Nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe bà mẹ-trẻ em vùng cao
Để tiếp tục thu hẹp khoảng cách giữa các vùng miền, từng bước đưa miền núi tiến kịp miền xuôi, Bộ Y tế, ngành y tế các địa phương đang triển khai nhiều chương trình, giải pháp nhằm nâng cao năng lực khám, chữa bệnh, mang dịch vụ y tế chất lượng cao đến gần với người dân, góp phần giảm tỷ lệ tử vong, tai biến ở bà mẹ và trẻ sơ sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Những năm qua, nhờ sự quan tâm, đầu tư của Đảng, Nhà nước, sự nỗ lực của ngành y tế các cấp, công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ-trẻ em, sức khỏe sinh sản ở nước ta đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận. Tuy nhiên, hiện nay tỷ lệ tử vong mẹ, tử vong trẻ em, trẻ suy dinh dưỡng vẫn còn có sự chênh lệch, cách biệt giữa thành thị và nông thôn, giữa đồng bằng và miền núi, giữa các nhóm dân tộc. Đây tiếp tục là những thách thức cho ngành y tế các tỉnh miền núi trong thời gian tới.
Hiệu quả mô hình điểm
Ngồi chờ bên hành lang Đơn nguyên sơ sinh (Bệnh viện đa khoa huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai) để đón cháu ngoại về sau một thời gian điều trị tại đây, chị Lý Thị Sâu (xã Bản Phố, huyện Bắc Hà) cho biết: Khi hay tin cháu bị suy hô hấp và vàng da sau sinh, gia đình tôi vô cùng lo lắng cho sức khỏe và tính mạng của cháu.
Tuy nhiên, khi được các bác sĩ tận tình giải thích về bệnh lý cũng như hướng điều trị, gia đình tôi hoàn toàn an tâm, tin tưởng vào các thầy thuốc và các trang thiết bị tại đây đủ khả năng để điều trị khỏi bệnh cho cháu, mà không phải chuyển lên tuyến như trước đây”. Điều này không chỉ giúp cho người bệnh được điều trị kịp thời, mà còn giúp giảm các chi phí cho người bệnh, vì phần lớn người dân nơi đây là người dân tộc thiểu số, kinh tế còn rất khó khăn.
Theo bác sĩ Cu Seo Xay (dân tộc H’Mông), Đơn nguyên sơ sinh của Bệnh viện đa khoa huyện Bắc Hà được đầu tư đầy đủ các trang thiết bị như: Lồng ấp, đèn chiếu vàng da, máy thở ô-xy, máy thở CPAT... Mặt khác, các y, bác sĩ tại bệnh viện được tham gia các lớp đào tạo, tập huấn về cấp cứu nhi khoa, hồi sức cấp cứu sơ sinh do các chuyên gia đến từ các bệnh viện: Nhi Trung ương, Phụ sản Hải Phòng cho nên gần như tất cả các trẻ sơ sinh bệnh lý, sinh non tháng đều được điều trị kịp thời, không phải chuyển lên tuyến trên.
Kể từ khi có trang thiết bị hiện đại, đội ngũ thầy thuốc nắm chắc các kỹ thuật cho nên nhiều trẻ được sinh ra tại nhà trong tình trạng bị suy hô hấp nặng, hay sinh non khi đưa đến bệnh viện đều được cấp cứu kịp thời và được cứu sống. Hiện nay, tỷ lệ chuyển tuyến rất ít, là những trường hợp điều trị thất bại hoặc gia đình có nguyện vọng chuyển đi.
Giám đốc Bệnh viện đa khoa huyện Bắc Hà Nguyễn Như Tuấn cho biết: Huyện có hơn 84% là người dân tộc thiểu số, vẫn còn tồn tại một số phong tục, tập quán không tốt đối với sức khỏe như tình trạng tảo hôn, sinh đẻ ở tuổi vị thành niên, hôn nhân cận huyết thống đã ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe bà mẹ và trẻ em. Tỷ lệ bà mẹ và trẻ sơ sinh được chăm sóc sau sinh trên địa bàn huyện mới đạt 77,98%; tỷ lệ đẻ tại cơ sở y tế chỉ có 79%; tỷ lệ trẻ được sàng lọc sơ sinh mới đạt 50%... Vì vậy, Bộ Y tế, ngành y tế tỉnh Lào Cai chỉ đạo, hỗ trợ triển khai nhiều hoạt động để nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ-trẻ em, sức khỏe sinh sản cho người dân trên địa bàn.
Cụ thể, Bộ Y tế đã chỉ đạo Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng hỗ trợ và chuyển giao các kỹ thuật theo phương thức “cầm tay, chỉ việc” thuộc các lĩnh vực sinh sản, chăm sóc sản phụ, thai nhi và trẻ sơ sinh. Bên cạnh đó, bệnh viện cũng được đầu tư các trang thiết bị hiện đại như: Máy siêu âm mầu 4D; máy đo nhịp tim thai bằng siêu âm; hệ thống máy soi, đốt tử cung; bồn tắm sơ sinh vô trùng; máy theo dõi bệnh nhân; lồng ấp trẻ sơ sinh, đèn chiếu vàng da; bơm tiêm điện; máy truyền dịch; máy thở CPAT...
Nhờ được đầu tư đồng bộ, bệnh viện hiện đã làm chủ được các kỹ thuật trong lĩnh vực sản khoa và nhi khoa như: Phẫu thuật lấy thai, cắt tử cung, u xơ, nuôi trẻ sơ sinh bằng lồng ấp... Cụ thể, năm 2023, bệnh viện đã khám, điều trị 2.191 lượt người bệnh, trong đó phẫu thuật 223 ca, 532 ca đẻ và điều trị phụ khoa cho 767 lượt người. Ngoài ra, Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng còn phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức chương trình khám, chữa bệnh và cấp thuốc miễn phí cho người dân trên địa bàn huyện Bắc Hà.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Văn Tâm, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng cho biết: Với trách nhiệm được phân công chỉ đạo tuyến trong lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh chuyên ngành sản phụ khoa cho tỉnh Lào Cai, Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng sẵn sàng chuyển giao những kỹ thuật tốt nhất, phù hợp với điều kiện nhân lực cũng như trang thiết bị y tế, mô hình bệnh tật của đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh. Ngoài việc đào tạo trực tiếp, bệnh viện cũng luôn sẵn sàng giúp đỡ đào tạo nhân lực, công nghệ quản lý bệnh viện, hỗ trợ chuyên môn thông qua khám, chữa bệnh từ xa (Telehealth).
Đưa miền núi tiến kịp với miền xuôi
Theo Bộ Y tế, tỷ lệ tử vong mẹ đã giảm hơn năm lần, từ mức 233/100 nghìn trẻ đẻ sống năm 1990 xuống còn 44/100 nghìn trẻ đẻ sống năm 2023; tỷ suất tử vong trẻ em dưới năm tuổi đã giảm gần bốn lần, từ mức 58‰ xuống còn 18,2‰; tỷ suất tử vong trẻ em dưới một tuổi giảm từ 44‰ xuống còn 11,6‰; tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em cũng giảm mạnh từ mức 53% xuống còn 11%...
Ngoài ra, hệ thống khám bệnh, chữa bệnh chuyên ngành sản-nhi đã phát triển mạnh mẽ từ trung ương đến cơ sở; nhiều thành tựu khoa học-kỹ thuật tiên tiến trên thế giới đã được nghiên cứu, ứng dụng để nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ-trẻ em, sức khỏe sinh sản của người dân. Nhờ những thành tựu đạt được, Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế đánh giá là điểm sáng trong việc thực hiện các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ (nay là các Mục tiêu phát triển bền vững về sức khỏe bà mẹ-trẻ em).
Tuy nhiên, thực tế hiện nay, công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ-trẻ em, sức khỏe sinh sản ở nước ta còn gặp không ít khó khăn, thách thức, đó là: Tử vong mẹ, tử vong trẻ em, suy dinh dưỡng trẻ tuy có giảm nhưng còn có sự chênh lệch, cách biệt giữa thành thị và nông thôn, giữa đồng bằng và miền núi, giữa các nhóm dân tộc. Tình trạng tử vong mẹ ở người dân tộc thiểu số cao gấp bảy lần so với người Kinh; tử vong trẻ em, suy dinh dưỡng trẻ em, nhất là suy dinh dưỡng thể thấp còi ở khu vực miền núi dân tộc thiểu số vẫn cao gấp từ hai đến ba lần so với mặt bằng chung của cả nước.
Thứ trưởng Y tế Trần Văn Thuấn cho biết: Nhằm tiếp tục thu hẹp khoảng cách giữa các vùng miền, từng bước đưa miền núi kịp với miền xuôi, Quốc hội, Chính phủ đã phê duyệt, triển khai “Chương trình phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025” trong đó có nhiều mục tiêu quan trọng về sức khỏe, dinh dưỡng cho bà mẹ và trẻ em.
Để hỗ trợ cho các tỉnh miền núi thực hiện thành công các mục tiêu này, ngày 6/12/2023, Bộ trưởng Y tế ban hành Quyết định số 4440/QĐ-BYT phân công phạm vi chỉ đạo tuyến trong lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh chuyên ngành sản phụ khoa. Những hoạt động hỗ trợ, chỉ đạo tuyến đã giúp cho các cơ sở y tế của các tỉnh miền núi nâng cao năng lực khám bệnh, chữa bệnh, mang dịch vụ y tế có chất lượng cao đến gần với người dân, tiếp tục góp phần giảm tử vong, tai biến ở bà mẹ và trẻ sơ sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Để tiếp tục nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe bà mẹ-trẻ em, sức khỏe sinh sản; đồng thời từng bước thu hẹp khoảng cách giữa miền núi với miền xuôi, Bộ Y tế sẽ tiếp tục huy động các nguồn lực hỗ trợ các huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo nâng cấp cơ sở vật chất, bổ sung trang thiết bị, đào tạo nhân lực để tăng cường và nâng cao chất lượng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ-trẻ em, sức khỏe sinh sản; thực hiện gói dịch vụ cấp cứu sản khoa thiết yếu toàn diện tại tuyến huyện; triển khai sổ theo dõi sức khỏe bà mẹ-trẻ em, bao gồm cả phiên bản điện tử. Mặt khác, Bộ Y tế sẽ khởi động lại Đề án bệnh viện vệ tinh, Đề án 1816... trong đó không chỉ riêng các bệnh viện tuyến trung ương tham gia, mà còn huy động các bệnh viện tuyến tỉnh, thành phố phát triển như Hải Phòng, Huế, TP Hồ Chí Minh có thế mạnh về sản-nhi để chung tay, chung sức cùng với các bệnh viện tuyến trung ương sớm lấp đầy khoảng trống về y tế, nhất là tại các vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn.
Ngoài ra, các địa phương cần tiếp tục duy trì công tác kiểm tra, giám sát hỗ trợ các tuyến, bao gồm cả y tế tư nhân. Nội dung kiểm tra cần tập trung vào việc tuân thủ các quy định chuyên môn nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc, cấp cứu sản khoa và sơ sinh; quản lý thai nghén, dinh dưỡng bà mẹ-trẻ em, hỗ trợ sinh sản, an toàn...