Nâng cao chất lượng các loại hình dịch vụ công chứng

Xã hội hóa (XHH) các hoạt động bổ trợ tư pháp là một trong những thành tựu nổi bật của cải cách tư pháp ở Việt Nam những năm qua. Không chỉ góp phần thúc đẩy bảo vệ công lý, bảo vệ an toàn giao dịch cho người dân, thành công của XHH trong lĩnh vực tư pháp khẳng định tính đúng đắn của chủ trương XHH nói chung, góp phần khích lệ cho việc mở rộng XHH các dịch vụ công khác.

Thực hiện thủ tục công chứng cho người dân tại một phòng công chứng ở Hà Nội.Ảnh: NGUYỄN GIA

Thực hiện thủ tục công chứng cho người dân tại một phòng công chứng ở Hà Nội.Ảnh: NGUYỄN GIA

Có thể khẳng định, chủ trương XHH dịch vụ công chứng đã mang lại sự phát triển mạnh mẽ cho hoạt động công chứng ở Việt Nam, chuyển từ công chứng với tư cách là một hoạt động hành chính thành một hoạt động dịch vụ chuyên môn được cung cấp bởi những người hành nghề trong xã hội. Chế định công chứng ở nước ta được kiện toàn và phát triển kể từ khi Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) ban hành Nghị định số 45/HĐBT ngày 27-2-1991 về công chứng nhà nước. Nghị định này, cùng với các văn bản sau đó đều quy định chủ thể hoạt động này (phòng công chứng) phải là cơ quan nhà nước, trong đó các công chứng viên là công chức, hưởng lương từ ngân sách.

Dấu mốc quan trọng đầu tiên về mặt thể chế đối với XHH công chứng chính là Nghị quyết 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp. Thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị, Bộ Tư pháp đã tham mưu giúp Chính phủ trình Quốc hội thông qua Luật Công chứng năm 2006. Một trong những tư tưởng mới, nổi bật nhất của đạo luật này chính là tư tưởng về đổi mới hình thức tổ chức công chứng theo hướng từng bước XHH nhằm phát huy những tiềm năng to lớn của xã hội vào phát triển hệ thống công chứng. Đạo luật này cũng khẳng định công chứng là dịch vụ công và quy định một cách rõ ràng và cụ thể về giá trị pháp lý của văn bản công chứng.

Trên cơ sở Luật Công chứng năm 2006 và các văn bản hướng dẫn, Bộ Tư pháp đã tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 2104/QĐ-TTg ngày 29-12-2012 về việc phê duyệt “Quy hoạch tổng thể phát triển tổ chức hành nghề công chứng đến năm 2020” nhằm thực hiện việc phát triển mạng lưới tổ chức hành nghề công chứng rộng khắp và phân bổ hợp lý gắn với địa bàn dân cư trên toàn quốc, tạo điều kiện tốt nhất cho người dân thực hiện công chứng; thực hiện đẩy mạnh việc XHH hoạt động công chứng gắn liền việc tăng cường việc phát triển các văn phòng công chứng... Trên cơ sở tổng kết việc thực hiện Luật Công chứng năm 2006, Luật Công chứng năm 2014 đã được ban hành ngày 20-6-2014, trong đó tiếp tục con đường XHH đối với hoạt động công chứng.

Từ thực tiễn hoạt động công chứng cũng đã phát sinh một số bất cập, hạn chế. Đó là việc thu phí công chứng và các loại phí dịch vụ hỗ trợ còn tùy tiện, công chứng viên cố tình làm sai lệch giấy tờ, tài liệu, công chứng viên “làm liều”, không tuân thủ đúng thủ tục, việc lưu trữ giấy tờ, hồ sơ chưa hợp lý... Trong khi đó, một số công chứng viên còn yếu về chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng hành nghề. Những bất cập này gây ảnh hưởng đến hình ảnh chung của ngành công chứng và gây ra những nghi ngờ về chủ trương XHH hoạt động công chứng...

Có thể thấy rằng, kể từ thời điểm công chứng chuyển sang hoạt động với tư cách một loại hình dịch vụ, hoạt động công chứng về cơ bản chịu sự chi phối bởi cơ chế thị trường. Cơ chế thị trường là yếu tố tích cực khi tạo ra những động lực cần thiết để thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của các loại hình dịch vụ nói chung và các dịch vụ công XHH nói riêng, thúc đẩy việc nâng cao chất lượng và đa dạng hóa các loại hình dịch vụ công chứng, từ đó tăng cường cơ hội tiếp cận cho người dân. Mặt khác, đối với những dịch vụ mang tính chất công như công chứng, cần có những công cụ điều chỉnh cần thiết để bảo đảm tính chất uy nghiêm của hoạt động công quyền, bảo đảm niềm tin của người dân vào các dịch vụ công và phát huy vai trò của Nhà nước trong việc duy trì trật tự pháp lý.

Việc quản lý hoạt động công chứng không thể dựa hoàn toàn vào cơ chế thị trường mà cần có những biện pháp nhằm bảo đảm tính chất công của hoạt động công chứng: công chứng viên, dù hành nghề tự do nhưng phải là người được Nhà nước bổ nhiệm. Sự bổ nhiệm này phản ánh tính chất của nghề công chứng là thực thi một nhiệm vụ công, được Nhà nước ủy nhiệm. Tiếp theo, cần bảo đảm tính chuyên môn của những người hành nghề công chứng: ngoài việc đào tạo, bồi dưỡng, những kỳ thi để cấp chứng chỉ hành nghề công chứng phải được tổ chức thật sự khắt khe, làm sao để những người vượt qua được kỳ thi này là những người giỏi về chuyên môn, có thể thực hiện thành thạo các nghiệp vụ công chứng.

Cần nâng cao kỷ luật hành nghề công chứng thông qua bộ quy tắc đạo đức nghề nghiệp. Quy tắc đạo đức nghề nghiệp cần được sử dụng như một công cụ quan trọng để quản lý công chứng viên, bên cạnh các quy tắc pháp luật. Quy tắc đạo đức nghề nghiệp không chỉ làm cho công chứng viên ý thức được sâu sắc giá trị xã hội của nghề nghiệp của mình, mà còn là cơ sở để áp dụng các biện pháp xử lý nhằm nâng cao kỷ luật hành nghề và ý thức tuân thủ pháp luật của công chứng viên. Ý thức đạo đức nghề nghiệp cũng cần được đưa vào như một nội dung quan trọng của kỳ thi lấy chứng chỉ hành nghề công chứng viên.

Cần tránh sự cạnh tranh quá mức giữa các tổ chức hành nghề công chứng làm giảm tính uy nghiêm của hoạt động công chứng. Về vấn đề này, Nhà nước có thể sử dụng công cụ quy hoạch, xây dựng quy hoạch công chứng trên cơ sở các điều tra, khảo sát, đánh giá chính xác nhu cầu công chứng tại các địa phương để duy trì cạnh tranh ở mức độ cần thiết nhưng không quá mức. Việc điều chỉnh, bổ sung quy hoạch có thể được thực hiện theo đề xuất của hiệp hội công chứng. Nội dung quan trọng khác là cần có hình thức hỗ trợ phí công chứng và phí dịch vụ hỗ trợ đối với những dịch vụ công chứng cơ bản dành cho những người có hoàn cảnh khó khăn, bảo đảm quyền tiếp cận dịch vụ công chứng đối với mọi người dân.

Tính đến ngày 20-11-2018, cả nước có 1.003 tổ chức hành nghề công chứng, bao gồm 128 phòng công chứng và 875 văn phòng công chứng. Tổng số công chứng viên là 2.420, trong đó 462 công chứng viên hành nghề tại phòng công chứng và 1.958 công chứng viên hành nghề tại văn phòng công chứng...

TS TRẦN THỊ QUANG HỒNG (Viện Khoa học pháp lý)

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/40680002-nang-cao-chat-luong-cac-loai-hinh-dich-vu-cong-chung.html