Nâng cao chất lượng biên soạn và tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
Đánh giá ưu điểm qua 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XII “về tiếp tục tăng cường, nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng” (viết tắt là Chỉ thị số 20-CT/TW), đồng chí Nguyễn Xuân Thắng - Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, kết luận: “Trong bối đất nước và thế giới có nhiều biến động, đặc biệt là diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng đã đạt nhiều kết quả quan trọng. Đến nay, 63/63 Tỉnh ủy, Thành ủy đã ban hành các văn bản triển khai thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW. Công tác sưu tầm tài liệu được đẩy mạnh, một số tỉnh, thành đã thực hiện số hóa tư liệu lịch sử Đảng. Công tác nghiên cứu, biên soạn được tiến hành theo quy trình bài bản, chặt chẽ, bảo đảm phương pháp nghiên cứu chuyên ngành và liên ngành. Đã có hàng nghìn công trình lịch sử Đảng ở các thể loại được xuất bản với chất lượng ngày càng cao. Công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng, lịch sử cách mạng địa phương được đẩy mạnh; hình thức tuyên truyền đa dạng, phong phú, thiết thực, thông qua nhiều hoạt động và được đưa vào các chương trình bồi dưỡng lý luận chính trị và giáo dục phổ thông”.
Đối với tỉnh Đồng Tháp, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, sự hướng dẫn về chuyên môn của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, các cấp ủy, tổ chức đảng đã nghiêm túc triển khai thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW; quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng, lịch sử đảng bộ địa phương đến cán bộ, đảng viên và Nhân dân bằng nhiều hình thức phong phú. Chất lượng các công trình lịch sử được nâng lên, thể hiện được những nét đặc thù riêng của từng địa phương, đơn vị. Các công trình xuất bản có những đóng góp quan trọng vào công tác tuyên truyền, giáo dục, phát huy truyền thống cách mạng cho các thế hệ, nhất là thế hệ trẻ; nâng cao lòng tin yêu của Nhân dân đối với Đảng, góp phần đập tan âm mưu của các thế lực thù địch đã và đang tuyên truyền xuyên tạc lịch sử cách mạng của Đảng ta.
Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW trên địa bàn tỉnh đôi lúc gặp khó khăn, lúng túng. Đội ngũ cán bộ chuyên trách công tác lịch sử Đảng còn thiếu, trình độ chưa đồng đều; các địa phương cấp huyện và cấp xã chủ yếu là cán bộ kiêm nhiệm nên ít có thời gian tiếp cận, tham mưu sâu lĩnh vực lịch sử Đảng. Tư liệu lịch sử địa phương và ngành trong các thời kỳ kháng chiến còn lại rất ít; các nhân chứng sống được xem là nguồn cung cấp tư liệu quan trọng số đông đã qua đời hoặc già yếu, do đó, việc sưu tầm tư liệu và nghiên cứu, biên soạn lịch sử, nhất là giai đoạn chống Pháp gặp rất nhiều khó khăn. Việc triển khai nghiên cứu, biên soạn lịch sử truyền thống các sở, ban, ngành tỉnh và lịch sử đảng bộ một số xã còn chậm...
Tiếp tục phát huy kết quả đạt được và khắc phục hạn chế trong nghiên cứu, biên soạn và tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng (BVNTTT) của Đảng, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng trong toàn tỉnh, nhất là người đứng đầu tiếp tục quán triệt, nâng cao nhận thức về vị trí, tầm quan trọng, phát huy tính chủ động, sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW đảm bảo thiết thực, hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tế. Đây là nhiệm vụ chính trị đặc biệt, trọng tâm, cấp bách và lâu dài, có ý nghĩa to lớn trong công tác chính trị, tư tưởng, lý luận của Đảng và công tác xây dựng Đảng. Chú trọng sử dụng kết quả nghiên cứu lịch sử Đảng, xây dựng các tài liệu tuyên truyền; đa dạng nội dung, hình thức tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng gắn với truyền thông số và BVNTTT của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, xuyên tạc lịch sử Đảng, chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Cương lĩnh, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Phối hợp hiệu quả với cán bộ, giảng viên Trường Chính trị tỉnh, các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh được đào tạo chuyên sâu về lịch sử Đảng tham gia công tác nghiên cứu, biên soạn và tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng tại địa phương, đơn vị.
Các sở, ban, ngành tỉnh tổ chức biên soạn lịch sử truyền thống hoặc biên niên sự kiện lịch sử của đơn vị, ngành và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục đến cán bộ, đảng viên bằng hình thức phù hợp. Các đơn vị cấp huyện đưa công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng vào kế hoạch hoạt động hằng năm; chỉ đạo các ngành cấp huyện và các đảng bộ xã, phường, thị trấn khẩn trương hoàn thành việc biên soạn lịch sử Đảng bộ, lịch sử ngành; tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục và công tác kiểm tra, giám sát; kịp thời biểu dương, khen thưởng tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến. Các huyện ủy, thành ủy lãnh đạo Trung tâm Chính trị cấp huyện thực hiện nghiêm túc Chương trình bồi dưỡng chuyên đề lịch sử Đảng “Đảng ta thật là vĩ đại” cho cán bộ, đảng viên, hội viên ở cơ sở theo Quyết định số 2448-QĐ/BTGTW ngày 26/5/2023 của Ban Tuyên giáo Trung ương.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy giao Trường Chính trị tỉnh nâng cao chất lượng, hiệu quả giảng dạy môn Lịch sử Đảng trong chương trình đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị, kết hợp đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, phản động của các thế lực thù địch về Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, góp phần BVNTTT của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới; phối hợp với các đơn vị, địa phương trong công tác nghiên cứu, biên soạn và tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tập trung thực hiện các đề tài khoa học cấp tỉnh; xây dựng kế hoạch tuyên truyền, giáo dục lịch sử truyền thống và cách mạng giai đoạn 2024 - 2025; tiếp tục phối hợp với Trường Chính trị tỉnh mở các lớp bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng cho cán bộ phụ trách công tác lịch sử các cấp trên địa bàn tỉnh.