NÂNG BƯỚC NGƯỜI LAO ĐỘNG: Giấc mơ thành hiện thực
Đi xuất khẩu lao động tại Đài Loan (Trung Quốc), thứ quý nhất bà Đặng Thị Cuối mang về quê hương là kinh nghiệm trồng rau hữu cơ
Hằng ngày, HTX Sản xuất rau hữu cơ công nghệ cao Cuối Quý ở xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng, TP Hà Nội tấp nập khách mua hàng và nhiều đoàn tham quan nông trại 15 mẫu (3.600 m2/mẫu) rau hữu cơ này. Bà Đặng Thị Cuối (SN 1971), Giám đốc HTX, phải tất bật với công việc và tiếp khách.
Ấp ủ giấc mơ
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông, bà Cuối chỉ học hết THCS. Sau khi lập gia đình, vì hoàn cảnh khó khăn bà quyết xa chồng con đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) tại Đài Loan (Trung Quốc) và làm việc tại một công ty rau hữu cơ của Nhật Bản.
Tại đây, bà rất bất ngờ về quy trình, chất lượng và nhu cầu rau hữu cơ trên thị trường. Bà cho biết ở Việt Nam thường chỉ thu được 3 - 4 tạ rau/sào (1 sào = 360 m2, tính theo miền Bắc) nhưng tại Đài Loan họ thu được 1 - 1,2 tấn rau/sào.
Bà đi siêu thị thấy 2 sạp hàng rau hữu cơ và vô cơ để cạnh nhau. Sạp rau hữu cơ có giá hơn 100.000 đồng/kg nhưng bao giờ cũng "cháy hàng", còn sạp rau vô cơ chỉ có 30.000 đồng/kg nhưng luôn ế ẩm. Chứng tỏ thị trường rất ưa chuộng sử dụng rau hữu cơ cho dù giá thành cao gấp 3 lần. Từ đó, bà ấp ủ sau này trở về Việt Nam sẽ trồng và kinh doanh rau hữu cơ.
Năm 2010, bà Cuối thuyết phục chồng là ông Quý sang Đài Loan tham quan rồi học luôn nghề trồng rau hữu cơ. Ông Quý khi ấy cũng nghĩ chiều vợ sang xem cho biết. Nhưng ông rất bất ngờ về công nghệ trồng rau hữu cơ hiện đại.
"Cứ đến buổi trưa người lao động được nghỉ 1 giờ, ông ấy tận dụng dải đất trống để trồng rau, hạt giống được đem từ Việt Nam sang như: cà, dưa, rau để thực hành. Chồng tôi bảo phải mang giống của nước mình sang trồng mới thuần, còn lấy giống của họ trồng thì dễ dàng quá và sẽ không có kinh nghiệm" - bà Cuối cho biết.
Hỗ trợ cộng đồng
Đồng vợ đồng chồng, năm 2017 hai vợ chồng trở về Việt Nam, thực hiện dồn điền đổi thửa, bắt tay thành lập HTX và trồng rau hữu cơ.
Mới đầu về bỏ vốn trồng rau, hàng xóm ai cũng bảo gia đình bà Cuối trước sau gì cũng vỡ nợ. Vậy mà chỉ sau 3 tháng, nhiều người đã trầm trồ nói rằng "làm tốt thế này mà sao không phát triển mạnh lên".
Khi làm ăn có hiệu quả, cùng với việc được các cấp chính quyền hỗ trợ vay vốn tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, vợ chồng bà Cuối mở thêm 7 nhà màng trồng rau hữu cơ. Đến nay, từ hơn 3 sào ban đầu, bà Cuối đã có 15 mẫu trồng rau hữu cơ.
Theo bà Cuối, trồng rau hữu cơ rất nhàn, cứ gieo hạt xong thì ra ngoài điều tiết nước, không phải bón phân, phun thuốc trừ sâu, cỏ nhưng rau phát triển nhanh. Trong 20 ngày, mỗi sào thu hoạch từ 8 tạ đến 1 tấn rau.
Công việc ngày càng phát triển, người dân ở địa phương, các xã lân cận có vốn và nhu cầu đều được bà Cuối tư vấn công nghệ. Nếu người chỉ có đất, không có vốn thì bà tư vấn trồng bông hẹ được lấy giống từ Nhật Bản về. Bà cho biết trồng bông hẹ không bị sâu, tốc độ phát triển nhanh, rất dễ trồng. Cách một ngày thu một vụ, thu nhập khoảng 1 triệu đồng/2 sào.
Đối tác tiêu thụ rau hữu cơ của bà Cuối gồm các cửa hàng thực phẩm sạch, các bếp ăn trường học, tập thể... Đến nay, giá trị đầu tư của HTX Cuối Quý khoảng 11 tỉ đồng. Mỗi tháng, bà thu được 7 - 8 tấn rau, thu nhập hơn 200 triệu đồng/tháng.
Bà cũng đã chuyển giao công nghệ cho hơn 20 nông trại khắp miền Bắc và nhận hỗ trợ 8 hộ cận nghèo, khó khăn về vốn, việc làm, cây giống với số tiền trên 200 triệu đồng/năm... HTX còn tạo việc làm cho gần 30 lao động thường xuyên và 50 - 60 lao động thời vụ. Một số sản phẩm của HTX đã đạt được tiêu chuẩn OCOP của TP Hà Nội.
ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH