Nâng cao cảnh giác và phòng ngừa bệnh giun rồng

Bệnh giun rồng, hay còn gọi là bệnh Dracunculiasis hoặc giun Guinea, được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) xếp vào nhóm các bệnh nhiệt đới bị lãng quên, có nguy cơ cao tái xuất hiện tại những khu vực có điều kiện vệ sinh và nguồn nước kém an toàn. Trong thời gian gần đây, tại tỉnh Phú Thọ, bệnh giun rồng đang có dấu hiệu gia tăng trở lại, đặt ra yêu cầu cấp thiết trong việc giám sát, phát hiện sớm và nâng cao ý thức phòng bệnh trong cộng đồng.

Theo thống kê của ngành y tế, từ năm 2020 đến nay, cả nước ghi nhận 24 trường hợp mắc bệnh giun rồng tại 5 tỉnh miền núi phía Bắc, gồm: Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Hòa Bình và Thanh Hóa. Riêng tại tỉnh Phú Thọ, đã có 8 trường hợp xuất hiện ở huyện Tân Sơn (5 bệnh nhân), huyện Thanh Sơn (2 bệnh nhân) và Yên Lập (1 bệnh nhân). Gần đây nhất, ngày 14/4/2025, một trường hợp tại xã Long Cốc huyện Tân Sơn có biểu hiện nghi bệnh giun rồng.Bệnh giun rồng do một loại giun tròn ký sinh gây ra, thường lây truyền qua việc uống nước có chứa ấu trùng giun. Sau khi xâm nhập vào cơ thể, giun phát triển âm thầm trong khoảng 1 năm trước khi gây ra triệu chứng rõ ràng. Người mắc bệnh ban đầu thường không có biểu hiện gì đặc biệt. Tuy nhiên, đến giai đoạn giun trưởng thành bắt đầu di chuyển trong các mô dưới da, bệnh nhân sẽ xuất hiện các triệu chứng như: Sốt nhẹ, buồn nôn, tiêu chảy, nổi mẩn đỏ, ngứa và đau rát tại chỗ giun khu trú. Khi giun chui ra ngoài qua da, thường là ở bàn chân hoặc cẳng chân, sẽ để lại vết thương hở, rỉ dịch, rất dễ nhiễm trùng.

Giun rồng chui ra từ tay người bệnh.

Giun rồng chui ra từ tay người bệnh.

Điểm đáng lo ngại nhất của bệnh giun rồng là không có vắc xin và cũng không có thuốc điều trị đặc hiệu. Nếu không xử lý đúng cách, người bệnh có thể bị biến chứng như viêm khớp, áp xe, nhiễm trùng huyết hoặc uốn ván do nhiễm trùng thứ phát. Chẩn đoán bệnh giun rồng thường được xác định khi nhìn thấy đoạn giun chui ra khỏi da hoặc phát hiện giun đã bị vôi hóa qua chụp X-quang. Khi thấy giun lộ ra tại ổ tổn thương, biện pháp điều trị duy nhất là cuộn dần giun ra ngoài bằng một thanh gỗ hoặc que tròn nhỏ – một phương pháp truyền thống nhưng vẫn là cách hữu hiệu nhất hiện nay. Việc kéo mạnh hoặc chích rạch vết thương để lấy giun có thể gây vỡ giun, làm lây lan ấu trùng và chất độc gây viêm nhiễm lan tỏa. Trong quá trình điều trị, người bệnh có thể được dùng kết hợp các loại thuốc như mebendazole hoặc thiabendazole để hỗ trợ, đồng thời kháng sinh, thuốc giảm đau và thuốc chống viêm để ngăn ngừa biến chứng.Trước thực trạng bệnh có dấu hiệu quay trở lại, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Phú Thọ đã phối hợp với các Trung tâm Y tế các huyện, đặc biệt tại các miền núi để tăng cường truyền thông trực tiếp tới người dân về cách nhận biết bệnh, các biện pháp phòng chống, cũng như cảnh báo nguy cơ sử dụng nguồn nước chưa đảm bảo vệ sinh, nếu phát hiện ca bệnh, tăng cường giám sát ca bệnh, đồng thời truy vết, điều tra dịch tễ để xác định nguồn lây nhiễm và ngăn chặn nguy cơ lan rộng.Ông Nguyễn Tiến Sâm - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Phú Thọ cho biết: “Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tăng cường giám sát chặt chẽ, hỗ trợ trạm y tế phát hiện sớm ca bệnh; hướng dẫn chăm sóc, điều trị kịp thời; chỉ đạo trạm y tế các xã, phường tăng cường tuyên truyền để người dân biết nguyên nhân, dấu hiệu bệnh, cách phòng chống bệnh giun rồng và các bệnh giun sán khác; vận động người dân thay đổi thói quen ăn gỏi cá, gỏi sống, tái; nên ăn chín, uống sôi”.

Tổ chức Y tế thế giới và Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương thực hiện giám sát trường hợp bệnh và công tác phòng chống bệnh giun rồng tại tỉnh Phú Thọ.

Tổ chức Y tế thế giới và Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương thực hiện giám sát trường hợp bệnh và công tác phòng chống bệnh giun rồng tại tỉnh Phú Thọ.

Tính đến năm 2024, chỉ còn 5 quốc gia tại châu Phi và Việt Nam vẫn ghi nhận ca bệnh. Sự trở lại của bệnh tại một số tỉnh miền núi phía Bắc cho thấy cuộc chiến chống lại bệnh giun rồng vẫn còn nhiều thách thức. Để chủ động phòng ngừa, người dân cần ăn chín, uống chín; không uống nước chưa đun sôi; không dùng phân tươi trong sản xuất nông nghiệp hoặc nuôi gia súc; duy trì vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường và vệ sinh nhà bếp; diệt trừ ruồi, nhặng, gián – những trung gian có thể mang mầm bệnh; báo ngay cho cơ sở y tế khi thấy có vết sưng đau đỏ, rỉ dịch hoặc nghi có giun lộ ra từ da.Sự xuất hiện trở lại của bệnh giun rồng tại Phú Thọ là lời cảnh báo đối với các địa phương miền núi, vùng sâu vùng xa về nguy cơ bùng phát dịch bệnh do ký sinh trùng trong điều kiện vệ sinh chưa đảm bảo. Với đặc điểm không có vắc xin và thuốc đặc hiệu, phòng bệnh và giám sát chủ động là hai yếu tố quyết định trong việc kiểm soát và tiến tới loại trừ bệnh giun rồng khỏi cộng đồng.

Quốc An

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/nang-cao-canh-giac-va-phong-ngua-benh-giun-rong-231364.htm