Nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cán bộ chiến sĩ CAND

Bệnh viện hạng 1 và y tế cơ sở trong lực lượng Công an nhân dân cần phối hợp, quan tâm hơn nữa việc khám chữa bệnh BHYT cho cán bộ chiến sĩ (CBCS), bảo đảm quyền lợi cho CBCS lên hàng đầu.

Thượng tướng Nguyễn Văn Sơn, Thứ trưởng Bộ Công an, phát biểu tại Hội thảo - Ảnh: VGP/Minh Trang

Đó là chỉ đạo của Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Sơn tại hội thảo "Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác chỉ đạo tuyến của bệnh viện hạng 1 với y tế cơ sở Công an nhân dân và quan hệ phối hợp trong chăm sóc, bảo vệ sức khỏe CBCS khu vực miền Trung" do Bệnh viện 199 (Bộ Công an) tổ chức ngày 21/2.

Hội thảo thu hút 11 đơn vị y tế trong CAND khu vực miền Trung-Tây Nguyên đến tham dự và thảo luận. Theo đó, các đại biểu tập trung đánh giá những kết quả nổi bật, khó khăn của các cơ sở y tế CAND khu vực miền Trung-Tây Nguyên với bệnh viện hạng 1, bệnh xá công an, y tế trại giam. Trong đó, vai trò của Bệnh viện hạng 1 như bệnh viện 199 trong công tác chỉ đạo tuyến chuyên môn, đào tạo, chuyển giao kỹ thuật đối với tuyến y tế cơ sở khu vực miền Trung.

Theo Trung tá, BSCKII Trần Nam Chung, Phó Giám đốc Bệnh viện 199, với vai trò bệnh viện hạng 1 của khu vực miền Trung-Tây Nguyên, năm 2021, đơn vị đã tổ chức khám bệnh BHYT CAND đạt hơn 7.800 lượt; khám sức khỏe định kỳ cho các CBCS trại giam khoảng 500 lượt, khám can phạm nhân khoảng 5.000 lượt; hỗ trợ cho các bệnh viện xã địa bàn và các tỉnh, thành phố miền Trung-Tây Nguyên trong việc cấp phát test nhanh với tổng cộng 156.000 test; Bệnh viện đã tích cực tiêm vaccine COVID-19 cho công an ở Đà Nẵng và phạm nhân và học viên trường giáo dưỡng. Tiêm vaccine lưu động cho người dân Đà Nẵng và các địa phương lân cận. Hỗ trợ xét nghiệm PCR cho các đơn vị công an trên địa bàn Đà Nẵng và Quảng Nam...

Bên cạnh kết quả đạt được, Trung tá, BSCKII Trần Nam Chung nhìn nhận, Bệnh viện 199 và các bệnh viện hạng 1 khác vẫn còn hạn chế trong công tác chỉ đạo tuyến đối với các cơ sở y tế tuyến dưới trực thuộc khối y tế CAND. Cụ thể, hệ thống y tế CAND được thực hiện y tế hóa, sử dụng 100% BHYT đối với CBCS CAND, nhưng các tuyến y tế cơ sở lại chưa đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh bằng BHYT; bệnh viện lại khó khăn trong việc chuyển giao kỹ thuật với tuyến dưới, ảnh hưởng không nhỏ đến công tác chỉ đạo tuyến trong những năm trở lại đây.

Quang cảnh hội thảo - Ảnh: VGP/Minh Trang

Còn thượng tá, BSCKI Niê Thủy Hồng, Giám đốc Bệnh viện Công an tỉnh Đắk Lắk, cho biết đơn vị đã trình cấp trên xem xét chủ trương thành lập cơ sở điều trị bệnh nhân COVID-19 là CBCS, nhân viên, người lao động trong lực lượng công an tỉnh. Từ đó, BS Hồng bày tỏ mong muốn rất cần sự chi viện, giúp đỡ về nhân lực, vật lực và hỗ trợ chuyên môn trong điều trị bệnh nhân COVID-19 từ các bệnh viện hạng 1 như Bệnh viện 199, Bệnh viện 30/4.

Đại diện bệnh viện công an các tỉnh cũng đề nghị bệnh viện hạng 1 nói chung quan tâm tổ chức tập huấn về công tác chuyên môn để điều trị, cấp cứu, hồi sức tích cực cho người bệnh COVID-19 cũng như điều trị các bệnh lý khác. Phối hợp chỉ đạo tuyến trực tuyến từ xa trong công tác chuyên môn khám chữa bệnh, phòng chống dịch cho các bệnh viện tuyến dưới. Đồng thời có số điện thoại đường dây nóng để hỗ trợ nhanh nhất khi cần về công tác chuyên môn cũng như công tác phòng chống dịch.

Đáng chú ý, một số ý kiến đề cập tới việc xây dựng khu điều trị riêng cho can phạm nhân tại các bệnh viện công an để phục vụ cho việc quản lý, bảo vệ không để can phạm nhân trốn, thông cung... cũng như nơi ăn, ở của CBCS trực tại bệnh viện.

Phát biểu tại hội thảo, Thượng tướng Nguyễn Văn Sơn, Thứ trưởng Bộ Công an, đánh giá cao sự đóng góp của các bệnh viện hạng 1 và bệnh viện tuyến cơ sở trong việc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe của lực lượng CBCS, CAND khu vực miền Trung-Tây Nguyên. Thứ trưởng đề nghị các bệnh viện hạng 1 có kế hoạch xây dựng, quy hoạch đội ngũ nhân lực, có thể phối hợp với các trường Đại học Y để hoàn thiện bổ sung nhân lực. Bên cạnh đó, quan tâm hơn nữa việc khám chữa bệnh BHYT cho CBCS, bảo đảm quyền lợi cho CBCS lực lượng CAND lên hàng đầu, gỡ rối các khó khăn trong việc chuyển tuyến từ bệnh xá đến các bệnh viện hạng 1 của ngành qua bệnh viện tỉnh.

"Cốt lõi là đối tượng được thụ hưởng quyền lợi chính sách BHYT là CBCS phải ở mức tốt nhất có thể, phải giải quyết được bài toán đó. Đồng thời, phải đào tạo bài bản, rà soát việc chuyển giao công nghệ trước khi bàn giao máy móc cho các bệnh viện tuyến dưới, tránh tình trạng để máy móc đắp chiếu", Thứ trưởng Nguyễn Văn Sơn lưu ý.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Sơn cũng đề nghị các đơn vị có liên quan tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Đề án phát triển tổng thể hệ thống y tế CAND đến năm 2030; hoàn thành đề án nâng cao năng lực dự phòng, khám chữa bệnh của y tế CAND; tập trung nguồn lực xây dựng, cải tạo cơ sở vật chất, đầu tư trang thiết bị y tế cho các bệnh viện, bệnh xá. Sẵn sàng thiết lập, mở rộng các cơ sở điều trị và chăm sóc trong và hậu COVID-19, triển khai hiệu quả các biện pháp phòng chống dịch đặc thù đối với lực lượng CAND; phối hợp với các đơn vị của Bộ Y tế bảo đảm đủ vaccine tiêm các mũi tăng cường cho CBCS và thân nhân theo khuyến cáo của Bộ Y tế.

Minh Trang

Nguồn Chính Phủ: https://baochinhphu.vn/nang-cao-chat-luong-cham-soc-suc-khoe-can-bo-chien-si-cand-102220221173257599.htm