Nắng ấm đại ngàn: 'Soi đường'

Bao nhiêu người không biết cái chữ. Bao người tiền làm ra nướng hết vào 'ma túy'... Cán bộ 'soi đường' để góp phần thay đổi những phận người...

Lớp học xóa mù ở bản suối Phái (xã Tam Chung, Mường Lát). Ảnh: Vệt Anh

Lớp học xóa mù ở bản suối Phái (xã Tam Chung, Mường Lát). Ảnh: Vệt Anh

Vượt đồi, vượt mưa... thầy, trò lên lớp

Mưa mỗi lúc nặng hạt. Đại úy Đào Nguyên Túc, Đồn Biên phòng Tam Chung (xã Tam Chung, Mường Lát) chỉnh trang quân phục, mặc áo mưa, lên xe máy đi dạy học. Từ đồn đến nơi anh dạy cách nhau gần 3km, đó là lớp xóa mù và tái mù tại bản suối Phái của xã Tam Chung. Trong khi đó ở bản suối Phái, 35 học viên của lớp học cũng mặc áo mưa, đội đèn pin, có người còn địu cả con đến lớp. Trời mưa, đường xấu, ấy vậy, thầy và trò vẫn gặp nhau đúng 19h tại Trường TH Tam Chung (khu suối Phái).

Thầy giáo bước vào lớp. Lớp trưởng lớp xóa mù Va Thị Bâu (19 tuổi) đứng dậy hô: “Cả lớp nghiêm. 1. 2. 3”. Cả lớp đồng thanh: “Chúng em chào thầy ạ!”.

Ở lớp học này, người cao tuổi nhất đã 50, còn ít nhất là 17 tuổi. Lớp học chia làm 2 đối tượng và chia thành 2 phòng học: 1 phòng dành cho học viên tái mù, 1 phòng cho học viên xóa mù. Đại úy Đào Nguyên Túc đồng thời dạy cả hai đối tượng.

Có rất nhiều điều đặc biệt ở lớp học này. Phần lớn học viên đông con, cứ 4, 5 đứa như Thào Thị Mo (32 tuổi) đã 5 con. Hôm nào đi học, Thào Thị Mo cũng địu con út lên lớp, một bé gái 9 tháng tuổi. Đang học, chả thẹn thùng gì, Thào Thị Mo vạch luôn vú cho con bú.

Lạ, trong lớp học, khi hỏi năm sinh, nhiều học viên lắc đầu. Đại úy Đào Nguyên Túc giải thích: “Không phải các bạn ngại không trả lời mà thực sự các bạn không biết mình sinh năm nào. Bố mẹ đâu có để ý, đâu có nhớ mà nói cho con nên nhiều bạn trong lớp cứ chung ngày sinh, ngày 1/1 năm... không biết”.

Ở lớp xóa mù, phần lớn học viên biết nói tiếng Kinh còn hạn chế nên việc tiếp thu kiến thức chậm hơn. Đây cũng là vấn đề khó khăn nhất đối với đại úy Đào Nguyên Túc. “Phát âm của tiếng Mông khác với tiếng Việt cho nên đánh vần, phát âm rất khó. Vì vậy, khi dạy, thầy giáo đánh vần từng chữ, ghép từng chữ vào thì bà con mới phát âm chuẩn. Trong quá trình học còn rất nhiều khó khăn nhưng trong suy nghĩ của chúng tôi là phải cố gắng để khắc phục khó khăn đấy”. Đại úy Đào Nguyên Túc cho biết.

Người dân trong xã nói chung, người dân suối Phái nói riêng từ không biết chữ, biết đọc, biết viết, biết cộng trừ, qua những lớp xóa mù, bà con Nhân dân đã thay đổi tập quán canh tác, từ tự cung, tự cấp sang sản xuất hàng hóa. Biết chữ, người dân dần biết áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao đời sống tinh thần...". (Ông Lò Văn Liệu, Chủ tịch UBND xã Tam Chung, Mường Lát).

Anh Túc kể lại câu chuyện những ngày đầu khi đến lớp. Thầy giảng gì, học viên cũng cứ “chi pâu” (không biết). Anh nói với học viên, rằng phải bỏ từ “chi pâu” đi để cố gắng vươn lên. Nếu mãi “chi pâu” thì lúc nào mới biết chữ, mới có kiến thức. Anh Túc nhớ lại: “Tôi nói, thầy học các bạn về tiếng Mông thì các bạn phải học thầy về tiếng Việt để chúng ta cùng tiến bộ. Thầy học trò, trò học thầy. Mọi người không biết, mọi người học sẽ biết. Cũng như tôi, tôi cũng học tiếng của các bạn. Tôi nói như vậy cũng là động viên chính tôi và động viên các bạn ấy, phải tự tin chứ không tự ti”.

Đại úy Đào Nguyên Túc, sinh năm 1983. Anh đứng lớp dạy xóa mù cho đồng bào Khơ Mú, đồng bào Mông từ năm 2013. Đến nay, anh đã dạy 4 lớp với 140 học viên. Nếu tính thời gian công tác, anh Túc đã có 20 năm công tác trong lực lượng biên phòng. Vì có nhiều dịp cùng ăn, cùng ở với bà con nên anh thấu hiểu được những cái bà con cần. Theo đó, khi dạy, ngoài gieo chữ, anh thường thoát li giáo án và dạy những điều thiết thực cho học viên. Đó là tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Hoặc dạy cho học viên cách phòng say nắng, say nóng trong mùa hè, phòng tránh các thủ đoạn lừa đảo trên không gian mạng, dạy cách giáo dục con cái...

Cũng theo chia sẻ của Đại úy Đào Nguyên Túc, sắp tới Đồn Biên phòng Tam Chung sẽ phối hợp với hội LHPN huyện, xã để cung cấp giống cây ăn quả cho hộ dân trên địa bàn xã Tam Chung. Mỗi hộ khoảng vài trăm cây. “Phải cho cần câu chứ không cho con cá nữa. Bây giờ người dân phải hiểu được ý nghĩa của việc này thì mới làm giàu được. Nếu cứ giao mà không làm thì bao giờ mới thoát nghèo”, anh Túc nói.

Từ những lớp xóa mù, cái chữ, con số đã không còn là nỗi e ngại đối với nhiều người dân bản nghèo. Cán bộ “soi đường” để tìm ra ánh sáng, tìm con chữ để góp phần mở lối thoát nghèo.

Đi cai mới thoát được nghèo

Sau nhiều lần tránh né thì cuối cùng Thào Thị Dợ (sinh năm 1979) cũng bị Thào A Thái, người uy tín, trưởng bản Thào A Sự và công an viên Sùng A Sự ở bản Tà Cóm (xã Trung Lý, Mường Lát) phát hiện đang sử dụng ma túy tại nhà người thân. Lúc đầu, Thào Thị Dợ liên tục chối nhưng Thào A Thái đã phát hiện trong túi áo của Thào Thị Dợ đang còn 1 tép heroin. Chứng cứ ấy khiến Thào Thị Dợ chỉ biết cúi gằm mặt, không nói thêm được gì. Trung tuần tháng 3/2024, Thào Thị Dợ được đưa đi cai nghiện tại Cơ sở cai nghiện ma túy số 2 (huyện Quan Hóa). Chồng Dợ trước đó cũng bị bắt vì buôn ma túy. Vì ma túy mà nhà cửa bán, đất sản xuất cũng không còn.

Các đối tượng đi cai nghiện của bản Tà Cóm tại Cơ sở cai nghiện ma túy số 2, Quan Hóa. (Ảnh: Thào A Thái cung cấp)

Các đối tượng đi cai nghiện của bản Tà Cóm tại Cơ sở cai nghiện ma túy số 2, Quan Hóa. (Ảnh: Thào A Thái cung cấp)

Đây chỉ là 1 trong rất nhiều trường hợp mà Thào A Thái và những cán bộ ở xã, ở bản đã phát hiện, báo cáo lên cấp trên để đưa đi cai nghiện tập trung. Riêng đối với Thào A Thái, anh đã có 16 năm làm bí thư chi bộ kiêm trưởng bản, rồi làm người uy tín nên nắm chắc tình hình của Tà Cóm.

Tà Còm từng là địa bàn nổi cộm về ma túy của huyện Mường Lát, nhất là từ năm 2019 trở về trước. Có thời điểm, số người nghiện chiếm tới 50% dân số của bản. Chính trong dòng họ của Thào A Thái cũng có người nghiện. Năm 2018, anh đã đưa 4 người trong dòng họ về cai nghiện tại nhà và thành công. Trong quá trình cai nghiện cho họ, bản thân Thào A Thái đã từng sang Lào để mua thuốc cai nghiện về cho những người này uống. Vào năm 2022, anh đã góp phần quan trọng trong việc đưa 15 người của bản đi cai nghiện. Thào A Thái nhớ lại: “Tôi còn nhớ như in những lời dặn của Thượng tá Lê Khắc Minh, Trưởng Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Công an tỉnh. Lần đấy về Tà Cóm, Thượng tá nói với tôi: Là đảng viên, là người có uy tín của bản, anh hãy cố gắng vận động để đối tượng nghiện đi cai mới thoát được nghèo. Cứ mãi thế này thì bản càng nghèo, ảnh hưởng đến an ninh, kinh tế đời sống của bà con. Lời dặn theo tôi từ ngày ấy đến giờ, như một lời nhắc nhở sống trách nhiệm hơn”.

Vậy nên, Thào A Thái cứ vững bước trước những khó khăn, bỏ qua cả những lời thách thức, dọa dẫm. Đó là con nghiện Sùng A Cho đã từng chỉ vào mặt anh và nói: “Nếu đưa công an đến, tôi sẽ bắn chết anh rồi mới đi cai”. Nhưng Thào A Thái không run sợ, anh vẫn đến thuyết phục, động viên nhiều lần, tuy nhiên sau đó Sùng A Cho đã bỏ bản, trốn lên rừng.

Bản nghèo Tà Cóm giờ không còn nhuốm màu bi thương như nhiều năm về trước. Dù vậy trong bản vẫn còn hơn 10 người nghiện. Thào A Thái vẫn đang tự hứa với lòng mình, bằng tinh thần, trách nhiệm của đảng viên, người uy tín của bản, anh sẽ cố gắng đưa họ đi cai nghiện tập trung. Ngày ấy, hy vọng sẽ không còn xa...

Hoàng Anh

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/nang-am-dai-ngan-soi-duong-31612.htm