Nan giải bài toán 'thừa thầy, thiếu thợ'

BP - Từ nhiều năm nay, không chỉ các bậc phụ huynh mà ngành giáo dục Việt Nam cũng mang nặng căn bệnh thành tích nên hầu hết các trường THPT, THCS-THPT trên cả nước đều muốn thể hiện chất lượng đào tạo, giáo dục của mình bằng tỷ lệ tốt nghiệp THPT, tỷ lệ đậu đại học. Thậm chí một bộ phận không nhỏ trường THPT không quan tâm phân luồng, định hướng nghề nghiệp cho học sinh, mà phấn đấu có kết quả thi tốt nghiệp đạt cao nhất, tỷ lệ học sinh đậu đại học cao nhất.

Cũng vì tư tưởng đó mà học nghề chỉ là lựa chọn thứ yếu. Hoặc chỉ khi nào các em trượt đại học hay vì hoàn cảnh khó khăn, học lực trung bình mới vào các trường nghề, trung tâm dạy nghề. Minh chứng là hiện hầu hết các tỉnh, thành trên cả nước đều có trường đào tạo nghề, trong đó nhiều trường được đầu tư với quy mô rất lớn và hiện đại, tuy nhiên, phần lớn các trường, trung tâm này rất khó tuyển sinh, hoặc tuyển sinh không đủ chỉ tiêu nên chất lượng không bảo đảm.

Tại Bình Phước, hằng năm, tỉnh đều có gần chục ngàn học sinh tốt nghiệp THPT. Riêng kỳ thi THPT quốc gia năm 2019, toàn tỉnh có 9.106 thí sinh được xét đậu tốt nghiệp. Trong khi để đáp ứng nhu cầu về lao động chất lượng cao, lao động có tay nghề cho các khu công nghiệp, những năm qua, tỉnh đã đầu tư, nâng cấp và mở rộng các ngành nghề đào tạo cho Trường cao đẳng nghề Bình Phước, nhưng con số học sinh đăng ký thi tuyển vào trường rất khiêm tốn. Cao điểm nhất là năm học 2018-2019, trường chỉ tuyển được 240 học sinh theo học hệ cao đẳng và trung cấp.

Từ hệ lụy nêu trên dẫn đến tình trạng số người trình độ từ đại học trở lên không xin được việc làm, hoặc không muốn làm những việc không “xứng tầm” với tấm bằng của mình đang ở mức kỷ lục. Theo báo cáo của Bộ GD-ĐT tại hội nghị trực tuyến tổng kết năm học 2018-2019 và triển khai nhiệm vụ năm học 2019-2020, năm 2018, tỷ lệ thất nghiệp ở nhóm trình độ đại học trở lên ở mức báo động, với hơn 135,8 ngàn người. Chính vì “thừa thầy, thiếu thợ” mà ngay ở Bình Phước cũng có không ít trường hợp có bằng cử nhân loại giỏi nhưng không xin được việc làm. Và không ít trường hợp xin làm công nhân ở các khu công nghiệp nhưng không dám khai mình đã tốt nghiệp đại học.

Kinh tế Việt Nam đã bước vào giai đoạn phát triển mới và nước ta ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới. Để đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh, các doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang rất “khát” lao động có tay nghề cao. Do đó, ở không ít trường nghề có danh tiếng, nhiều ngành khi các em đang còn học trong trường đã có doanh nghiệp đến “đặt hàng”. Trong khi học nghề ra trường cũng dễ xin việc và không phải tốn quá nhiều kinh phí đầu tư như học đại học và sau đại học. Nhiều lao động lành nghề còn có mức lương cao hơn nhiều so với cử nhân, thạc sĩ do hưởng lương theo năng lực, tay nghề.

Từ những nghịch lý đã nêu cho thấy, việc định hướng nghề nghiệp cho con em và học sinh là rất quan trọng. Vì vậy, bên cạnh sự chung tay của các cấp và ngành chức năng trong việc thay đổi quan niệm “phải làm thầy”, thì việc đào tạo lực lượng lao động có trình độ tay nghề đáp ứng nhu cầu thị trường, có việc làm ổn định, thu nhập cao, đời sống đảm bảo... cũng sẽ giảm áp lực thi vào các trường đại học.

Lâm Phương

Nguồn Bình Phước: http://baobinhphuoc.com.vn/content/nan-giai-bai-toan-thua-thay-thieu-tho-14389