Nạn nhân bom mìn, vật nổ cần được tiếp sức để vươn lên
Từ Quảng Trị, anh Hồ Văn Lai (sinh năm 1990), một nạn nhân bom mìn ở Quảng Trị đã vinh dự được chọn sang Campuchia để tham dự Hội nghị quốc tế lần thứ III về hỗ trợ nạn nhân bom mìn, vật nổ. Phóng viên Báo Quảng Trị vừa có cuộc trò chuyện sau khi anh Lai trở về từ hội nghị quốc tế quan trọng này.
- Hội nghị quốc tế lần thứ III về hỗ trợ nạn nhân bom mìn, vật nổ do phái đoàn của Liên minh Châu Âu và Cơ quan Hỗ trợ thực hiện Hiệp định chống sử dụng, sản xuất, tàng trữ và vận chuyển mìn sát thương tổ chức tại Campuchia. Hội nghị nhằm tìm kiếm sự hỗ trợ và thúc đẩy cam kết từ các chính phủ trong việc thực hiện những nghĩa vụ liên quan đến hiệp định, bao gồm cả việc hỗ trợ nạn nhân bom mìn, vật nổ.
Hội nghị quốc tế lần thứ III về hỗ trợ nạn nhân bom mìn, vật nổ cũng chính là diễn đàn để các nạn nhân bom mìn, vật nổ, cộng đồng bị ảnh hưởng và các nhà hoạt động về quyền của người khuyết tật trao đổi, thảo luận về những vấn đề liên quan. Đặc biệt, những thách thức trong việc thực hiện, hỗ trợ nạn nhân bom mìn, vật nổ được đưa ra, làm rõ một cách cụ thể, đầy đủ tại hội nghị. Kết quả từ hội nghị này sẽ chuyển thành lời kêu gọi hành động và được đưa vào chương trình hành động của các nước thành viên Hiệp định chống sử dụng, sản xuất, tàng trữ và vận chuyển mìn sát thương.
Tôi rất vinh dự khi được đại diện Dự án RENEW tại Việt Nam tham dự Hội nghị quốc tế lần thứ III về hỗ trợ nạn nhân bom mìn, vật nổ. Đồng hành với tôi trong chuyến sang Campuchia tham dự hội nghị lần này là bà Hoàng Thị Hoa, Quản lý Chương trình NPA tại tỉnh Kon Tum. Tôi rất cảm ơn Tổ chức Friends of Project RENEW đã hỗ trợ kinh phí cho chuyến sang Campuchia tham dự hội nghị lần này.
- Dự hội nghị, anh và các đại biểu khác đã tham gia các hoạt động ý nghĩa gì?
- Đến với hội nghị quốc tế này, chúng tôi được tham gia rất nhiều hoạt động ý nghĩa. Trước tiên, tôi có dịp gặp gỡ các đại biểu hội nghị là nạn nhân bom mìn, vật nổ sinh sống, làm việc ở Campuchia và các nước khác. Chúng tôi có cơ hội cất lên tiếng nói, sự trăn trở của mình và đề xuất những giải pháp để hỗ trợ nạn nhân bom mìn, vật nổ. Trong thời gian tham gia hội nghị, chúng tôi được đến thăm gian trưng bày triển lãm của Trung tâm Hành động bom mìn khu vực Đông Nam Á. Cùng với đó, đoàn có dịp thăm Dự án Trung tâm Phục hồi chức năng của tổ chức phi chính phủ EXCEED WORLDWIDE. Đây là nơi đào tạo sinh viên Campuchia và các nước khác trong hoạt động điều trị, cung cấp chân tay giả, dụng cụ chỉnh hình. Một hoạt động ý nghĩa khác tại hội nghị là các đại biểu được ký tên lưu niệm như một cách gửi lời cảm ơn ban tổ chức và nước chủ nhà, cùng cam kết hành động vì nạn nhân bom mìn, vật nổ. Ngoài ra, nhiều chương trình, sự kiện trong và bên lề hội nghị cũng có sức hút đối với tôi. Đó là những trải nghiệm mà chắc chắn tôi không bao giờ quên.
- Được biết, để hôm nay tự tin đến với hội nghị quốc tế này, anh đã trải qua một hành trình dài với nhiều khó khăn, thử thách. Anh có thể chia sẻ đôi điều về hành trình của mình?
-Tôi sinh ra, lớn lên ở Khu phố 2, thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh. Khi lên 10, trong lúc đang chơi đùa cùng 3 người em, tôi vô tình phát hiện một quả bom bi. Vì không biết đó là một vật nổ nguy hiểm, với tính hiếu động và tò mò của trẻ em, tôi đã nhặt một cục đá và gõ vào nó. Một tiếng nổ khô khốc vang lên khiến tôi bị thương nặng. 4 tháng trời điều trị ở viện, tôi phải trải qua rất nhiều cuộc phẫu thuật. Có lúc vì quá đau đớn, tôi ước mình được chết đi. Rời viện với thương tật trên 86%, tôi tiếp tục đối diện với chuỗi ngày nặng trĩu. Tôi không thể tự lo liệu những công việc dù là nhỏ bé, đơn giản nhất. Ở cái tuổi ăn chưa no, lo chưa tới, vậy mà tôi hiếm khi có giấc ngủ ngon. Mỗi lần đặt lưng xuống chiếc giường nhỏ, tôi lại giật mình tỉnh giấc vì nghe những tiếng nổ không biết từ đâu dội lại.
Trong những tháng ngày tối tăm nhất, tôi nghĩ nhiều về tương lai của mình. Tôi nhận ra, chỉ đi học, cuộc đời mình mới khác. Thế là, tôi gạt qua tất cả để đi học tiền hòa nhập, rồi vào Đông Hà trọ học. Tôi bước chân đến giảng đường Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng trước sự ngạc nhiên của nhiều người. Từ đây, cuộc sống của tôi có thêm những tia sáng hy vọng. Hiện nay, tôi đang làm việc tại Trung tâm Trưng bày Hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn của Dự án RENEW, một chương trình do Đại sứ quán Ireland tại Việt Nam tài trợ từ năm 2015 cho đến nay. Từ một cậu bé bị bom mìn cướp đi sự lành lặn, ám ảnh bởi những tiếng nổ, tôi trở thành tuyên truyền viên phòng tránh tai nạn bom mìn, vật nổ. Đây là công việc hết sức ý nghĩa mà càng làm, tôi càng yêu thích.
- Trong quãng thời gian đi từ bóng tối của nỗi đau, sự mặc cảm ra ánh sáng, anh đã nhận được sự hỗ trợ như thế nào?
- Thực sự, nếu không có sự quan tâm của các cấp chính quyền, ngành, đơn vị, dự án và tổ chức, cá nhân hảo tâm, có lẽ tôi không thể có được ngày hôm nay. Đặc biệt, các tổ chức, dự án phi chính phủ ở Quảng Trị đã hỗ trợ tôi rất nhiều. Sau vụ tai nạn bom mìn, tôi được Tổ chức Cây xanh hòa bình Việt Nam hỗ trợ viện phí, rồi tiếp đó là học phí, sách vở, xe lăn, xe lắc... Tổ chức CPI giúp tôi có tay, chân giả. Đặc biệt, Dự án RENEW đã tạo việc làm, giúp tôi có cơ hội hòa nhập cộng đồng, sống có ích cho xã hội. Dù là một người khuyết tật nhưng tôi có thể tự tin khẳng định rằng, mình đủ khả năng sống độc lập.
Với công việc mà Dự án RENEW mang lại, mỗi tháng, tôi đều đặn được nhận lương để trang trải những chi phí của cuộc sống. Đặc biệt, trong quá trình làm việc, tôi có điều kiện tuyên truyền phòng tránh tai nạn bom mìn, vật nổ cho mọi người, nhất là các em học sinh. Từ đây, tôi góp phần giúp các em có những kỹ năng, hành vi đúng đắn khi nhìn thấy bom mìn, vật nổ để không còn vụ tai nạn nào xảy ra, không còn những nỗi đau do bom mìn, vật nổ...
- Từng gặp gỡ, giao lưu với nhiều người, trong đó có những người đồng cảnh, anh nhận thấy nạn nhân bom mìn, vật nổ đã và đang gặp phải những khó khăn, thử thách gì trong cuộc sống?
- Từ câu chuyện đời mình, tôi hiểu một cách sâu sắc những khó khăn, thử thách của người khuyết tật nói chung, nạn nhân bom mìn, vật nổ nói riêng. Sau tai nạn bom mìn, hầu hết nạn nhân đều bị mất hoặc suy giảm các chức năng, không chỉ về vận động, nghe nhìn... mà cả trí nhớ, tâm lý. Họ gặp nhiều khó khăn trong hòa nhập cộng đồng; tiếp cận các dịch vụ; tìm kiếm việc làm... Đặc biệt, sự mặc cảm, tự ti đã và đang “nhấn chìm” nhiều người khuyết tật. Họ thậm chí không đủ tự tin để tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí ở địa phương, đó là chưa nói đến việc tìm kiếm hạnh phúc. Trò chuyện với đại biểu là nạn nhân bom mìn, vật nổ đến từ các nước tham gia hội nghị quốc tế vừa rồi, tôi nhận thấy, họ cũng như phần lớn những người đồng cảnh xung quanh đã và đang gặp phải những khó khăn, thách thức như thế. Nếu không có sự tiếp sức, có lẽ không nhiều người khuyết tật có thể tự tin, tự lập để vươn lên.
- Trở về từ Hội nghị quốc tế lần thứ III về hỗ trợ nạn nhân bom mìn, vật nổ, qua những trải nghiệm bản thân, anh có thông điệp gì gửi gắm đến cộng đồng, đặc biệt là các nạn nhân bom mìn, vật nổ?
- Hiện nay, người khuyết tật nói chung, nạn nhân bom mìn, vật nổ nói riêng ở Việt Nam cũng như nhiều nước trên thế giới đã nhận được sự quan tâm, hỗ trợ rất tích cực. Tuy nhiên, những khó khăn, thử thách mà họ gặp phải vẫn còn nhiều. Vì vậy, tôi mong muốn các cấp, ngành, đơn vị liên quan tạo ra một môi trường không có rào cản để người khuyết tật nói chung, nạn nhân bom mìn, vật nổ nói riêng tham gia các hoạt động xã hội bình đẳng như bao người bình thường khác. Tôi hy vọng các tổ chức, dự án phi chính phủ sẽ có nhiều hơn nữa những mô hình, giải pháp hay để hỗ trợ những người yếu thế, đặc biệt là nạn nhân bom mìn, vật nổ. Về phần mình, người khuyết tật nói chung, nạn nhân bom mìn, vật nổ nói riêng cần tin vào bản thân, không ngừng nỗ lực vươn lên để có tương lai tươi sáng hơn. Những điều tốt đẹp luôn chờ chúng ta ở phía trước.
- Xin cảm ơn anh!
Tây Long(thực hiện)