Nâng cao chất lượng công tác hòa giải ở cơ sở

Những năm qua, công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh thường xuyên được cấp ủy, chính quyền quan tâm chỉ đạo thực hiện có hiệu quả. Thực tế cho thấy, ở đâu làm tốt công tác hòa giải, ở đó ANTT, an toàn xã hội được giữ vững, ổn định, khối đại đoàn kết toàn dân được củng cố và phát huy.

Hòa giải viên thị trấn Mãn Đức (Tân Lạc) nắm bắt thông tin về vụ việc hòa giải ở cơ sở.

Giải quyết vụ việc dứt điểm từ cơ sở

Sau sáp nhập, xã Hợp Phong (Cao Phong) có quy mô dân số tăng, các vụ việc tranh chấp chủ yếu liên quan đến đất đai, nhưng Hợp Phong luôn được đánh giá là địa phương tiêu biểu trong làm tốt công tác hòa giải ngay từ cơ sở. Hiện, xã có 16 tổ hòa giải với trên 140 hòa giải viên, trưởng xóm đồng thời là tổ trưởng tổ hòa giải. Công tác hòa giải ở cơ sở luôn được cấp ủy Đảng, chính quyền xã quan tâm; vụ việc xảy ra ở thôn, xóm được báo kịp thời tới tổ hòa giải, các thành viên tổ hòa giải vào cuộc, tìm hiểu nguyên nhân, tổ chức hòa giải, trường hợp chưa giải quyết được báo cáo lên xã, không để kéo dài, không gây bức xúc trong quần chúng Nhân dân.

Đồng chí Bùi Văn Tấn, cán bộ tư pháp xã Hợp Phong cho biết: Từ nhiều năm qua, vai trò của tổ hòa giải đã phát huy mạnh mẽ, giải quyết được nhiều vụ việc, mâu thuẫn trong Nhân dân, góp phần ổn định tình hình ANTT, giữ gìn mối đoàn kết trong cộng đồng. Nhờ có các tổ hòa giải, số lượng đơn thư khiếu nại, tố cáo trên địa bàn xã hạn chế nhiều. Từ đầu năm đến nay, xã đã giải quyết thành công 10 vụ việc, còn 1 vụ việc đang trong quá trình tìm hiểu, làm rõ.

Khu 7, thị trấn Mãn Đức (Tân Lạc) có 159 hộ, 800 nhân khẩu, người dân chủ yếu làm nông nghiệp, buôn bán nhỏ. Tình hình ANTT trên địa bàn cơ bản ổn định. Song, vẫn có những mâu thuẫn nhỏ phát sinh giữa vợ chồng, hàng xóm. Với sự vào cuộc của tổ hòa giải, nhiều vụ việc được giải quyết ổn thỏa, hợp tình, hợp lý. Bên cạnh đó, tổ hòa giải khu 7 thường xuyên mời cán bộ tư pháp thị trấn về tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho Nhân dân tại cuộc họp khu dân cư. Với mỗi vụ việc hòa giải, các hòa giải viên chuẩn bị đầy đủ hồ sơ vụ việc, ý kiến của mọi người, nguyện vọng của các bên mâu thuẫn, văn bản pháp luật để có phương án hòa giải phù hợp. Nhờ làm tốt công tác này, nhiều năm qua, khu dân cư không có vụ việc lớn xảy ra.

Xác định tầm quan trọng của công tác hòa giải ở cơ sở, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền các cấp thường xuyên quan tâm kiện toàn, củng cố các tổ hòa giải ở cơ sở, nâng cao hiệu quả hoạt động với phương châm giải quyết dứt điểm vụ việc tranh chấp, mâu thuẫn từ cơ sở, không để phát sinh vụ việc phức tạp. Thực hiện đề án "Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2019 - 2022”, các địa phương tiếp tục củng cố, kiện toàn, duy trì hoạt động các tổ hòa giải, nâng cao hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở. Đến nay, toàn tỉnh đã kiện toàn, duy trì 1.482 tổ hòa giải với 10.136 hòa giải viên. 6 tháng đầu năm nay, các tổ hòa giải hòa giải thành 268/393 vụ việc, có 84 vụ việc không hòa giải thành, 41 vụ việc đang trong thời gian hòa giải. Bình quân mỗi khu dân cư có 1 tổ hòa giải, mỗi tổ hòa giải có từ 8 - 10 hòa giải viên là những người có uy tín, kinh nghiệm, có khả năng vận động, thuyết phục, tương đối am hiểu pháp luật trong cộng đồng dân cư. Tổ trưởng tổ hòa giải thường là trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố hoặc bí thư chi bộ; thành viên tổ hòa giải gồm đại diện các hội, đoàn thể: phụ nữ, thanh niên, cựu chiến binh, nông dân… Song song với đó, việc tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng nghiệp vụ hòa giải cho đội ngũ hòa giải viên được thực hiện thường xuyên nhằm nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động hòa giải. Hàng năm, 100% vụ việc mâu thuẫn, xích mích, tranh chấp nhỏ phát sinh trong cộng đồng dân cư đều được tổ hòa giải phát hiện và hòa giải kịp thời, trong đó, tỷ lệ hòa giải thành công chiếm 80 - 90%. Những vụ việc hòa giải không thành đều được chuyển cơ quan có thẩm quyền giải quyết, tránh tình trạng khiếu kiện vượt cấp, kéo dài… Trong quá trình hòa giải, các hòa giải viên lồng ghép tuyên truyền, phổ biến pháp luật, các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nâng cao hiểu biết, ý thức chấp hành pháp luật cho Nhân dân.

Nâng cao chất lượng công tác hòa giải

Hiện nay, hệ thống văn bản pháp luật về hòa giải ở cơ sở tương đối đầy đủ, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác triển khai thi hành. Thực tiễn công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh thời gian qua cho thấy, phát huy tốt vai trò của lực lượng hòa giải viên là điểm mấu chốt giúp "hóa giải” các mâu thuẫn, tranh chấp, xích mích trong cộng đồng dân cư. Bám sát phương châm "giải quyết dứt điểm từ cơ sở”, không để chuyện "bé xé ra to”, công tác hòa giải ở cơ sở đã góp phần làm giảm vụ việc vi phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực dân sự, hôn nhân gia đình, đất đai, hành chính…; đồng thời hạn chế đơn thư khiếu nại vượt cấp.

Tuy nhiên, do sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế thị trường, đất đai trở thành tài sản có giá trị lớn, dẫn tới tình trạng tranh chấp trong lĩnh vực đất đai ngày càng phổ biến, tính chất phức tạp hơn. Điều đó đòi hỏi những người làm công tác hòa giải ở cơ sở phải thường xuyên cập nhật các văn bản pháp luật mới và cần được bồi dưỡng về kỹ năng hòa giải, nhằm hạn chế tối đa những vụ việc hòa giải không thành, phải chuyển lên cấp trên. Mặt khác, công tác hòa giải vẫn còn gặp nhiều khó khăn, số ít địa phương chưa nhận thức hết tầm quan trọng của công tác hòa giải nên thiếu sự quan tâm; đa phần đội ngũ cán bộ làm công tác hòa giải, hòa giải viên thường kiêm nhiệm nhiều công việc khác nhau; việc đầu tư cho công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn của đội ngũ cán bộ hòa giải cơ sở chưa đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn...

Đồng chí Bùi Thị Thúy Bình, Giám đốc Sở Tư pháp cho biết: Có thể thấy, công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh đã khẳng định rõ vị trí, vai trò, ý nghĩa quan trọng trong đời sống xã hội; góp phần tạo sự đồng thuận và tăng cường tình đoàn kết trong cộng đồng dân cư. Thời gian tới, để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác hòa giải cơ sở, ngành chú trọng kiện toàn đội ngũ hòa giải viên theo hướng nâng cao chất lượng; mở thêm nhiều lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ hòa giải cho các hòa giải viên... Từ đó, giúp công tác hòa giải ở cơ sở thực sự đi vào chiều sâu, vừa góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của người dân, góp phần tạo sự đồng thuận, tăng cường tình đoàn kết trong cộng đồng dân cư, giữ ổn định tình hình ANTT trên địa bàn.

Box:

Theo Điều 2, Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013, hòa giải ở cơ sở là việc hòa giải viên hướng dẫn, giúp đỡ các bên tranh chấp đạt được thỏa thuận, tự nguyện giải quyết với nhau những vi phạm pháp luật. Mục đích của hòa giải ở cơ sở là giữ gìn đoàn kết, giải quyết tranh chấp nhỏ trong nội bộ Nhân dân, củng cố, phát huy những tình cảm, đạo lý truyền thống tốt đẹp trong gia đình và cộng đồng dân cư, phòng ngừa, hạn chế vi phạm pháp luật, bảo đảm trật tự an toàn xã hội ở địa phương.

Đinh Thắng

Công tác hòa giải ở cơ sở góp phần ổn định an ninh trật tự

Bùi Thị Minh Phượng

Trưởng Phòng Phổ biến giáo dục pháp luật (Sở Tư pháp)

Trong thời gian qua, hoạt động hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh từng bước được nâng cao về chất lượng, tổ chức, hoạt động ngày một đi vào nền nếp; đội ngũ hòa giải viên luôn nhiệt tình, tâm huyết, trách nhiệm và tự nguyện, huy động được sự tham gia của những người có uy tín, kinh nghiệm, kiến thức pháp luật, kỹ năng, nghiệp vụ hòa giải.

Thông qua hoạt động hòa giải đã góp phần duy trì, củng cố sự đoàn kết trong nội bộ Nhân dân, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, phát huy đạo lý, truyền thống tốt đẹp của dân tộc, nâng cao ý thức tôn trọng pháp luật, sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật trong cộng đồng dân cư, hạn chế đơn thư khiếu kiện.

Tuy nhiên, vẫn còn một số địa phương chưa quan tâm, tạo điều kiện thực hiện tốt công tác hòa giải ở cơ sở. Vì vậy, thời gian tới cần tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác hòa giải đối với đời sống xã hội. Tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự phối hợp với MTTQ và các tổ chức đoàn thể để phát huy hơn nữa hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở, góp phần đảm bảo trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Tích cực tuyên truyền, phổ biến pháp luật về hòa giải

Nguyễn Văn Năm

Trưởng Phòng Tư pháp huyện Lương Sơn

Thời gian qua, huyện Lương Sơn đẩy mạnh công tác phổ biến, tuyên truyền Luật Hòa giải ở cơ sở bằng nhiều hình thức như: Tổ chức hội nghị, bồi dưỡng, tập huấn kiến thức pháp luật; lồng ghép với tuyên truyền văn bản pháp luật khác, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng... Từ đó giúp cán bộ, Nhân dân hiểu thêm về vai trò, ý nghĩa của công tác hòa giải, tạo ý thức tôn trọng pháp luật, tăng cường sự đoàn kết, giúp đỡ nhau trong cuộc sống.

Bên cạnh đó, việc tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng nghiệp vụ hòa giải cho đội ngũ hòa giải viên được quan tâm nhằm nâng cao chất lượng hoạt động hòa giải. Hàng năm, Phòng Tư pháp huyện phối hợp các cấp, các ngành tổ chức hội nghị bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng hòa giải ở cơ sở cho các tuyên truyền viên, hòa giải viên. Đồng thời, kịp thời biểu dương, khen thưởng hòa giải viên tích cực, nhiệt tình, trách nhiệm, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ. Nhờ vậy, hoạt động hòa giải ở cơ sở ngày càng đi vào nề nếp, từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả, đúng quy định của pháp luật.

Phát huy vai trò của tổ hòa giải

Hà Thị Tập

Cán bộ Tư pháp xã Bao La (Mai Châu)

Trên địa bàn xã hiện có 10 tổ hòa giải với 70 hòa giải viên. Thực tế thời gian qua cho thấy, việc phát huy tốt vai trò của lực lượng hòa giải viên cơ sở là yếu tố tiên quyết giúp hóa giải các mâu thuẫn, tranh chấp, hay những xích mích trong các mối quan hệ tại cộng đồng dân cư, góp phần làm giảm các vụ vi phạm pháp luật liên quan đến những lĩnh vực dân sự, hôn nhân gia đình, đất đai, hành chính...; hạn chế đơn thư khiếu nại vượt cấp.

Để công tác hòa giải ở cơ sở đạt hiệu quả thiết thực, cán bộ tư pháp phối hợp MTTQ, các ban, ngành, đoàn thể xã thường xuyên kiểm tra, đôn đốc hoạt động của các tổ hòa giải; theo dõi, thống kê các vụ việc để tổ chức hòa giải; kịp thời biểu dương các tổ, hòa giải viên có cách làm hay để nhân rộng. Khi có vụ việc xảy ra, các tổ hòa giải họp bàn, đưa ra giải pháp xử lý hiệu quả nhất; hướng dẫn, giúp đỡ các bên tự nguyện giải quyết với nhau, không để mâu thuẫn phát sinh, gây ảnh hưởng đến trật tự xã hội; phát huy vai trò của những cá nhân có uy tín, chuyên môn, nhiều kinh nghiệm tham gia hòa giải...

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/217/156640/nang-cao-chat-luong-cong-tac-hoa-giai-o-co-so.htm