Nạn trộm nước sinh hoạt hoành hành giữa hạn hán khắc nghiệt ở California
Khi hạn hán khắc nghiệt bao trùm California, nguồn nước sinh hoạt ngày càng trở nên khan hiếm. Song nạn khai thác trái phép nguồn tài nguyên nước quý giá từ các vòi cứu hỏa, sông ngòi, thậm chí cả những hộ gia đình và trang trại nhỏ, đang làm trầm trọng thêm tình hình này.
Theo kênh CNN (Mỹ), các quan chức tiểu bang California và địa phương cho biết nạn trộm cắp nước sinh hoạt là một vấn đề đã tồn tại từ lâu, nhưng tình hình càng trở nên tồi tệ hơn trong bối cảnh hạn hán kéo dài. Các vụ trộm nước đã tăng lên mức kỷ lục khi các hồ chứa cạn kiệt, nhiều đối tượng khai thác nước trái phép, chủ yếu để phục vụ cho việc trồng cần sa.
Ông John Nores, cựu quan chức của Cơ quan bảo vệ Cá và Động vật hoang dã California cho biết: “Nạn trộm cắp nước sinh hoạt chưa bao giờ nghiêm trọng như hiện nay". Ông nói thêm rằng trong nhiều năm qua, cơ quan này đã phải đối phó với nhiều nhóm tội phạm ăn cắp nước sinh hoạt, thường là ở các vùng nông thôn khô hạn, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cộng đồng địa phương.
Từ năm 2013, ước tính 54,5 triệu m3 nước đã bị lấy trộm trên toàn bang. Điều này gây ảnh hưởng tới các hoạt động canh tác hợp pháp, tới nguồn nước sinh hoạt chung và những nhóm người Mỹ bản địa, ông Nores cho biết.
Theo giới chức địa phương, các nhóm trộm cắp thường đột nhập vào trạm nước rồi khoan thẳng vào đường ống. Họ còn trộm nước từ các vòi chữa cháy, hoặc dùng bạo lực để đe dọa người dân cướp xe chở nước vào ban đêm. Vấn nạn này trở nên nghiêm trọng đến mức một số địa phương phải lắp ổ khóa cho các trạm cứu hỏa.
Ông Jeremiah LaRue, Cảnh sát trưởng hạt Siskiyoum, bang California, cho biết: “Lượng nước bị lấy cắp để tưới cần sa ảnh hưởng lớn đến lượng nước dự trữ của chúng tôi”.
Hạt Siskiyoum, nằm ở phía bắc bang California, là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề bởi nạn trộm cắp nước sinh hoạt. Tại đây, phần lớn cư dân sử dụng nguồn nước từ giếng khoan.
Ông Yvonne West tại Ủy ban Kiểm soát Tài nguyên Nước của bang California cho biết ủy ban đã nhận được nhiều đơn khiếu nại về nạn trộm cắp nước trong thời gian gần đây. Theo ông West, đây là một “vấn đề cục bộ” trong các cộng đồng dân cư nhỏ lẻ.
Tại vùng thung lũng Antelope, phía nam bang California, khoảng 300 cư dân đã phải đối mặt với một sự cố hệ thống nước sinh hoạt vào năm ngoái. Trước đó, một nhóm đối tượng trộm cắp đã dùng xe tải để khai thác nước trái phép từ các trạm cứu hỏa.
Anish Saraiya, Phó giám sát viên hạt Los Angeles, cho biết khu vực này từng thiếu hụt nước trầm trọng, đến mức “cả hệ thống sụp đổ”. Hạt này đã ghi nhận 18 vụ vỡ đường ống nước, khiến giới chức phải chi trả 500.000 USD để khắc phục sự cố.
Bang California đang bước vào giai đoạn nắng nóng và khô hạn đỉnh điểm trong năm. Điều này khiến nhiều thành phố phải yêu cầu người dân hạn chế sử dụng nước sinh hoạt. Song các vụ trộm nước đang khiến tình hình càng trở nên trầm trọng.
Giám sát viên hạt Los Angeles, Kathryn Barger, cho biết: “Khi tiểu bang bước vào tình trạng khẩn cấp về hạn hán, chúng tôi cần đảm bảo mọi hoạt động không làm trầm trọng thêm tình hình khan hiếm nước”.
Giới chức cho biết họ đang nỗ lực để gỡ bỏ các trạm cứu hỏa, nhằm bảo vệ nguồn nước chính. Cùng lúc này, giới chức cũng sử dụng nhiều biện pháp cưỡng chế mạnh mẽ, với hy vọng ngăn chặn nạn trộ nước.
Cơ quan bảo vệ Cá và Động vật hoang dã California cùng Tổ chức Wildlife MET đã phối hợp thực hiện hơn 900 vụ bắt giữ những nhóm người trồng cần sa. Họ cũng loại bỏ khoảng 643 km đường ống khai thác nước trái phép từ các đập chứa nước dân sinh. Những đường ống này không chỉ trộm nước mà còn đe dọa đến môi trường sống của nhiều loài cá và sinh vật sống dưới nước.
Các cơ quan chức năng vẫn tiến hành truy quét nhiều nhóm trộm cắp nước sinh hoạt. Song tình trạng hạn hán dự kiến còn kéo dài, gây ảnh hưởng đến nhiều khu vực của bang California. Theo ông Nores, hiện tượng thời tiết cực đoan có thể tạo ra những tác động lâu dài như biến đổi khí hậu.
Ông Yvonne West từ Ủy ban Kiểm soát Tài nguyên Nước của bang California nói: “Tất cả người dân của bang California sẽ phải làm quen với tình trạng khan hiếm nước này”.