Nâng cao chất lượng bảo trì đường bộ

Nhiều hoạt động của Ban Quản lý, bảo trì giao thông trực thuộc Sở Giao thông vận tải (GTVT) Quảng Trị được ngành và tỉnh đánh giá cao nhờ luôn tranh thủ được nguồn vốn Trung ương đầu tư nên không ít tuyến đường được mở rộng thêm mặt đường, nâng cấp thông thoáng, góp phần thuận lợi cho việc giao thông và phát triển kinh tế, xã hội.

 Đoạn đường thuộc tuyến Quốc lộ 9 đi cảng Cửa Việt do Ban Quản lý, bảo trì giao thông đảm nhiệm bảo trì. Ảnh: TL

Đoạn đường thuộc tuyến Quốc lộ 9 đi cảng Cửa Việt do Ban Quản lý, bảo trì giao thông đảm nhiệm bảo trì. Ảnh: TL

Giám đốc Ban Quản lý, bảo trì giao thông (QLBTGT) Hoàng Anh Quang cho biết, là đơn vị trực thuộc Sở GTVT Quảng Trị, ban được thành lập tại Quyết định số 2340/QĐ-UBND ngày 9/10/2018 của Chủ tịch UBND tỉnh trên cơ sở tổ chức lại Ban Quản lý dự án bảo trì giao thông. Ban có nhiệm vụ trực tiếp tham gia và chỉ đạo nhà thầu bảo trì; thực hiện quản lý, bảo trì, bảo dưỡng thường xuyên kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, đường thủy nội địa; tham gia khắc phục bão lụt, tai nạn giao thông và các sự cố bất khả kháng khác; phối hợp thực hiện phương án phân luồng giao thông khi cần thiết…Kể từ khi ra đời cho đến nay, ban đã góp phần nâng cao chất lượng hệ thống giao thông trên địa bàn tỉnh Quảng Trị; khai thác hiệu quả công trình, các tuyến giao thông, đảm bảo an toàn giao thông cho người và phương tiện lưu thông.

Hiện ban quản lý hệ thống đường bộ trên địa bàn toàn tỉnh, gồm hơn 126 km trên các Quốc lộ (QL), gồm: QL 49C, QL 9D, QL15D…; 253 km của 19 đường tỉnh (ĐT); 48 km đường nội TP Đông Hà và đường nội thị thị xã Quảng Trị. Hệ thống giao thông trên địa bàn tỉnh được bảo trì bằng nguồn Quỹ Bảo trì đường bộ (BTĐB) Trung ương, Quỹ BTĐB địa phương và nguồn vốn ngân sách tỉnh phân bổ thực hiện nhiệm vụ bảo trì QL, ĐT do Sở GTVT giao ủy quyền quản lý.

Nói về hiệu quả công việc của ban, ông Hoàng Anh Quang cho biết, từ năm 2017 đến nay ban đã tham mưu Sở GTVT làm việc với UBND tỉnh, Bộ GTVT, Bộ Tài chính và Tổng cục Đường bộ Việt Nam nâng mới tuyến QL 9D và đường nối QL 1 đến đường Hồ Chí Minh nhánh Đông; bổ sung tuyến ĐT 580 vào tuyến QL49C. Trong năm 2017, bổ sung tuyến ĐT580 dài 17,166km vào tuyến QL49C (tăng chiều dài đoạn đường từ 23,91 thành 41,076km); chuyển các tuyến ĐT576b, ĐT572 và một số đoạn tuyến ĐT571, ĐT574 thành QL9D với chiều dài 45,937km. Năm 2018, bổ sung quản lý đường nối QL1 đến đường Hồ Chí Minh nhánh Đông dài 13,09km. Như vậy tổng chiều dài các tuyến đường địa phương được chuyển thành QL thời gian qua lên đến hơn 76km. Cùng với đó, ban thực hiện nhiệm vụ quản lý, giám sát 151 công trình giao thông và 19 sản phẩm dịch vụ công ích với tổng số vốn gần 315 tỉ đồng.

Nhằm phục vụ phát triển kinh tế, xã hội miền núi vùng biên giới, trong năm 2019, ban đã triển khai dự án sửa chữa đường từ xã Ba Nang đến cửa khẩu phụ Cóc, huyện Đakrông và trình thẩm định dự án đường biên giới Khe Sanh- Sa Trầm; hoàn thành 51/60 công trình bảo trì đường bộ. Giải thích nguyên nhân về một số công trình chưa hoàn thành, lãnh đạo ban cho biết do vướng mắc giải phóng mặt bằng nên thi công muộn như: Xử lý “điểm đen” tai nạn giao thông tại Km 74+800 QL9 ; đường Nguyễn Đình Chiểu thị trấn Khe Sanh; ĐT582. Ngoài ra còn một số công trình khác được bố trí vốn trong hai năm nên chưa hoàn thành như đường đi thôn Tân Thủy, đường Nam Trung Thái…

Hằng năm vốn hoạt động của ban, bên cạnh 35% trích từ nguồn thu phí theo quy định cho Quỹ BTĐB địa phương, ban còn tham mưu Sở GTVT, UBND tỉnh Quảng Trị đề xuất Quỹ BTĐB Trung ương, Bộ GTVT hỗ trợ thêm cho tỉnh nguồn kinh phí từ 15 - 20 tỉ đồng/năm để sửa chữa hệ thống đường địa phương, khắc phục hậu quả do bão lụt và đảm bảo giao thông. Nhờ đó công tác quản lý, bảo trì trên các tuyến được tốt hơn, các công trình được kéo dài tuổi thọ phục vụ khai thác hiệu quả và thường xuyên hơn; đồng thời giảm gánh nặng cho quỹ địa phương để có điều kiện bảo trì các tuyến đường địa phương khác. Nhiều hoạt động của ban được ngành và tỉnh đánh giá cao nhờ tranh thủ được nguồn vốn Trung ương đầu tư mà không ít tuyến giao thông được mở rộng thêm mặt đường, nâng cấp thông thoáng, như tuyến QL9 đoạn cảng Cửa Việt đi QL1 được đầu tư gia cố mặt đường bê tông nhựa từ 6m lên 11m bằng nguồn vốn quỹ Trung ương, đã đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân và phương tiện giao thông trong khu vực ngày càng thuận lợi hơn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Cũng như vậy từ nguồn quỹ BTĐB địa phương, tuyến đường Trần Phú qua địa bàn TP. Đông Hà, trước đây chỉ là đường đất cấp phối, sau khi được đầu tư mặt đường bê tông nhựa đã đáp ứng được nguyện vọng Nhân dân, góp phần thay đổi bộ mặt của đô thị. Tuyến ĐT578 nối QL1 tại xã Gio Quang đến đường Hồ Chí Minh dài gần 12km trước đây mặt đường đất cấp phối, sau khi được đầu tư sửa chữa thảm bê tông nhựa với mặt đường rộng 6m đảm bảo cho người và phương tiện lưu thông an toàn…

Nhiều tuyến QL ủy thác, ĐT, đường đô thị, đường huyện, xã được đầu tư nâng cấp, sửa chữa góp phần thay đổi diện mạo hệ thống hạ tầng giao thông toàn tỉnh, đáp ứng nhu cầu đi lại của người và phương tiện tham gia giao thông, hạn chế tai nạn giao thông, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội toàn tỉnh. Tuy nhiên, với Quảng Trị là một tỉnh chịu nhiều tác động xấu từ thiên tai, nên hằng năm nhiều tuyến đường bị hư hỏng, xuống cấp, trong khi đó nguồn vốn bố trí BTĐB chỉ mới đáp ứng khoảng 50% nhu cầu.

Chính vì vậy, hiện nay trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều tuyến đường hư hỏng, xuống cấp nhưng chưa được đầu tư xây dựng. Như tuyến ĐT587 từ thị trấn Khe Sanh, huyện Hướng Hóa đi xã Ba Nang dài 22,5km mới được nhựa hóa 10km, đoạn còn lại chưa được đầu tư nâng cấp, mặt đường đất, cấp phối hư hỏng gây nhiều khó khăn cho người và phương tiện tham gia giao thông, đặc biệt là trong mùa mưa bão… Ban luôn xác định nhiệm vụ tranh thủ tìm kiếm thêm các nguồn vốn đầu tư nâng cấp, sửa chữa và bảo trì đường bộ nhằm đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông trên địa bàn tỉnh.

Tú Linh

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=150406