Nâng bước người khuyết tật
Không may mắn được khỏe mạnh, lành lặn, phần lớn người khuyết tật trong tỉnh gặp nhiều khó khăn trên bước đường hòa nhập và vươn lên. Nhờ các cấp, ngành, đơn vị liên quan 'tiếp sức' bằng chính sách, họ mới sớm vượt qua những rào cản.
Tại hội thảo chia sẻ kinh nghiệm về tiếp cận và thực hiện các chính sách chăm sóc sức khỏe cho người khuyết tật, bác sĩ Mai Năm, Phó Giám đốc Sở Y tế vui mừng báo tin, những năm gần đây, tỉ lệ người khuyết tật trên địa bàn tiếp cận dịch vụ y tế tăng lên đáng kể. Đến các cơ sở khám chữa bệnh, họ đã và đang được thụ hưởng nhiều chính sách. Ông Năm cho biết thêm, trên địa bàn, ngày có càng nhiều chương trình, dự án thiết thực hỗ trợ người khuyết tật, điển hình là Đề án “Nâng cao chất lượng dân số thông qua tuyên truyền, vận động, phát hiện, can thiệp sớm tật, bệnh ở thai nhi và sơ sinh”. Với đề án này, Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình đã triển khai cho các cơ sở y tế cung cấp dịch vụ sàng lọc trước sinh tại 141 xã, phường, thị trấn, 33 cơ sở ở tuyến huyện, 2 cơ sở ở tuyến tỉnh và sàng lọc sơ sinh tại 105 trạm y tế, 10 cơ sở tuyến huyện, 2 cơ sở tuyến tỉnh. Qua sàng lọc trước sinh, thời gian qua, các bác sĩ đã phát hiện 148 trường hợp có nguy cơ mắc dị tật bào thai. Cùng với đó, hơn 160 trẻ có dấu hiệu bất thường bẩm sinh đã được phát hiện qua sàng lọc sơ sinh. “Việc triển khai thực hiện Đề án “Nâng cao chất lượng dân số thông qua tuyên truyền, vận động, phát hiện, can thiệp sớm tật, bệnh ở thai nhi và sơ sinh” trên địa bàn đã góp phần quan trọng vào việc phát hiện, can thiệp sớm tật, bệnh ở thai nhi và trẻ sơ sinh nhằm nâng cao chất lượng dân số”, bác sĩ Mai Năm khẳng định.
Cũng như ngành Y tế, những năm qua, Sở Giao thông Vận tải tỉnh đã có nhiều nỗ lực trong việc thúc đẩy thực hiện tiếp cận giao thông cho người khuyết tật. Lãnh đạo Sở đã tham mưu UBND tỉnh, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan ban hành nhiều chính sách hỗ trợ người khuyết tật tham gia giao thông; tăng cường công tác cải tạo kết cấu hạ tầng; đầu tư phương tiện để hỗ trợ người khuyết tật… Qua ghi nhận, các công trình, dự án giao thông công cộng mới được đầu tư xây dựng trong những năm gần đây đều tuân thủ các quy chuẩn, tiêu chuẩn giúp người khuyết tật thuận lợi hơn khi tham gia giao thông, chẳng hạn như xây gờ giảm tốc tại các ngã ba, ngã tư để người khuyết tật có thể nhận biết hay làm các điểm nghỉ, nhà chờ, công trình vệ sinh phù hợp cho người khuyết tật. Sở cũng khuyến khích các đơn vị vận tải đưa vào sử dụng các phương tiện vận tải có trang thiết bị phục vụ người khuyết tật. Ông Đoàn Việt Bắc, Trưởng Phòng Quản lí vận tải và phương tiện người lái, Sở Giao thông Vận tải cho biết: “Chúng tôi đang nỗ lực để tiến tới một nền giao thông văn minh, an toàn và thuận lợi. Ở đó, mọi thành viên của xã hội đều được bình đẳng sử dụng thuận tiện các phương tiện giao thông. Mọi người, trong đó có người khuyết tật được đáp ứng tốt nhu cầu đi lại”.
Nằm ở địa bàn chịu ảnh hưởng nặng nề của chiến tranh và thiên tai, so với nhiều địa phương trong cả nước, tỉnh Quảng Trị có số lượng người khuyết tật khá lớn. Theo số liệu khảo sát của Dự án Medipeace, tính đến tháng 8/2019, toàn tỉnh có 26.955 người khuyết tật đã được thu thập thông tin và đưa vào phần mềm quản lí, trong đó, số người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng là 19.960 trường hợp. Phần lớn người khuyết tật gặp vấn đề về vận động, nghe, nói, nhìn, trí tuệ… Qua khảo sát, đa số gia đình có người khuyết tật đều thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo. Một bộ phận không nhỏ trong số đó luôn mang nặng sự mặc cảm, tự ti. Việc vươn lên để có cuộc sống tốt đẹp hơn không phải là chuyện đơn giản đối với họ.
Trước tình hình ấy, thời gian qua, các cấp, ngành, đơn vị liên quan trên địa bàn đã có nhiều hoạt động thiết thực hỗ trợ người khuyết tật vươn lên trong cuộc sống. Đặc biệt, từ khi Luật Người khuyết tật và các kế hoạch của Chính phủ về thực hiện Công ước của Liên hiệp quốc về quyền của người khuyết tật được ban hành, các cấp, ngành, đơn vị liên quan đã có khung pháp lí trong công tác chăm sóc, hỗ trợ những người không may mắn lành lặn, khỏe mạnh. Trách nhiệm của từng cơ quan, tổ chức trong việc tạo môi trường thuận lợi cho người khuyết tật tiếp cận các dịch vụ xã hội được xác định rõ. Nhờ thế, nhiều người khuyết tật trong cả nước nói chung, trên địa bàn tỉnh nói riêng đã được nâng bước bằng các chính sách giàu tính nhân văn như: Bảo trợ xã hội; đào tạo nghề, giải quyết việc làm; tiếp cận giáo dục; tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao; trợ giúp pháp lí; tiếp cận, sử dụng công nghệ thông tin, truyền thông; chăm sóc sức khỏe và phục hồi chức năng; tiếp cận các công trình xây dựng; tiếp cận giao thông vận tải…
Tại Quảng Trị, các chính sách hỗ trợ người khuyết tật đã được các cấp, ngành, đơn vị liên quan thực hiện một cách nghiêm túc, có hiệu quả. Tính đến tháng 8/2019, toàn tỉnh có 19.960 người khuyết tật đang hưởng chính sách ưu đãi cho người có công, lương hưu, bảo hiểm xã hội, trợ cấp xã hội hàng tháng… Từ năm 2015 - 2019, toàn tỉnh có 945 người khuyết tật được học nghề, tăng gấp 4 lần so với giai đoạn trước. Một số cơ sở dạy nghề dành riêng cho người khuyết tật đã được thành lập trên địa bàn. Các chính sách trợ giúp người khuyết tật, đặc biệt là trẻ em tiếp cận giáo dục được triển khai thực hiện tốt. Tính đến tháng 8/2019, có 605 trẻ khuyết tật đã được huy động đến trường, đạt tỉ lệ hơn 60%. Hiện nay, Trường Trẻ em khuyết tật tỉnh bình quân nuôi dưỡng, chăm sóc, dạy học cho khoảng 200 trẻ khuyết tật mỗi năm. Trung tâm Trợ giúp pháp lí tỉnh đã thực hiện trợ giúp pháp lí cho 100% người khuyết tật khi họ có nhu cầu. Tỉ lệ người khuyết tật tiếp cận các công trình trên địa bàn như: Trụ sở làm việc của cơ quan nhà nước, công trình thể dục, thể thao, văn hóa, y tế, nhà ga, bến xe… đạt khá cao. Ông Nguyễn Tăng Mùi, Chủ tịch Hội Người mù tỉnh cho biết: “Toàn tỉnh hiện có hơn 2.600 hội viên người mù, đang sinh hoạt ở 131 hội, chi hội tại các xã, phường, thị trấn. Nhờ được thụ hưởng các chế độ, chính sách dành cho người khuyết tật mà nhiều hội viên đã vượt qua sự mặc cảm, tự ti, vươn lên hòa nhập cộng đồng. Nhiều người khiếm thị trở thành tấm gương sáng trong vượt lên số phận, làm ăn kinh tế giỏi, đạt các giải thưởng…”.
Theo ông Nguyễn Trí Thanh, Trưởng Phòng Bảo trợ xã hội, Sở Lao động, thương binh và xã hội, thời gian qua, các hoạt động trợ giúp người khuyết tật trên địa bàn đã được triển khai kịp thời, hiệu quả, thu được nhiều kết quả quan trọng trên các mặt, lĩnh vực. Nhờ thế, đời sống vật chất, tinh thần và vị thế của người khuyết tật trên địa bàn ngày càng được cải thiện rõ rệt. Hiện nay, Sở LĐTB&XH tích cực phối hợp với các cấp, ngành, đơn vị liên quan tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác chăm sóc, hỗ trợ người khuyết tật như: Tỉ lệ người khuyết tật học nghề còn thấp; phần lớn người khuyết tật không có việc làm ổn định; các trường còn thiếu cơ sở vật chất phục vụ công tác giảng dạy cho học sinh khuyết tật hòa nhập; số lượng người khuyết tật ở vùng nông thôn, miền núi tiếp cận, sử dụng internet chưa cao; các công trình thiết kế, xây dựng trên địa bàn mới chỉ ở mức độ tiếp cận tối thiểu dành cho người khuyết tật…
Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=143327