tàu cá nhỏ và cả những quốc gia giàu có như Canada cũng lâm vào thế bí.
Ông Chircop phân tích rằng ngay cả khi nhà chức trách kiểm tra các tàu nhỏ thì họ cũng không được đào tạo để kiểm tra ma túy. Ông Chircop nói: "Những tàu cá nhỏ thực sự là từ trên các tàu lớn thả xuống biển, chúng dễ dàng hạ tải ngoài lãnh hải quốc tế mà không bị phát hiện".
Về phía bà Okafor-Yarwood đã nhìn thấy sự chồng chéo giữa tội phạm đánh cá và buôn lậu ma túy của các tàu cá nhỏ tại những vùng biển Tây Phi. Bà Okafor-Yarwood phân tích: "Ở Vịnh Guinea, tôi thấy tận mắt những tàu kéo lưới vừa chở lậu ma túy lại vừa đánh cá lậu. Thay vì nhận tiền mặt, các tàu cá nhỏ được trả bằng ma túy, và họ thường bán lại ma túy ở các cộng đồng ngư nghiệp để kiếm lời, vô hình trung ngư dân lại trở thành nạn nhân trong tay đám đầu nậu ma túy".
Nghiên cứu của bà Belhabib cho thấy bọn buôn lậu ma túy đã dùng tàu cá nhỏ để chở lậu cocaine tại những điểm nóng toàn cầu như Vịnh Mexico và Vịnh Caribe; chở heroin ở Đông Phi; hay chở lậu cần sa ở Marốc và Tây Ban Nha; và khu vực biển Đông cho các loại ma túy đá.
Bà Belhabib cũng nhận thấy một số tàu cá sau khi chở lậu ma túy thì lúc quay về đã đánh cá lậu để kiếm thêm. Tại một số khu bảo tồn biển ở Mexico, hoạt động buôn lậu ma túy diễn ra công khai khiến giới chức sở tại hết sức lo lắng bởi sự hung hãn của các tổ chức giang hồ.
Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/ho-so-interpol/nan-dung-tau-ca-nho-buon-lau-ma-tuy-621284/