Nạn nhân kể gì về giây phút sinh tử rơi xuống sông Hồng trong vụ sập cầu Phong Châu?

Ba nạn nhân vụ sập cầu Phong Châu đang được cấp cứu, điều trị. Trong số này có một trường hợp chấn thương nặng là người đàn ông 40 tuổi đi xe máy bị rơi xuống sông Hồng

Lãnh đạo Trung tâm Y tế huyện Tam Nông (Phú Thọ) cho biết tại đây vừa tiếp nhận 3 nạn nhân đầu tiên trong vụ sập cầu Phong Châu (Phú Thọ).

Nạn nhân may mắn thoát chết trong vụ sập cầu Phong Châu. Ảnh: Bệnh viện Việt Đức

Nạn nhân may mắn thoát chết trong vụ sập cầu Phong Châu. Ảnh: Bệnh viện Việt Đức

Trong số này có một trường hợp chấn thương nặng là nam bệnh nhân 40 tuổi đi xe máy trên cầu, ngã rơi xuống nước do cầu sập, trôi xuôi dòng về Hưng Hóa dạt vào bờ được người dân vớt lên.

Bệnh nhân vào viện trong tình trạng hoảng loạn, đau đầu, vết thương rộng cẳng chân trái 14-16 cm, dị vật cát bẩn, dập nát, xẹp phổi nhỏ ở thùy dưới phổi phải.

Ngoài ra, 2 bệnh nhân khác đến viện trong tình trạng xây xước nhẹ cũng đang tiếp tục được theo dõi và động viên tinh thần tại Trung tâm Y tế huyện Tam Nông.

Nhớ lại giây phút gặp nạn, ông P.T.S., một trong số các nạn nhân, cho hay khi đang di chuyển trên cầu Phong Châu, ông thấy rung lắc rất mạnh ở phía sau. Rất nhanh sau đó cả xe và người của ông rơi xuống sông.

"Cảm giác chân tôi chạm đáy sông, nước chảy mạnh và tôi cố ngoi lên. Tôi không nghĩ mình sống sót nhưng vẫn cố dùng hết sức cố bơi vào bờ. Được một đoạn thì may mắn với được cây chuối và được người dân hỗ trợ đưa vào bờ"- ông S. nói.

Trưa ngày 9-9, các bác sĩ Bệnh viện Việt Đức đã hội chẩn cấp cứu trực tuyến 3 bệnh nhân gặp nạn trong vụ sập cầu Phong Châu (Phú Thọ).

Bệnh viện Việt Đức hội chẩn trực tuyến cấp cứu, điều trị người gặp nạn trong vụ sập cầu

Bệnh viện Việt Đức hội chẩn trực tuyến cấp cứu, điều trị người gặp nạn trong vụ sập cầu

Với trường hợp bệnh nhân nặng, các bác sĩ Bệnh viện Việt Đức đã hội chẩn liên chuyên khoa, hướng dẫn đội ngũ bác sĩ tuyến dưới xử trí các tổn thương cho người bệnh, tiếp tục theo dõi và có các phương án điều trị về thần kinh, tim mạch lồng ngực, chấn thương, tiêu hóa,…

Lãnh đạo Bệnh viện Việt Đức cho biết sẽ đảm bảo đường truyền telemedicine được kết nối thông suốt giữa Bệnh viện Việt Đức với các điểm cầu tại Phú Thọ: Trung tâm Y tế huyện Tam Nông, Trung tâm Y tế Lâm Thao, Bệnh viện Đa khoa Tỉnh Phú Thọ,… để kịp thời hội chẩn tư vấn, hỗ trợ xử trí qua hệ thống khám chữa bệnh từ xa.

Trước đó, như Báo Người Lao Động đã thông tin, khoảng gần 10 giờ sáng 9-9, cầu Phong Châu (bắc qua sông Hồng, nối hai huyện Lâm Thao và Tam Nông, tỉnh Phú Thọ) đã bị sập. Theo thông tin ban đầu, có 8 phương tiện, trong đó có 1 xe tải, 1 xe con và 5 xe máy, 1 xe đạp điện cùng nhiều người gặp nạn thời điểm một đoạn cầu Phong Châu bị sập, lũ cuốn trôi. 5 người bị thương được đi cấp cứu tại cơ sở y tế. Hiện công tác cứu hộ, cứu nạn vẫn tiếp tục tiến hành tại hiện trường.

D.Thu

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/nan-nhan-ke-gi-ve-giay-phut-sinh-tu-roi-xuong-song-hong-trong-vu-sap-cau-phong-chau-196240909152413336.htm