NÂNG BƯỚC NGƯỜI LAO ĐỘNG: 'Nhà khoa học' chân đất

Đến thôn Đỗ Xá, xã Vạn Điểm, huyện Thường Tín, TP Hà Nội, hỏi thăm anh Trần Văn Quyết thì ai cũng biết. Hiện anh là Giám đốc Công ty TNHH MTV Sản xuất - Kinh doanh cửa sổ Window Linh Sơn.

Dù chỉ học hết lớp 7 nhưng bằng khát khao lao động, anh đã sáng chế máy cắt kính bán tự động Linh Sơn và được cấp bằng sở hữu trí tuệ năm 2018.

Đầu năm 2012, nhận thấy việc cắt kính thủ công khá mất sức và nguy hiểm cho công nhân (CN), anh Quyết đã nghĩ đến việc sáng chế một chiếc máy cắt kính cho riêng mình. "Trước kia, với kính dán, ở nước ta đều cắt bằng thủ công và phải lật mặt dưới của tấm kính lên, nên CN rất mất sức. Do đó, tôi sáng chế máy cắt kính có hệ thống tự bẻ 2 mặt để bảo đảm an toàn cho người lao động" - anh Quyết cho biết.

Vốn không được đào tạo bài bản về cơ khí nhưng bằng sự kiên trì, anh Quyết đã tự nghiên cứu, thiết kế lắp ghép thiết bị, hệ thống điện... Đến cuối năm 2013, chiếc máy ra đời. Tuy nhiên, để nâng cấp sản phẩm anh mất thêm 1 năm để hoàn thiện công đoạn bẻ kính sau cắt. Trong quá trình chế tạo máy, duy trì kinh doanh đã có lúc đi vào bế tắc và anh định bỏ cuộc vì không có vốn.

Được sự động viên của gia đình, anh vay vốn ngân hàng để hoàn thiện máy cắt kính bán tự động, khi đưa vào sử dụng rất an toàn và vận hành ổn định. Anh Quyết cho biết năng suất của máy tăng gấp 3 lần so với cắt bằng các loại máy cũ, nhất là đối với kính dán 2 lớp. Nếu như máy CNC phải cắt 2 lần gồm mặt trên và mặt gầm thì máy của anh chỉ cắt một lần là xong cả 2 mặt. Vì vậy, CN làm việc đạt năng suất cao và an toàn.

Anh Trần Văn Quyết (bìa phải) và chiếc máy cắt kính bán tự động Linh Sơn tại Hội chợ huyện Thường Tín, TP Hà Nội

Anh Trần Văn Quyết (bìa phải) và chiếc máy cắt kính bán tự động Linh Sơn tại Hội chợ huyện Thường Tín, TP Hà Nội

Năm 2016, sau khi vượt qua nhiều bài kiểm tra khắt khe, anh Quyết chính thức sản xuất đại trà và đưa máy cắt kính bán tự động ra thị trường. Sản phẩm của anh nhanh chóng có chỗ đứng và sánh ngang với các máy cắt kính hiện đại nhất của các hãng nổi tiếng. "Chiếc máy đầu tiên tôi bán cho một xưởng cắt kính ở quận Hà Đông, TP Hà Nội. Sau đó, khách ở nhiều nơi biết đến, thậm chí có cả khách ở tỉnh Sơn Đông - Trung Quốc đặt hàng. Đến nay, Công ty Linh Sơn đã cung cấp khoảng trên 1.000 máy ra thị trường" - anh Quyết nói.

Cũng trong năm 2016, anh Quyết nộp hồ sơ công nhận sở hữu trí tuệ và đã được Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ cấp chứng nhận sáng chế - giải pháp hữu ích. Năm 2018, anh cải tiến máy tích hợp với robot nên cắt được kính có diện tích khoảng 10 m2, nặng 350 kg chỉ sau vài chục giây.

Đến nay, anh Quyết đã sáng tạo được 4 phiên bản và 3 kích cỡ với 12 mẫu mã phù hợp để cắt các loại kính khác nhau. Mỗi tháng, công ty bán được khoảng 10 máy với giá 100 - 300 triệu đồng/máy, doanh thu đạt trên 20 tỉ đồng/năm. Công ty của anh cũng tạo việc làm cho hơn 20 CN với mức lương 10 - 20 triệu đồng/tháng. Anh Nguyễn Tuấn Anh, CN công ty, bày tỏ: "Tôi học xong THPT thì được anh Quyết nhận vào làm việc. Anh Quyết rất tận tình chỉ dạy cho chúng tôi mọi kỹ thuật, làm việc ở công ty rất vui vẻ, chế độ đãi ngộ tốt".

Hiện máy cắt kính của anh Quyết sử dụng 70% linh kiện trong nước nên giá thành rẻ hơn một nửa so với máy nhập khẩu. Vì thế, sản phẩm của Công ty Linh Sơn đã có mặt ở 63 tỉnh, thành và một số nước. Chế độ bảo trì, hướng dẫn và xử lý các tình huống phức tạp đều được công ty chú trọng để phục vụ khách hàng.

Là người yêu quê hương, anh Quyết thường xuyên ủng hộ địa phương xây dựng các công trình phúc lợi. Năm 2020 anh ủng hộ 2,2 tỉ đồng để thôn Đỗ Xá nạo vét lòng hồ, xây dựng hệ thống thoát nước - lan can, trồng cây xanh xung quanh… cùng hàng chục lần ủng hộ có giá trị khác.

ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH

Bài và ảnh: Trần Thị Thúy Vân (TP Hà Nội)

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/nang-buoc-nguoi-lao-dong-nha-khoa-hoc-chan-dat-196240801193610707.htm