Nâng cao an toàn phòng cháy, chữa cháy tại các nơi thờ tự, đình chùa, miếu...

Để việc thực hành tín ngưỡng, tổ chức lễ hội đảm bảo tính văn minh, tiết kiệm, phát huy truyền thống văn hóa dân tộc, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã ban hành công văn đề nghị chư tôn đức tăng ni nêu cao tinh thần Bồ tát đạo, hướng dẫn đồng bào Phật tử và người dân loại bỏ mê tín dị đoan, đốt vàng mã tại các cơ sở thờ tự Phật giáo.

Nhiều năm nay, tại các nơi thờ tự đều khuyến cáo người dân hạn chế, không thắp hương, đốt vàng…

Nhiều năm nay, tại các nơi thờ tự đều khuyến cáo người dân hạn chế, không thắp hương, đốt vàng…

Năm 2018, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã ban hành Công văn số 669/BVHTTDL-VHCS ngày 27/2/2018 gửi các sở văn hóa, thể thao và du lịch các tỉnh, thành phố về việc triển khai thực hiện Công điện số 240/CÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; trong đó yêu cầu các sở, đơn vị cần đẩy mạnh hướng dẫn, tuyên truyền, vận động nhân dân hạn chế đốt vàng mã, đồ mã tại các cơ sở thờ tự và lễ hội. Việc chính quyền cùng các cơ sở thờ tự và người dân chung tay loại bỏ đốt vàng mã là tín hiệu đáng mừng trong việc đảm bảo văn minh, tránh lãng phí trong thực hành tín ngưỡng.

Theo ghi nhận, trên địa bàn Hà Nội những năm gần đây, việc thắp hương, hóa vàng đều được ban quản lý tuyên truyền, khuyến cáo đến người dân tránh lãng phí và đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy tại các di tích, nơi thờ tự. Đại tá Nguyễn Trường Sơn, Phó Trưởng Công an quận Cầu Giấy cho biết, trên địa bàn quận, lực lượng chức năng thường xuyên tuyên truyền, kiểm tra công tác phòng cháy chữa cháy tại các di tích, đền chùa.

Theo đó, các di tích trên địa bàn quận Cầu Giấy đã trang bị các phương tiện phòng cháy và chữa cháy thiết yếu, niêm yết nội quy di tích, nội dung quy tắc ứng xử nơi công cộng, một số di tích còn lắp đặt thêm hệ thống camera giám sát. Tiểu ban quản lý di tích phân công người trực và trông nom thường xuyên; hạn chế thấp nhất việc hóa vàng, trong trường hợp cần thiết, việc hóa vàng phải tiến hành tại các vị trí an toàn cách xa các vật dụng dễ cháy; vàng phải được hóa trong thiết bị chứa bằng vật liệu khó cháy hoặc không cháy….

Còn tại Phủ Tây Hồ, ông Trương Tiến Hồi - Trưởng tiểu Ban quản lý di tích phủ Tây Hồ cho biết, hằng năm Ban quản lý đều phối hợp với Công quan quận Tây Hồ tiến hành tập huấn công tác phòng cháy chữa cháy, chuẩn bị đầy đủ các trang thiết bị, phương tiện chữa cháy trong trường hợp cần thiết. Ngay tại Phủ Tây Hồ, việc thắp hương, hóa vàng cũng được hạn chế tối đa. “Hàng năm, mỗi dịp Rằm tháng 7 người dân đến Phủ Tây Hồ rất đông. Tuy nhiên năm nay, để phòng tránh dịch Covid-19, ngay từ mùng 1 tháng 7 Âm, Phủ Tây Hồ đã đóng cửa để tránh việc tụ tập đông người. Trước tình hình này, có thể dịp Rằm tháng 7 năm nay Phủ Tây Hồ cũng tiếp tục đóng cửa”, ông Trương Tiến Hồi nhấn mạnh./.

K.Tiến

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/nang-cao-an-toan-phong-chay-chua-chay-tai-cac-noi-tho-tu-dinh-chua-mieu-112201.html