NÂNG BƯỚC NGƯỜI LAO ĐỘNG: Nhẫn nại để thành công

Là người thích khám phá và nhẫn nại, Nguyễn Văn Học đã học được nhiều món ngon tại Nhật Bản để tự tin về nước khởi nghiệp

Sau 12 năm ra trường, tôi mới có dịp gặp lại người bạn thời đại học. Qua trò chuyện, tôi hiểu hơn về những nỗ lực của bạn để có được thành quả như hôm nay. Nguyễn Văn Học (SN 1990, quê ở Bắc Ninh), hiện sinh sống tại TP Hà Nội và là chủ một nhà hàng Nhật nổi tiếng có tên MoMichan - Akatsuki tại quận Tây Hồ (TP Hà Nội).

Kiên trì

Sau khi ra trường, chúng tôi mỗi đứa một nơi. Người về quê, người vào TP HCM, người tiếp tục đi học, có người chọn ở lại thủ đô trong đó có Học.

Đầu năm 2014, Học quyết định sang Nhật tìm kiếm cơ hội phát triển. Trên chuyến tàu điện từ sân bay về trường học tiếng ở Tokyo, hình ảnh cô gái phụ tàu vừa đứng vừa tranh thủ chợp mắt khiến Học nhận ra cuộc sống ở đây không phải màu hồng. Đến cô gái bản địa cũng đang vất vả mưu sinh thì tương lai phía trước của anh chắc chắn rất nhiều khó khăn, thử thách.

Vừa sang Nhật, Học được một cô giáo người Việt giới thiệu làm thêm tại nhà máy đóng gói cơm hộp. Vừa làm vừa chăm chỉ học tiếng, anh dần thích nghi cuộc sống nơi xứ người. Để duy trì cuộc sống, Học nhận làm đủ việc, dù là lao động chân tay nặng nhọc.

Nguyễn Văn Học trước nhà hàng thứ hai của mình

Nguyễn Văn Học trước nhà hàng thứ hai của mình

Khi vốn tiếng Nhật khá lên, Học xin vào một nhà hàng làm rửa bát và pha chế. Nhờ chăm chỉ, lại nhanh nhẹn nên anh nhanh chóng được sự tin tưởng của quản lý. Từ đó, Học tìm cách giới thiệu việc làm ở nhà hàng cho những du học sinh Việt Nam. Ngoài giúp đỡ được các bạn có việc làm thêm, anh cũng có thêm hoa hồng giới thiệu nhân sự. Chỉ sau 1 năm, số người Việt làm thêm tại hệ thống do anh kết nối lên tới cả ngàn người. Mỗi lần ghé qua các chi nhánh, những người được anh giới thiệu chào hỏi niềm nở khiến anh cảm thấy tự hào vì giúp được nhiều đồng hương.

Kết thúc khóa học tiếng, Học được một khách sạn nhận vào làm việc và được cấp visa dài hạn. Để có thêm thu nhập, anh còn làm thêm ở quán gà nướng yakitori. Nhờ sự nhạy bén, anh nhận ra yakitori ở Nhật phổ biến không thua kém sushi, ramen… dù nó được làm từ nguyên liệu rẻ tiền là gà công nghiệp mà không phải cá hồi hay thịt bò Kobe đắt đỏ. Thế nhưng ở Việt Nam lại hiếm người biết đến.

Theo Học, yakitori chia thành nhiều loại: bếp điện, bếp gas, bếp than; than ép, than củi, than củi thơm. Tại quán Học làm dùng loại than đặc biệt, khi nướng khói thơm bốc lên len lỏi vào từng thớ thịt giúp thịt chín đều, mềm và không bị khô. Khi ăn, sẽ cảm nhận được miếng thịt ngọt từ vị tươi, thơm từ mùi khói.

Thịt gà được chia thành từng bộ phận, cắt nhỏ và cho vào xiên. Trước khi nướng, đầu bếp vẩy một lớp muối hồng Himalaya lên trên. Qua bàn tay khéo léo của đầu bếp, những xiên thịt gà sau khi nướng trở thành món ăn vô cùng hấp dẫn.

Chỉ sau vài tháng, Học được đào tạo đứng nướng và sau nửa năm anh đã thuần thục, doanh thu nhà hàng tăng gần gấp đôi. Lượng khách quen của Học còn nhiều hơn của ông chủ.

Gian nan khởi nghiệp

Sau gần 5 năm đi qua rất nhiều công việc và tự mình trải nghiệm hàng trăm nhà hàng ở Nhật Bản, Học nhận thấy yakitori sẽ là cơ hội cho anh trở về Việt Nam khởi nghiệp. Nhắc đến đồ ăn Nhật, đa số người Việt chỉ nghĩ đến sushi, sashimi, ramen.... Vì vậy, đây vừa là cơ hội vừa là thách thức đối với anh.

Để có thể về nước mở nhà hàng, Học xác định phải học thêm các món khác vừa để phục vụ khách trong thời gian nướng thịt vừa làm đa dạng thực đơn. Tuy nhiên, những món này do chị gái chủ quán phụ trách. Biết Học sắp về nước nên chị không muốn chia sẻ bí quyết với anh. Cứ tưởng việc học món đi vào ngõ cụt nhưng nhờ giao tiếp khéo léo, đặc biệt là thái độ tận tâm với công việc, Học dần gỡ bỏ được rào cản, chị gái chủ quán đã mở lòng và truyền nghề cho anh.

Là một người thích khám phá, anh cũng học thêm được nhiều món ngon khác. Tự tin khi đã học được các món ngon tại Nhật Bản, chuẩn bị đủ vốn và tay nghề, Học về nước khởi nghiệp vào cuối năm 2019.

Học đã thành công khi mở nhà hàng đầu tiên nhưng cũng thu về nhiều bài học đắt giá. Thời gian đầu, hàng loạt vấn đề xảy ra như: nhân viên chưa thạo việc, than không đạt chất lượng, bếp nướng không đúng chuẩn… khiến nhà hàng vắng khách. Không nản chí, Học kiên trì khắc phục, khi chất lượng đồ ăn đạt chuẩn hương vị như ở Nhật Bản thì lượng khách ngày một tăng.

Trong đó, có những vị khách Nhật ghé ăn thử rồi giới thiệu cho cộng đồng người Nhật ở Hà Nội khiến nhà hàng ngày càng nổi tiếng. Lượng khách bắt đầu đa dạng từ Hàn, Trung và Việt cũng trở thành quen. Dịch COVID-19 bùng phát, nhà hàng vẫn duy trì bán online nên không bị ảnh hưởng.

Sau dịch, lượng khách tăng đột biến nên nhà hàng thứ hai mang tên MoMichan nhanh chóng ra đời. Nhờ đã có kinh nghiệm và thương hiệu nên nhà hàng này luôn trong tình trạng kín bàn. Song, cuộc sống và xã hội vẫn thử thách Học khi chủ nhà đột ngột lấy lại mặt bằng nhà hàng đầu tiên. Trở tay không kịp, anh đành chấp nhận nhìn đứa con tinh thần rơi vào tay người khác. Là người từng trải, Học tin rằng với quyết tâm và lòng đam mê khởi nghiệp anh sẽ sớm ổn định tinh thần và trở lại guồng quay mới.

Nghe xong câu chuyện của Học, tôi rất nể phục chặng đường của anh khi đã tạo sự nghiệp bằng nỗ lực học hỏi trên đất Nhật Bản như lời hứa với bản thân 10 năm trước. Tôi chúc Học sẽ mở thêm nhiều chi nhánh khác khắp cả nước để hoàn thành ước mơ mang yakitori đến với nhiều người tại Việt Nam.

Chủ quán đã tặng tôi chiếc iPhone X ngay trong đợt mở bán đầu tiên. Đến giờ, tôi vẫn dùng nó như gợi nhắc về hành trình nỗ lực, bền bỉ của bản thân" - Nguyễn Văn Học bày tỏ.

ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH

Thể lệ cuộc thi

Thể lệ cuộc thi

Bài và ảnh: ĐAN NGỌC (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu)

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/nang-buoc-nguoi-lao-dong-nhan-nai-de-thanh-cong-196240824174828122.htm