Nạn tận diệt chim trời khiến một số loài chim di cư không còn xuất hiện
Tình trạng săn bắt, tiêu thụ các loài chim di cư diễn ra nghiêm trọng tại nhiều địa phương, tiềm ẩn nguy cơ về dịch bệnh...
Theo thông tin từ Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), Việt Nam được xác định là một trong những khu vực quan trọng bậc nhất trong mạng lưới các tuyến đường bay chim di cư và các loài chim đặc hữu với 63 vùng chim quan trọng toàn cầu và 7 vùng chim đặc hữu.
Các vùng chim hoang dã, di cư như các Vườn quốc gia: Xuân Thủy (tỉnh Nam Định), Tràm Chim (tỉnh Đồng Tháp), Mũi Cà Mau (Cà Mau)…đã tạo nên các giá trị thiên nhiên quan trọng của Việt Nam góp phần bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học, đồng thời phát triển du lịch và xây dựng hình ảnh đất nước Việt Nam tươi đẹp.
Tại Việt Nam, hiện nay đã ghi nhận được 868 loài chim, trong đó 109 loài cần quan tâm bảo tồn, 11 loài cực kỳ nguy cấp (CR), 19 loài nguy cấp (EN), 28 loài sắp nguy cấp (VU) và 50 loài sắp bị đe dọa (NT). Riêng tại khu vực Đông Dương có 49 loài chim đặc hữu thì Việt Nam đã có 33 loài, trong đó có 10 loài đặc hữu chỉ có ở Việt Nam.
Truyền thống dân gian Việt Nam quan niệm "đất lành chim đậu" do vậy việc thay đổi trong tập tính sinh thái của các loài chim hoang dã, di cư cũng phản ánh những thay đổi tương ứng trong môi trường sống và hệ sinh thái mà chúng phụ thuộc.
Chim di cư cũng là nhân tố tích cực, hỗ trợ quá trình thụ hoa, phát tán hạt giống trên tuyến đường bay, thúc đẩy quá trình sinh trưởng, phát tán các loài thực vật, tiêu diệt các loài sâu bệnh, côn trùng gây hại, hỗ trợ mùa màng khắp nơi trên thế giới.
Trong thời gian qua, Đảng, Nhà nước và các ngành, các cấp đã có nhiều nỗ lực trong việc bảo vệ các loài chim hoang dã, di cư cũng như các vùng chim quan trọng, nhiều loài chim hoang dã, di cư cũng được đưa vào Danh mục để quản lý, bảo vệ theo quy định của pháp luật như loài Sếu đầu đỏ, Cò mỏ thìa, Rẽ mỏ thìa…Tuy nhiên, tình trạng săn bắt, tiêu thụ các loài chim hoang dã, đặc biệt là các loài chim di cư diễn ra nghiêm trọng tại nhiều địa phương, tiềm ẩn nguy cơ về dịch bệnh, ảnh hưởng tiêu cực đến đa dạng sinh học, môi trường.
Vấn đề này sẽ ảnh hưởng đến việc thực thi các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên và Hiệp định về Đối tác Đường bay chim nước di cư tuyến Úc - Đông Á (EAAFP). Hoạt động săn, bắt tận diệt, hủy hoại môi trường sống tự nhiên là nguyên nhân làm suy giảm số lượng, thành phần các loài chim hoang dã, di cư, một số loài chim di cư đã không còn xuất hiện trong các mùa chim di cư đến Việt Nam.
Cần có giải pháp cấp bách để bảo tồn các loài chim hoang dã, di cư
Để ngăn chặn, chấm dứt tình trạng săn, bắt tận diệt các loài chim hoang dã, di cư, ảnh hưởng tiêu cực đến cân bằng sinh thái, môi trường, an toàn sức khỏe con người và uy tín, hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế, hiện Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để bảo tồn các loài chim hoang dã, di cư tại Việt Nam.
Theo đó, tại dự thảo Chỉ thị đã giao trách nhiệm cụ thể cho các Bộ, ngành và địa phương trong công tác bảo tồn các loài chim hoang dã, di cư. Cụ thể, Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm rà soát, đề xuất hoàn thiện các quy định pháp luật về bảo tồn các loài chim hoang dã, di cư; ban hành danh mục và hướng dẫn quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững các vùng chim hoang dã, di cư quan trọng; Phối hợp với các quốc gia, tổ chức quốc tế liên quan tăng cường bảo vệ các loài chim hoang dã, di cư và đường bay xuyên biên giới bao gồm các vùng chim di cư quan trọng, điểm dừng chân của chúng tại Việt Nam; Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra thực hiện có hiệu quả Chỉ thị này.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo lực lượng kiểm lâm các cấp tăng cường tuần tra, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi săn, bắt, mua, bán, vận chuyển, kinh doanh, tàng trữ, tiêu thụ chim hoang dã, di cư trái pháp luật, tập trung vào mùa chim hoang dã, di cư hàng năm đến Việt Nam (từ tháng 9 năm trước đến tháng 4 năm sau); tăng cường phối hợp với các cơ quan liên quan quản lý các vùng chim hoang dã, di cư quan trọng của Việt Nam; Tăng cường theo dõi, giám sát bệnh dịch đối với việc sử dụng, tiêu thụ các loài chim hoang dã, di cư ảnh hưởng đến sức khỏe con người và các đàn gia súc, gia cầm của người dân.
Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường chỉ đạo thực hiện các quy định pháp luật có liên quan trên địa bàn, đặc biệt là Nghị định số 64/2019/NĐ-CP ngày 16 tháng 7 năm 2019 của Chính phủ về sửa đổi Điều 7, Nghị định số 160/2013/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ về tiêu chí xác định loài và chế độ quản lý loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ.
Tổ chức quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững các vùng chim hoang dã, di cư quan trọng trên địa bàn; Chỉ đạo các đơn vị thực thi pháp luật tăng cường công tác kiểm soát ngăn chặn nạn săn, bắt, bẫy, bắn, mua, bán, quảng cáo, vận chuyển, kinh doanh, tàng trữ, tiêu thụ, sử dụng các loài chim hoang dã, di cư và tổ chức triệt phá dứt điểm các khu chợ, tụ điểm buôn bán các loài chim hoang dã trái pháp luật trên địa bàn...