Nâng cao chất lượng công tác kiểm sát trong lĩnh vực dân sự, hành chính

Thủ trưởng các đơn vị thuộc VKSND tối cao, Viện trưởng VKSND cấp cao, cấp tỉnh phải nhận thức đúng vị trí, vai trò, nhiệm vụ, quyền hạn của VKSND trong công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính, vụ việc dân sự, kiểm sát thi hành án hành chính, công tác giải quyết, khiếu nại, tố cáo trong tố tụng hành chính.

Triển khai, thực hiện nghiêm Luật TTHC năm 2015

VKSND tối cao vừa ban hành Thông báo số 899/TB-VKSTC thông báo Kết luận chỉ đạo của Viện trưởng VKSND tối cao tại Hội nghị sơ kết 3 năm thi hành Luật Tố tụng hành chính năm 2015 (Luật TTHC 2015) và tập huấn nghiệp vụ công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính, vụ việc dân sự năm 2019 để Thủ trưởng các đơn vị thuộc VKSND tối cao, Viện trưởng VKSND cấp cao, cấp tỉnh biết, thực hiện nghiêm, hiệu quả.

Thông báo Kết luận nêu: Ngày 18/10/2019, VKSND tối cao tổ chức Hội nghị sơ kết 3 năm thi hành Luật TTHC năm 2015 và tập huấn nghiệp vụ công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính, vụ việc dân sự năm 2019. Tại Hội nghị, sau khi nghe các báo cáo, tham luận, ý kiến phát biểu của đồng chí Phó Viện trưởng VKSND tối cao; Viện trưởng VKSND tối cao đã đánh giá cao và biểu dương sự nỗ lực, cố gắng của Vụ Kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính, vụ việc kinh doanh, thương mại, lao động và những việc khác theo quy định của pháp luật (Vụ 10) trong việc chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu cho lãnh đạo VKSND tối cao tổ chức tốt Hội nghị, góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng công tác kiểm sát hoạt động tư pháp trong lĩnh vực hành chính, dân sự của Ngành.

Toàn cảnh Hội nghị sơ kết 3 năm thi hành Luật Tố tụng hành chính năm 2015 trong ngành KSND

Toàn cảnh Hội nghị sơ kết 3 năm thi hành Luật Tố tụng hành chính năm 2015 trong ngành KSND

Trong 3 năm qua, toàn Ngành đã triển khai, thực hiện nghiêm Luật TTHC năm 2015 và đạt những kết quả tích cực. Tuy nhiên, việc thi hành Luật TTHC năm 2015 trong Ngành còn một số hạn chế, tồn tại, như: Nhiều bản án hành chính bị TAND cấp trên hủy, sửa có lỗi của Kiểm sát viên; chất lượng bài phát biểu của Kiểm sát viên tại nhiều phiên tòa chưa cao; Kiểm sát viên tham gia gần 100% phiên tòa hành chính nhưng ít phát hiện được những vi phạm để kháng nghị, kiến nghị; nhiều trường hợp chậm thi hành án hành chính nhưng Kiểm sát viên không ban hành yêu cầu, kiến nghị...

Chú trọng thực hiện các biện pháp nhằm nâng cao kỹ năng kiểm sát

Để phát huy, nhân rộng những ưu điểm, khắc phục những tồn tại, hạn chế qua 3 năm thi hành Luật TTHC năm 2015, bảo đảm thực hiện tốt công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính, vụ việc dân sự trong thời gian tới, Viện trưởng VKSND tối cao yêu cầu:

Thủ trưởng các đơn vị thuộc VKSND tối cao, Viện trưởng VKSND cấp cao, cấp tỉnh phải nhận thức đúng vị trí, vai trò, nhiệm vụ, quyền hạn của VKSND trong công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính, vụ việc dân sự, kiểm sát thi hành án hành chính, công tác giải quyết, khiếu nại, tố cáo trong tố tụng hành chính.

Thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật, các quy định và các hướng dẫn của VKSND tối cao về công tác này. Tập trung thực hiện tốt Công văn số 3882/VKSTC-V14 ngày 27/8/2019 của VKSND tối cao về việc nâng cao chất lượng công tác kiểm sát việc giải quyết vụ án hành chính, thi hành án hành chính trong Ngành.

Viện trưởng VKSND cấp cao, VKSND cấp tỉnh: Xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể để thực hiện nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ công chức thực hiện công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính, vụ việc dân sự ở cấp mình thông qua việc tuyển chọn, tập huấn, đào tạo và tự đào tạo và có cơ chế khuyến khích động viên kịp thời những đơn vị, cá nhân hoàn thành tốt nhiệm vụ, ưu tiên bổ nhiệm chức danh tư pháp, chức vụ lãnh đạo, quản lý đối với công chức công tác trong lĩnh vực này khi có đủ tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm như đối tượng khác.

Tiếp tục quán triệt, yêu cầu công chức làm công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính, vụ việc dân sự tại VKSND cấp mình phải nắm chắc các quy định của Luật TTHC năm 2015, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, Luật Thi hành án dân sự năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2014), Luật Tổ chức VKSND năm 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành, nhất là các quy định mới về nhiệm vụ, quyền hạn của VKSND, để chủ động thực hiện; thực hiện đúng các quy định, chỉ thị của Viện trưởng VKSND tối cao và các văn bản hướng dẫn nghiệp vụ của Ngành.

Bố trí Kiểm sát viên tham gia 100% phiên tòa giải quyết các vụ án hành chính; Viện trưởng phải trực tiếp nghe báo cáo và cho ý kiến chỉ đạo về nội dung phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên tòa, nhất là đối với các vụ án có liên quan đến quyết định hành chính, hành vi hành chính của UBND, Chủ tịch UBND trong lĩnh vực quản lý nhà nước về đất đai. Chú trọng thực hiện các biện pháp nhằm nâng cao kỹ năng kiểm sát phát hiện vi phạm trong bản án, quyết định của Tòa án để thực hiện quyền kiến nghị, kháng nghị, nâng cao số lượng, chất lượng kiến nghị, kháng nghị; kịp thời, phát hiện, ban hành kiến nghị để đẩy nhanh tiến độ thi hành án hành chính.

Xây dựng các chuyên đề nghiệp vụ chuyên sâu về kỹ năng xây dựng bài phát biểu, kỹ năng phát hiện vi phạm trong bản án, quyết định của Tòa án để tổ chức hội nghị phổ biến, trao đổi. Nắm kịp thời, đầy đủ các bản án, quyết định của Tòa án khác quan điểm của Viện kiểm sát để có biện pháp chỉ đạo phù hợp. Định kỳ, tổ chức kiểm tra đánh giá chất lượng báo cáo đề xuất, bài phát biểu của Kiểm sát viên và công tác lập hồ sơ kiểm sát để chấn chỉnh, rút kinh nghiệm chung. Hạn chế đến mức thấp nhất các bản án, quyết định bị hủy, sửa có lỗi của Viện kiểm sát.

 Viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí phát biểu kết luận, chỉ đạo tại Hội nghị sơ kết 3 năm thi hành Luật Tố tụng hành chính năm 2015 trong ngành KSND

Viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí phát biểu kết luận, chỉ đạo tại Hội nghị sơ kết 3 năm thi hành Luật Tố tụng hành chính năm 2015 trong ngành KSND

Tăng cường tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm; kịp thời tổng hợp, ban hành kiến nghị đối với những trường hợp người bị kiện trong vụ án hành chính là UBND, Chủ tịch UBND các cấp không tham gia đối thoại, không tham dự phiên tòa; kiểm sát chặt chẽ thủ tục đối thoại trong tố tụng hành chính, thủ tục hòa giải trong tố tụng dân sự. Tranh thủ sự lãnh đạo của cấp ủy, tăng cường mối quan hệ phối hợp với Tòa án, chính quyền và các cơ quan quản lý nhà nước về đất đai ở địa phương trong việc giải quyết các vụ án hành chính, đảm bảo đúng quy định của pháp luật và phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị tại địa phương.

Thường xuyên tổng hợp khó khăn, vướng mắc trong công tác này báo cáo thỉnh thị hoặc đề nghị VKSND cấp trên giải đáp, hướng dẫn kịp thời.

Cụ thể nhiệm vụ của các đơn vị

Đối với Vụ trưởng Vụ 10: Hoàn thiện, ban hành 2 báo cáo sơ kết 3 năm về thi hành Luật TTHC năm 2015 và công tác kiểm sát giải quyết các vụ án hành chính liên quan đến quản lý nhà nước về đất đai.

Chủ trì tham mưu xây dựng Kế hoạch tổ chức Hội nghị trực tuyến tập huấn pháp luật về đất đai cho toàn Ngành trong năm 2020.

Tổ chức Hội nghị tập huấn, trao đổi chuyên sâu về kỹ năng nghiệp vụ, kinh nghiệm công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính, vụ việc kinh doanh, thương mại, lao động và những việc khác theo quy định của pháp luật trong toàn Ngành trong năm 2020 (bằng hình thức trực tiếp), tập trung vào nội dung kỹ năng, kinh nghiệm công tác kiểm sát giải quyết các vụ án hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước về đất đai.

Chủ trì, phối hợp với Vụ 14, VKSND cấp cao, cấp tỉnh tổng hợp các giải pháp hay nhằm nâng cao chất lượng công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính, như tại VKSND các tỉnh: Quảng Ninh, Bình Dương... để phổ biến trong toàn Ngành.

Chủ trì, phối hợp với Văn phòng VKSND tối cao tham mưu Viện trưởng VKSND tối cao quyết định ban hành Kế hoạch kiểm tra chuyên sâu về công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính trong năm 2020.

Chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan thuộc VKSND tối cao tham mưu Viện trưởng VKSND tối cao kiến nghị Chính phủ chỉ đạo UBND các cấp trong việc tham gia tố tụng, cung cấp chứng cứ theo yêu cầu của Tòa án, Viện kiểm sát và Cơ quan Thi hành án hành chính.

Vụ 9, Vụ 10 phối hợp với Vụ 14 hoàn thiện, ban hành văn bản giải đáp những vướng mắc, trả lời những thỉnh thị, kiến nghị về công tác nghiệp vụ của VKSND cấp tỉnh tại Hội nghị này trong phạm vi trách nhiệm của mình theo đúng quy định.

Vụ 14 chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan thuộc VKSND tối cao khẩn trương ban hành chính thức văn bản giải đáp nghiệp vụ; phối hợp chặt chẽ với VKSND cấp cao, cấp tỉnh rà soát, tổng hợp vướng mắc về Luật TTHC năm 2015, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, Luật Thi hành án dân sự năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2014), Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành để tham mưu cho Viện trưởng VKSND tối cao báo cáo, kiến nghị Quốc hội sửa đổi luật; đồng thời, phối hợp giải đáp kịp thời những vướng mắc trong việc nhận thức và áp dụng pháp luật của toàn Ngành.

Vụ 15 chủ trì, phối hợp với Vụ 9, Vụ 10, Vụ 11 và VKSND cấp cao, cấp tỉnh nghiên cứu, xây dựng quy định về một số cơ chế đặc thù trong công tác tổ chức cán bộ, gồm chính sách đãi ngộ riêng cho công chức làm công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính, vụ việc dân sự, thi hành án hành chính trong toàn Ngành; đưa nội dung này vào Chỉ thị về công tác năm 2020 của ngành KSND.

Trường Đại học kiểm sát Hà Nội và Trường Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát tại TP Hồ Chí Minh có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với Vụ 9, Vụ 10, Vụ 11, Vụ 14, Vụ 15 xây dựng, thực hiện kế hoạch, chương trình đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu về nghiệp vụ kiểm sát việc giải quyết và thi hành án hành chính, dân sự trong toàn Ngành.

Vụ 16 quan tâm, kịp thời đề nghị khen thưởng (định kỳ, đột xuất) đối với những đơn vị, cá nhân có thành tích trong công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính, thi hành án hành chính, vụ việc dân sự.

P.V

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/kiem-sat-24h/ban-tin-kiem-sat/nang-cao-chat-luong-cong-tac-kiem-sat-trong-linh-vuc-dan-su-hanh-chinh-79112.html