Nạn nhân khó tiếp cận trị liệu phục hồi sau tai nạn giao thông

Chấn thương sau tai nạn giao thông (TNGT) cần được phục hồi chức năng càng sớm càng tốt, nhưng trên thực tế vì nhiều nguyên nhân, việc tiếp cận và chữa trị của người bệnh vẫn còn hạn chế.

Chưa đáp ứng nhu cầu

Theo Ủy ban ATGT quốc gia, năm 2023 toàn quốc xảy ra 22.067 vụ TNGT, làm chết 11.628 người, bị thương 15.292 người. So với cùng kỳ năm 2022 giảm 1.285 vụ, giảm 1.922 người chết nhưng tăng 660 người bị thương.

6 tháng đầu năm 2024, toàn quốc xảy ra 12.321 vụ tai nạn, làm chết 5.255 người, bị thương 9.599 người. So với cùng kỳ, tăng 1.842 vụ, giảm 702 người chết, tăng 2.707 người bị thương.

Như vậy, các vụ TNGT ở nước ta đang có chiều hướng giảm về số vụ nhưng tăng về số người bị thương.

Chia sẻ tại Tọa đàm phục hồi chức năng Liên Bang Nga - xu hướng phát triển mới và các thành tựu, được tổ chức mới đây, bác sĩ Vasilev Valery Leonidovich - Trung tâm Phục hồi chức năng Việt - Nga, Đa khoa Quốc tế Việt - Nga cho biết, tại Việt Nam, nhu cầu về phục hồi chức năng đang ngày càng gia tăng do số vụ TNGT, tai nạn lao động và số ca bị thương nặng tăng từ 1,2 - 2,4 lần so với những năm trước đó.

Phục hồi chức năng sau TNGT giúp người bệnh sớm trở lại cuộc sống bình thường. Nguồn: Internet

Phục hồi chức năng sau TNGT giúp người bệnh sớm trở lại cuộc sống bình thường. Nguồn: Internet

Nước ta hiện có 1 bệnh viện phục hồi chức năng Trung ương, 38 bệnh viện phục hồi chức năng địa phương và khoảng 550 khoa phục hồi chức năng tại các cấp cơ sở khám chữa bệnh từ ban đầu đến chuyên sâu, 25 bệnh viện/trung tâm thuộc y tế các Bộ, ngành.

TS Vương Ánh Dương - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh cho biết, dù có nhiều tiến bộ trong những năm qua nhưng công tác phục hồi chức năng ở nước ta còn khá nhiều thách thức. Mạng lưới cơ sở phục hồi chức năng phát triển chưa đồng bộ cả ở trong và ngoài ngành y tế, cả y tế cơ sở và tuyến tỉnh của nhiều địa phương.

Nhân lực chuyên khoa phục hồi chức năng vừa yếu vừa thiếu ở các tuyến, đặc biệt tuyến y tế cơ sở và khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Hiện có khoảng 0,25 nhân lực phục hồi chức năng/10.000 dân, thấp hơn so với định mức theo khuyến cáo của WHO (0,5 – 1/10.000 dân).

PGS.TS Phạm Việt Cường - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chính sách và Phòng chống chấn thương, Trường Đại học Y tế Công cộng cho biết: “Nghiên cứu chúng tôi đã làm trước đây tại Thái Bình và Ninh Bình cho thấy có những nạn nhân 1 năm sau tai nạn vẫn chưa hồi phục chức năng hoàn toàn do việc điều trị tại nhà và cộng đồng chưa đáp ứng nhu cầu nên chưa đạt hiệu quả”.

Theo TS Khương Kim Tạo - nguyên Phó Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT quốc gia, thương tích giao thông đường bộ là gánh nặng quá lớn ở các nước có thu nhập trung bình thấp, trong đó có Việt Nam. Bên cạnh việc tuyên truyền cho người dân về việc đảm bảo ATGT để phòng tránh tai nạn thì việc phục hồi chức năng cho các nạn nhân nếu không may xảy ra TNGT là việc làm rất cần thiết và cần được quan tâm đúng mức.

Còn nhiều rào cản

Theo khuyến cáo của các chuyên gia y tế, quá trình tập phục hồi chức năng đối với nạn nhân sau TNGT có thể bắt đầu từ rất sớm, thông thường ngày thứ 2 sau chấn thương, sau phẫu thuật tùy vào tình trạng cụ thể của người bệnh.

Với những chấn thương nặng liên quan đến xương khớp phải bó bột, kết hợp xương bằng nẹp, đinh trong một thời gian dài, người bệnh có thể xuất hiện tình trạng teo cơ, cứng khớp, vận động sinh hoạt khó khăn. Để càng lâu thời gian điều trị càng kéo dài và hiệu quả càng thấp đi.

Theo PGS. TS Phạm Việt Cường trên thực tế đang có nhiều rào cản để nạn nhân được phục hồi chức năng. Những khó khăn này cần được quan tâm và tháo gỡ sớm.

Thứ nhất là cơ hội tiếp cận với các cơ sở phục hồi chức năng. Việc thiếu nguồn nhân lực y tế và các cơ sở cộng đồng dẫn đến nhiều trường hợp bệnh nhân trở về địa phương không có người hoặc các cơ sở y tế ở đó không có đủ khả năng để tiến hành phục hồi chức năng theo đúng chỉ dẫn của bệnh viện.

Thứ hai do rào cản về tài chính trong chi trả của các nạn nhân và gia đình. Đặc biệt là các bệnh nhân nghèo khi họ đã chi trả rất nhiều chi phí cho dịch vụ chữa trị ngay sau tai nạn và các vấn đề đền bù, sữa chữa phương tiện, cơ sở vật chất. Hơn nữa, việc điều trị phục hồi chức năng với thời gian kéo dài là khó khăn cho nạn nhân và gia đình nên thường chưa được quan tâm đúng mức.

Thứ ba là sự hiểu biết của người dân về việc cần thiết phải phục hồi chức năng sau TNGT và thói quen chăm sóc của người hỗ trợ nạn nhân đặc biệt là các nạn nhân chấn thương nặng.

Thứ tư là do ý chí của nạn nhân bởi việc phục hồi ở các cơ sở y tế chỉ được phần nào, đa số phụ thuộc vào nạn nhân và gia đình đồng hành lâu dài.

Theo PGS.TS Phạm Việt Cường, về chiến lược lâu dài ngành y tế sẽ phát triển đào tạo nhân viên chuyên ngành và cơ sở phục hồi chức năng cộng đồng. Tuy nhiên trong lúc chờ hệ thống triển khai hoàn chỉnh, việc có thể làm ngay là tuyên truyền về ATGT, giáo dục tư tưởng cho người nhà và nạn nhân khi bị tai nạn thì phải tham gia ngay vào chương trình phục hồi chức năng và có ý chí thực hiện phục hồi.

Đồng thời, xây dựng, cung cấp tài liệu trực tuyến để gia đình và tự người bệnh phục hồi chức năng càng sớm càng tốt.

“Trong điều kiện nước ta còn khó khăn, nên đầu tư vào trang thiết bị và các dự án cộng đồng để hỗ trợ người bị TNGT. Nếu được phục hồi tốt, các nạn nhân TNGT có thể khỏe mạnh, quay trở lại cuộc sống bình thường và làm ra kinh tế góp phần giảm gánh nặng cho xã hội”. - TS Khương Kim Tạo góp ý thêm.

Huyền Sâm

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/nan-nhan-kho-tiep-can-tri-lieu-phuc-hoi-sau-tai-nan-giao-thong.html