Nâng cao chất lượng công tác khuyến nông
Trong những năm qua, ngành nông nghiệp đạt được nhiều thành tựu to lớn và khẳng định được vai trò là trụ đỡ của nền kinh tế.
Tốc độ tăng trưởng ngành đạt 2,94%/năm và chất lượng tăng trưởng ngày càng được cải thiện, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia, góp phần đưa Việt Nam trở thành một trong những cường quốc về xuất khẩu nông sản trên thế giới. Thành công này có sự đóng góp không nhỏ của hệ thống khuyến nông từ trung ương tới cơ sở. Hệ thống khuyến nông đã trở thành cầu nối giữa Nhà nước, cơ quan nghiên cứu khoa học với hộ nông dân và thị trường; là hệ thống tư vấn, phổ biến kiến thức, các chủ trương, chính sách của Ðảng, Nhà nước; cung cấp thông tin, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật công nghệ, kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh cho nông dân, mở ra cơ hội mới, tạo dựng giá trị bền vững cho nông nghiệp, nông gia.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, công tác khuyến nông hiện đang gặp những khó khăn, thách thức gây nên tình trạng "đứt gãy" hệ thống khuyến nông, làm hệ thống suy yếu và thiếu tính liên kết bền vững; công tác khuyến nông còn nặng về chuyển giao kỹ thuật, chưa chú trọng đến các yếu tố về kinh tế, thị trường, liên kết theo chuỗi giá trị, quản lý chất lượng, truy xuất nguồn gốc, bảo vệ môi trường, cải thiện nếp sống nông thôn và nâng cao năng lực cho người nông dân, cho cộng đồng. Nguồn lực đầu tư cho hoạt động khuyến nông ở cả trung ương và địa phương còn hạn chế, chưa tương xứng với mục tiêu, vai trò. Cơ chế chính sách hoạt động khuyến nông còn chưa đồng bộ và nặng về thủ tục hành chính, làm ảnh hưởng đến kết quả và hiệu quả hoạt động. Trong khi đó năng lực của một bộ phận cán bộ khuyến nông còn hạn chế, đặc biệt thiếu các kiến thức, kỹ năng quản lý, quản trị, kinh tế, chuyển đổi số…
Ðể thực hiện Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Chính phủ phê duyệt, toàn ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đang thực hiện chủ trương chuyển đổi tư duy "sản xuất nông nghiệp" sang tư duy "kinh tế nông nghiệp", xây dựng nền "nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh" hướng đến các mục tiêu về phát triển bền vững.
Do đó, hệ thống khuyến nông phải đổi mới nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác khuyến nông. Trước hết, công tác khuyến nông cần thực hiện đồng bộ và phù hợp với định hướng của Nghị quyết Ðại hội XIII của Ðảng và Quyết định số 255/QÐ-TTg ngày 25/2/2021 của Thủ tướng Chính phủ về kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025.
Muốn vậy cần củng cố, kiện toàn hệ thống tổ chức khuyến nông các cấp từ trung ương đến địa phương theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Trong đó, đặc biệt chú trọng kiện toàn hệ thống khuyến nông cơ sở theo mô hình tổ khuyến nông cộng đồng nhằm đẩy mạnh hoạt động tư vấn, dịch vụ khuyến nông đáp ứng nhu cầu của thực tiễn sản xuất. Ðẩy mạnh xã hội hóa dịch vụ khuyến nông, khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động khuyến nông, phát triển các hình thức hợp tác công-tư để thu hút, huy động các nguồn nhân lực, vật lực, kết hợp với kinh phí đầu tư từ ngân sách nhà nước cho các chương trình, dự án khuyến nông trọng điểm, đặc biệt cho sản xuất vùng nguyên liệu, vùng sản xuất hàng hóa tập trung và xóa đói, giảm nghèo.
Bên cạnh đó, cần chủ động, tích cực trong các hoạt động hợp tác quốc tế và hợp tác công-tư về khuyến nông. Nhất là thu hút nguồn lực, kinh nghiệm và đẩy mạnh hợp tác, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, công nghệ tiên tiến từ nước ngoài áp dụng vào Việt Nam. Cũng như nâng cao năng lực, trình độ cho người làm công tác khuyến nông thông qua các chương trình hợp tác quốc tế và vận động tài trợ, đề xuất và triển khai các dự án hỗ trợ kỹ thuật của nước ngoài, của tổ chức quốc tế trong hoạt động khuyến nông.
Tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị nguồn lực nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số, ưu tiên các hoạt động thông tin truyền thông, đào tạo huấn luyện khuyến nông có phạm vi ảnh hưởng, tác động rộng tới sản xuất. Bảo đảm thông tin thường xuyên, liên tục theo chuỗi giá trị sản phẩm, gắn với các mô hình, dự án khuyến nông, có địa chỉ cụ thể, được chia sẻ, kết nối liên thông trong hệ thống khuyến nông từ trung ương đến địa phương và giữa hệ thống khuyến nông với các phương tiện truyền thông đại chúng để người dân dễ dàng tiếp cận, nhất là nông dân ở các vùng sâu, vùng xa góp phần cải thiện tập quán canh tác, nâng cao năng lực sản xuất cho người nông dân, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng phát triển sản xuất hàng hóa đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu, gắn với xây dựng nông thôn mới.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/cung-suy-ngam/nang-cao-chat-luong-cong-tac-khuyen-nong-695950/