Nâng cao chất lượng bảo vệ, chăm sóc sức khỏe các đối tượng cần trợ giúp xã hội
UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 02/KH-UBND về nâng cao chất lượng bảo vệ, chăm sóc sức khỏe người có công với cách mạng, người cao tuổi, trẻ em, người khuyết tật và các đối tượng cần trợ giúp xã hội trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2030.
Kế hoạch được chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 (2021-2025), thành phố đặt mục tiêu: Tối thiểu 70% cơ sở nuôi trực thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội bảo đảm đủ điều kiện chăm sóc sức khỏe ban đầu, phục hồi chức năng cho đối tượng; tối thiểu 10% cơ sở thực hiện được ít nhất 80% hoạt động chuyên môn, kỹ thuật của y tế tuyến xã; 100% đối tượng đang được quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng tại các cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công, cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở cai nghiện ma túy được quản lý, theo dõi sức khỏe…
Thành phố cũng sẽ phối hợp triển khai phần mềm quản lý hồ sơ sức khỏe điện tử theo hướng dẫn của ngành Y tế. Từng bước đầu tư, nâng cấp, trang cấp trang thiết bị phục vụ công tác chăm sóc y tế tại các cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công, cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở cai nghiện ma túy trực thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội.
Giai đoạn 2 (2026-2030), thành phố phấn đấu: 100% cơ sở bảo đảm đủ điều kiện chăm sóc sức khỏe ban đầu, phục hồi chức năng cho đối tượng; tối thiểu 30% cơ sở thực hiện được ít nhất 80% hoạt động chuyên môn, kỹ thuật của y tế tuyến xã; duy trì 100% đối tượng đang được quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng tại các cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công, cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở cai nghiện ma túy được quản lý, theo dõi sức khỏe; phối hợp ứng dụng phẩn mềm quản lý hồ sơ sức khỏe điện tử theo hướng dẫn của ngành Y tế; đầu tư, nâng cấp, trang cấp trang thiết bị phục vụ công tác chăm sóc y tế tại các cơ sở trực thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội.
Để hoàn thành các mục tiêu trên, kế hoạch đề ra 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp: Truyền thông nâng cao nhận thức về chăm sóc sức khỏe cho các đối tượng thuộc ngành Lao động - Thương binh và Xã hội; nâng cao chất lượng, đa dạng hóa các hoạt động chăm sóc sức khỏe, chăm sóc y tế; đổi mới, tăng cường năng lực, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đổi mới cơ chế cung cấp dịch vụ, cơ chế tài chính, nguồn lực hỗ trợ cho cơ sở; hỗ trợ nâng cấp, cải tạo cơ sở vật chất của các cơ sở chăm sóc sức khỏe lao động - xã hội.
UBND thành phố cũng giao các sở, ngành liên quan và địa phương thực hiện từng nhiệm vụ cụ thể. Trong đó, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đẩy mạnh truyền thông nâng cao nhận thức; phối hợp tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ, nhân viên làm công tác y tế tại các cơ sở trực thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội; tổ chức thực hiện đầu tư nâng cấp, cải tạo cơ sở vật chất, cung cấp trang thiết bị cho các cơ sở; tổ chức kiểm tra, tống hợp kết quả thực hiện kế hoạch, định kỳ hằng năm, đột xuất (khi có yêu cầu) báo cáo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, UBND thành phố.
Đối với UBND các quận, huyện, thị xã phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ đạo các phòng ban, đơn vị liên quan triển khai thực hiện kế hoạch này.