Nạn nhân mua bán người được hỗ trợ về nghề nghiệp và được vay vốn

Để nạn nhân mua bán người thành công trong việc tái hòa nhập cộng đồng, đào tạo và giúp họ có một công việc ổn định là điều hết sức quan trọng trong công tác hỗ trợ nhóm đối tượng này. Ý thức được điều đó nên trong thời gian qua, những Trung tâm, đơn vị có chức năng tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân mua bán người đều hết sức để tâm đến chuyện tạo công việc cho từng người.

Miễn phí toàn bộ học phí cho con của nạn nhân

Về vấn đề này, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo trợ Xã hội 3 – Sở Thương binh Lao động Xã hội Hà Nội Bùi Tiến Thành cho biết, thường ở Trung tâm có tiếp nhận các em nhỏ, nạn nhân mua bán người. Trong cả quá trình khi các em còn nhỏ, đến lứa tuổi mẫu giáo, cấp 1, cấp 2 đến cấp 3 đều được Trung tâm hỗ trợ. Theo ông, Trung tâm sẽ gửi các cháu đến các trường phổ thông trong khu vực với diện đặc biệt, các em sẽ được miễn phí toàn bộ học phí. Sau khi tốt nghiệp cấp 3, hoặc các em sẽ tiếp tục học nghề ở các trường có liên kết với Trung tâm, hoặc nếu có khả năng sẽ thi vào các trường Đại học.

“Nạn nhân buôn bán người ở Trung tâm không có nhiều, nhưng sau khi được hỗ trợ, các em hầu hết đã hòa nhập hoàn toàn với cộng đồng, có cuộc sống bình thường và ổn định. Hàng năm các em vẫn về thăm cán bộ nhân viên Trung tâm chúng tôi. Nhìn các em hạnh phúc an yên, chúng tôi rất vui mừng. Đó là động lực thúc đẩy chúng tôi cố gắng nhiều hơn nữa” - ông Thành nói.

Khác với các em nhỏ bị bán từ khi không có nhận thức, ở Ngôi nhà Bình yên – Trung tâm Phụ nữ và Phát triển, nạn nhân mà Trung tâm tiếp nhận lại đa phần là các cô gái lứa tuổi từ 16 – 30 tuổi. Họ đều đã trưởng thành, nhận thức được nỗi đau mình buộc phải tiếp nhận khi ở bên kia biên giới, việc hướng nghiệp cũng có những thuận lợi bên cạnh những khó khăn riêng.

Theo chị Hà Minh Ngọc, nhân viên của Ngôi nhà Bình yên, Trung tâm cũng kết hợp với những trường dạy nghề, những trung tâm đào tạo… để tổ chức dạy nghề cho nạn nhân. Những nghề nghiệp đơn giản, phù hợp và có khả năng thích ứng, dễ xin việc cao như cắt tóc gội đầu, trang điểm cô dâu, cắt may… là những nghề mà phần nhiều các nạn nhân lựa chọn.

Tùy vào khả năng, sự khéo léo của từng người mà họ chọn nghề phù hợp. Nhiều những nạn nhân chúng tôi tiếp nhận sau khi hoàn thành khóa học trang điểm cô dâu đã tự phát huy được sự khéo léo và con mắt thẩm mỹ của mình nên cũng có nhiều khách đặt hàng. Khách biết đến nhiều đồng nghĩa với thu nhập cao. "Với nạn nhân mua bán người trong hành trình tái hòa nhập, những thành công bước đầu ấy là tiền đề vững chắc để cô ấy làm lại cuộc đời” - chị Ngọc cho hay.

Ảnh minh họa:Phụ nữ là nạn nhân bị mua bán được hỗ trợ để đào tạo nghề

Ảnh minh họa:Phụ nữ là nạn nhân bị mua bán được hỗ trợ để đào tạo nghề

Cung cấp vốn để mua trang thiết bị để làm việc

Cũng có nhiều nạn nhân chọn nghề cắt tóc gội đầu, chị Ngọc cho biết, với những nạn nhân này thời điểm trước do có chương trình phối kết hợp, nên Trung tâm còn có cung cấp vốn để mua trang thiết bị để làm việc. Đến giờ, nghề này cũng được nhiều nạn nhân lựa chọn do tính chất linh hoạt, dễ xin việc của nghề.

Ngoài ra còn nghề may mặc cũng là lựa chọn không tồi. Bởi nếu có thể, nạn nhân sau này có thể mở cửa hàng may vá ở nhà với số vốn không quá nhiều, hoặc họ có thể xin vào các công ty may mặc… Về câu chuyện chọn nghề, chị Ngọc cũng nói rõ: “Thường kế hoạch sẽ khuyến khích nạn nhân tự lên, còn nhân viên tham vấn sẽ tư vấn dựa trên kinh nghiệm của mình.”

Còn rất nhiều nghề để các nạn nhân có thể lựa chọn để có điều kiện tái hòa nhập cộng đồng và tiếp tục cuộc sống của mình sau những gian khổ họ đã gặp. Bên cạnh đó, Ngôi nhà Bình yên cũng có tiếp nhận nạn nhân nếu họ có nguyện vọng làm việc tại trung tâm.

Không chỉ hỗ trợ lúc nạn nhân đang lưu trú tại trung tâm, chị Ngọc cho biết, trung tâm sẽ tiếp tục phối hợp cùng các ban ngành đoàn thể địa phương để quan tâm, theo dõi cuộc sống để tiện bề hỗ trợ. Có nhiều nạn nhân sau khi tái hòa nhập cộng đồng hoặc quay trở lại với gia đình vẫn tiếp tục nhận hỗ trợ về mặt pháp lý của Trung tâm. “Ví dụ như một trường hợp ở Nghệ An, sau khi về nhà chúng tôi tiếp tục hỗ trợ nạn nhân về pháp lý để giải quyết chuyện ly hôn khi nạn nhân vướng vào bạo lực gia đình” - lời chị Ngọc.

Hỗ trợ y tế, dạy nghề và hỗ trợ về pháp lý… là những điều mà nạn nhân mua bán người nhận được khi về với các trung tâm bảo trợ xã hội.

Gia Huy

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/nan-nhan-mua-ban-nguoi-duoc-ho-tro-ve-nghe-nghiep-va-duoc-vay-von-212974.html