Nan giải thu hồi tiền ngân sách hỗ trợ sai đối tượng

Nhiều địa phương đang gặp phải tình trạng chi trả tiền chế độ chính sách nhưng sai đối tượng, trong khi đó, việc thu hồi số tiền trên gặp nhiều khó khăn.

Chi tiền hỗ trợ sai đối tượng

Những năm gần đây, cơ quan chức năng trên cả nước đã phát hiện nhiều sự việc chi tiền ngân sách cho các trường hợp không đúng đối tượng. Ngoài xử lý kỷ luật, thậm chí cơ quan Công an đã vào cuộc để điều tra thì dư luận lại lo ngại phát sinh trong việc thu hồi số tiền đã chi sai.

Tại tỉnh Thanh Hóa, dư luận cũng đang bàn tán xôn xao về việc UBND tỉnh Thanh Hóa liên tục phải đốc thúc các đơn vị có liên quan thu hồi một số tiền ngân sách rất lớn đã chi sai đối tượng.

Đơn cử như vụ việc xảy ra tại huyện Lang Chánh, UBND tỉnh Thanh Hóa đã phải yêu cầu UBND huyện Lang Chánh thu hồi toàn bộ số tiền hơn 5,4 tỷ đồng cấp sai quy định và nộp về ngân sách.

Huyện Lang Chánh gặp khó khi thu hồi toàn bộ số tiền hơn 5,4 tỷ đồng cấp sai quy định. Ảnh minh họa.

Huyện Lang Chánh gặp khó khi thu hồi toàn bộ số tiền hơn 5,4 tỷ đồng cấp sai quy định. Ảnh minh họa.

Cụ thể, tại huyện này đã có 194/747 hộ không thuộc diện hưởng chính sách hỗ trợ xây mới và sửa chữa nhà ở theo Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 nhưng vẫn nhận được hỗ trợ, do cấp trùng với các chính sách khác, với tổng số tiền hơn 5,4 tỷ đồng.

Ngoài thu hồi số tiền đã cấp sai, huyện Lang Chánh cũng đã ra quyết định kỷ luật 10 cá nhân với hình thức khiển trách; 22 cá nhân khác cũng bị kiểm điểm, rút kinh nghiệm do liên quan sự việc trên. Tính đến thời điểm hiện tại, huyện Lang Chánh mới thu hồi được hơn 1 tỷ đồng, số tiền còn lại đang tiếp tục được vận động để thu hồi.

Liên quan đến vấn đề chi sai đối tượng xảy ra trên địa bàn, ngày 18/2/2025, ông Đầu Thanh Tùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa lại tiếp tục có văn bản gửi Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, UBND các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh về việc tăng cường triển khai việc thu hồi số tiền hưởng sai chế độ ưu đãi đối với người có công với cách mạng, do chi sai chế độ chính sách người có công với cách mạng hơn 258 tỷ đồng.

Theo số liệu báo cáo, tổng số đối tượng hưởng sai chế độ trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng là 2.116 đối tượng với tổng số tiền phải thu hồi là hơn 258 tỷ đồng. Trong khi đó, tổng số tiền đã thu hồi nộp ngân sách Nhà nước mới hơn 1,1 tỷ đồng, số tiền còn phải thu hồi là 257 tỷ đồng.

Nhiều khó khăn khi thu hồi tiền ngân sách hỗ trợ sai đối tượng. Ảnh minh họa

Nhiều khó khăn khi thu hồi tiền ngân sách hỗ trợ sai đối tượng. Ảnh minh họa

Hay như tại tỉnh Gia Lai, ngày 21/1/2025, thanh tra tỉnh này đã công bố kết luận thanh tra tại UBND thị xã An Khê giai đoạn 2022 – 2023 và đã có đến 930 giáo viên/21 trường học ở thị xã An Khê đã chi sai phụ cấp ưu đãi cho giáo viên với số tiền hơn 8,84 tỷ đồng. Hiện số tiền này đang được chỉ đạo để thu hồi.

Chúng ta không bàn nhiều về trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan đến vi phạm, vì họ đã phải nhận hình thức kỷ luật xứng đáng. Vấn đề đặt ra ở đây là số tiền trên được chi trả từ nguồn ngân sách; nếu các đối tượng được nhận có nền tảng kinh tế vững vàng thì dễ dàng thu hồi. Thế nhưng có rất nhiều trường hợp lại rơi vào các đối tượng là hộ nghèo, cận nghèo, gia đình có hoàn cảnh khó khăn, dẫn đến việc thu hồi gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí không thể thu hồi.

Mặc dù các cơ quan quản lý Nhà nước các cấp đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, đôn đốc; cán bộ địa phương cũng đã đến từng hộ gia đình để tuyên truyền, vận động đối tượng nộp lại số tiền hưởng sai. Tuy nhiên, kết quả thu hồi số tiền hưởng sai đạt tỷ lệ rất thấp so với số tiền phải thu hồi.

Khó khăn trong thu hồi tiền chi sai

Chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương, một lãnh đạo UBND huyện Lang Chánh (Thanh Hóa) cho biết, sự việc chi tiền sai đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở trên địa bàn huyện là một sự việc đáng tiếc...

“Đây đều là các hộ nghèo, thậm chí rất nghèo và đều nằm trong diện được hỗ trợ về nhà ở, thế nhưng do hỗ trợ sai thời điểm. Đồng thời, khi được cấp ủy, chính quyền địa phương giải thích bà con cũng nhận ra vấn đề, thế nhưng cái khó là các hộ này chưa có nguồn để trả về ngân sách”, vị lãnh đạo chia sẻ.

Chị Thu Hà, một người dân sinh sống trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đưa ra nhận định cá nhân, trong việc truy thu các khoản tiền chế độ chi sai thì các đối tượng lại là hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn, dân tộc thiểu số,… nên việc này là hết sức gian nan.

“Những hộ nghèo, gia đình khó khăn hay dân tộc miền núi khi được nhận tiền hỗ trợ từ Nhà nước sẽ rất vui mừng, họ cũng không có đủ nhận thức hay quan tâm việc được nhận tiền là đúng hay sai và ngay lập tức sử dụng số tiền đó vào duy trì cuộc sống hàng ngày. Khi được thông báo bị truy thu, mặc dù muốn trả lại nhưng gần như không có khả năng, vì họ đang phải lo bữa cơm hàng ngày”, chị Hà chia sẻ.

Để giải quyết vấn đề này, huyện Lang Chánh hay các địa phương khác cần tiếp tục tuyên truyền người dân để thu hồi số tiền đã chi sai. Đồng thời cần tạo nhiều chính sách để hỗ trợ người dân phát triển kinh tế. Đây không phải chỉ để giải quyết vấn đề thu hồi tiền mà còn để bà con thoát nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Bên cạnh đó, chính quyền huyện Lang Chánh cũng cần mạnh dạn đưa ra các giải pháp khác như vận động các mạnh thường quân, doanh nghiệp trong và ngoài địa bàn huyện để chung tay hỗ trợ người dân. Bởi lẽ Lang Chánh là một huyện miền núi còn khó khăn của tỉnh Thanh Hóa, sự giúp sức từ nguồn xã hội hóa sẽ mang lại hiệu quả tích cực.

Còn việc chi sai đối tượng xảy ra tại Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Thanh Hóa còn ở thế khó hơn huyện Lang Chánh. Các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn, người già neo đơn, mất khả năng lao động,… lại đều là những trường hợp nhận số tiền chi sai. Thậm chí nhiều đối tượng đã mất, dẫn đến việc truy thu không thể thực hiện.

Nhiều đối tượng đã mất nên Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Thanh Hóa không thể truy thu số tiền đã cấp sai quy định. Ảnh minh họa.

Nhiều đối tượng đã mất nên Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Thanh Hóa không thể truy thu số tiền đã cấp sai quy định. Ảnh minh họa.

Đại diện Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Thanh Hóa chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương: “Tỉnh cũng như sở đều liên tục ra văn bản, đôn đốc các đơn vị có liên quan truy thu số tiền trên. Mặc dù các đối tượng được hưởng sai quy định đã nắm được, cũng mong muốn trả lại nhưng do điều kiện, hoàn cảnh khó khăn nên họ chưa thể hoàn trả. Thậm chí, có người đã mất không thể truy thu được”.

Vị này chia sẻ thêm, đơn vị đã có văn bản giải trình, báo cáo cũng như đề xuất phương án với UBND tỉnh Thanh Hóa, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về những khó khăn, vướng mắc trong việc truy thu số tiền chi sai. Trong khi chờ chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể từ cấp trên, đơn vị vẫn sẽ tiếp tục triển khai các phương án để truy thu.

Những trường hợp kể trên chỉ là một trong vài địa phương, đơn vị vướng phải việc này. Các cán bộ có liên quan đến vi phạm cũng đã nhận hình thức kỷ luật xứng đáng, nhưng số tiền đã chi sai khó có khả năng hoàn trả đầy đủ về ngân sách Nhà nước.

Ngoài việc tuyên truyền, vận động các đối tượng trả lại số tiền hỗ trợ đã nhận trái quy định, các cơ quan chức năng có thể yêu cầu hoàn trả theo các quyết định hành chính. Thậm chí, nếu có dấu hiệu trục lợi chính sách, có thể áp dụng các biện pháp xử lý vi phạm, thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự nếu cảm thấy thực sự cần thiết.

Đồng thời, cần đưa ra nhiều chính sách, giải pháp thiết thực để nâng cao đời sống cho người dân, giúp người dân phát triển kinh tế, nâng cao nhận thức; từ đó có thêm nguồn lực để hoàn trả tiền cho Nhà nước.

Mặt khác, cần phải tăng cường kiểm tra, đối chiếu dữ liệu trước phê duyệt, chi trả các khoản hỗ trợ từ nguồn ngân sách. Thực hiện hậu kiểm định kỳ để kịp thời phát hiện và giải quyết nhanh gọn các sai phạm mới phát sinh.

Đối với các cán bộ liên quan đến lĩnh vực này, cần phải thường xuyên được đào tạo, tập huấn để nâng cao trình độ chuyên môn cũng như phẩm chất, đạo đức. Nếu để xảy ra vi phạm cũng cần có chế tài đủ mạnh để răn đe.

Việc truy thu số tiền ngân sách chi sai đối tượng tại Thanh Hóa và một số địa phương khác đang gặp nhiều khó khăn, đặc biệt khi các đối tượng thụ hưởng phần lớn là hộ nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, mất sức lao động,... hoặc thậm chí có người đã mất.

Quốc Huy

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/nan-giai-thu-hoi-tien-ngan-sach-ho-tro-sai-doi-tuong-375398.html