Nạn phá rừng tại Brazil tăng lên mức cao nhất trong 12 năm qua
Vấn nạn phá rừng tiếp tục là vấn đề nhức nhối tại Brazil khi trong năm qua, quốc gia Nam Mỹ này chứng kiến hoạt động tàn phá tài nguyên rừng tăng mạnh trở lại, lên mức cao nhất trong 12 năm qua.
Theo số liệu của Dự án theo dõi thảm thực vật Amazon bằng vệ tinh (PRODES) thuộc Viện Nghiên cứu Vũ trụ quốc gia Brazil (INPE) được công bố ngày 30/11, khoảng 11.088 km2 rừng của Brazil bị phá hủy trong vòng 12 tháng qua (tính đến tháng 8/2020). Con số này còn lớn hơn cả diện tích của Jamaica và tăng 9,5 % so với năm trước, khi nạn phá rừng cũng nghiêm trọng nhất trong hơn 1 thập kỷ.
Phát biểu tại họp báo khi công bố số liệu trên, Phó Tổng thống Brazil Hamilton Mourao đã bảo vệ cam kết của chính phủ trong cuộc chiến chống nạn phá rừng. Ông khẳng định chính quyền sẽ tiếp tục vận dụng khoa học và công nghệ để hỗ trợ các cơ quan bảo vệ môi trường.
Được ví như “lá phổi xanh” của Trái Đất và là "nguồn sống" cho công cuộc chống biến đổi khí hậu, rừng Amazon là rừng nhiệt đới lớn nhất thế giới với diện tích gần 7,6 triệu km2, trong đó tới 60% tổng diện tích rừng nằm trong lãnh thổ Brazil. Vấn nạn phá rừng gia tăng đã khiến Chính quyền của Tổng thống Jair Bolsonaro vấp phải sự chỉ trích từ các nhóm bảo vệ môi trường, bên cạnh việc chính phủ đang tiến hành phát triển khai khoáng và nông nghiệp tại các vùng đất vốn được bảo vệ, cũng như cắt giảm tài trợ cho các chương trình bảo vệ môi trường.
Tổ chức Giám sát khí hậu Brazil (Climate Observatory), một liên minh các nhóm bảo vệ môi trường, cho rằng thực trạng phá rừng tràn lan như hiện nay có thể khiến Brazil trở thành nước duy nhất trong số những nước phát thải nhiều khí gây hiệu ứng nhà kính nhất thế giới có lượng khí thải tăng trong năm đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 vốn làm tê liệt nền kinh tế toàn cầu.
Hồi đầu tháng 11, tổ chức này đã công bố báo cáo cho thấy trong năm ngoái, Brazil phát thải tổng cộng 2,17 tỷ tấn CO2 vào khí quyển, tăng 9,6% so với năm trước đó mà một phần nguyên nhân là do nạn chặt phá và đốt rừng. Điều này đang hủy hoại những nỗ lực của quốc gia Nam Mỹ trong việc thực hiện cam kết theo Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, thỏa thuận mà trong đó Brazil nhất trí đến năm 2035 sẽ cắt giảm 37% lượng khí phát thải so với năm 2005.