Nâng cao chất lượng công tác thư ký tổng hợp phục vụ kỳ họp Quốc hội
Tham luận của VỤ TRƯỞNG VỤ TỔNG HỢP PHAN THỊ THÙY LINH tại Hội thảo và Giao lưu công tác lần thứ 11 giữa Văn phòng Quốc hội Việt Nam và Ban Thư ký Quốc hội Lào.
Từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV đến nay, các kỳ họp của Quốc hội Việt Nam đã diễn ra thành công với tinh thần đổi mới, dân chủ, đoàn kết, trách nhiệm, đúng quy định của pháp luật, đáp ứng yêu cầu thực tế cuộc sống và nguyện vọng của Nhân dân. Đóng góp vào thành công chung đó có vai trò quan trọng của công tác thư ký tổng hợp phục vụ kỳ họp.
Tham mưu, phục vụ xây dựng dự kiến chương trình kỳ họp khoa học, phù hợp
Theo quy định tại Điều 98 Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014, sửa đổi, bổ sung năm 2020, Tổng Thư ký Quốc hội có nhiệm vụ tham mưu, phục vụ hoạt động cho Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại biểu Quốc hội. Giúp việc cho Tổng Thư ký Quốc hội là Ban Thư ký.
Căn cứ quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Tổng Thư ký Quốc hội và tình hình triển khai nhiệm vụ thực tế, có thể xác định công tác thư ký tổng hợp phục vụ kỳ họp Quốc hội gồm các nhiệm vụ như: tham mưu tổng hợp về quy trình, thủ tục tiến hành kỳ họp Quốc hội; tham mưu, phục vụ việc xây dựng chương trình kỳ họp Quốc hội; tham mưu, phục vụ việc xây dựng Nghị quyết về một số nội dung tại kỳ họp (nếu được giao); tham mưu xây dựng dự thảo phát biểu khai mạc kỳ họp, phát biểu bế mạc kỳ họp Quốc hội; tổ chức nghiệp vụ thư ký tại kỳ họp Quốc hội; tập hợp, tổng hợp ý kiến của đại biểu Quốc hội tại kỳ họp Quốc hội; ký biên bản kỳ họp; là người phát ngôn của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tổ chức công tác cung cấp thông tin, báo chí, xuất bản, thư viện, bảo tàng, ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ hoạt động của Quốc hội; cung cấp những tài liệu tham khảo phục vụ đại biểu Quốc hội tại kỳ họp… và thực hiện nhiệm vụ khác do Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao.
Thời gian qua, chương trình kỳ họp được tham mưu chuẩn bị công phu, bố trí khoa học, phù hợp với tình hình thực tế, tính chất, yêu cầu của từng nội dung, các nội dung được sắp xếp hợp lý hơn, sát với diễn biến thực tế, góp phần sử dụng hiệu quả thời gian kỳ họp, giải quyết khối lượng công việc lớn, phức tạp và bảo đảm nguyên tắc làm việc theo chế độ hội nghị, quyết định theo đa số. Bên cạnh đó, chương trình được tham mưu cải tiến một cách khoa học, phù hợp, nhờ đó, thời gian tiến hành kỳ họp được rút ngắn nhưng vẫn bảo đảm chất lượng, hiệu quả, đáp ứng được nguyện vọng của cử tri cả nước.
Trong giai đoạn Covid-19 bùng phát mạnh, đã tham mưu xây dựng chương trình Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội Khóa XV theo hướng tận dụng tối đa thời gian (làm việc ngoài giờ, ngày nghỉ), rút ngắn thời gian kỳ họp 8 ngày so với dự kiến để vừa bảo đảm yêu cầu phòng, chống dịch, vừa hoàn thành nội dung đề ra; tham mưu chương trình khác với thông lệ kỳ họp thứ nhất các khóa theo hướng xem xét, quyết định cả nội dung công tác tổ chức - nhân sự và tổng thể các kế hoạch, chương trình trung hạn 5 năm, có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của đất nước, tạo điều kiện để Chính phủ, các cơ quan, các ngành, các cấp, các địa phương sớm chủ động triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội cũng như Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Tham mưu xây dựng chương trình Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội Khóa XV theo hướng tổ chức kết hợp giữa họp trực tiếp và trực tuyến để phù hợp với tình hình thực tế; tham mưu tổ chức Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất, Quốc hội Khóa XV - kỳ họp bất thường đầu tiên trong lịch sử 76 năm Quốc hội Việt Nam với các quyết sách quan trọng phục vụ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng yêu cầu cấp thiết của đất nước, của doanh nghiệp, sinh kế và đời sống của Nhân dân.
Tăng tính chủ động cho Chính phủ
Trong các kỳ họp gần đây, Tổng Thư ký Quốc hội đã tham mưu, phục vụ Quốc hội xem xét, thông qua Nghị quyết chung của kỳ họp. Đây là điểm mới góp phần nâng cao tính pháp lý của nhiều nội dung đã được Quốc hội xem xét, quyết định, là căn cứ quan trọng để Chính phủ và các cơ quan hữu quan triển khai một số nhiệm vụ Quốc hội giao, kịp thời đáp ứng yêu cầu giải quyết một số vấn đề cấp bách mà thực tiễn đặt ra. Đặc biệt, đã chủ động tham mưu đề xuất bổ sung vào Nghị quyết chung của Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội Khóa XV những biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 nhằm tạo cơ sở pháp lý, tăng tính chủ động cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các địa phương, kịp thời đáp ứng công tác lãnh đạo, chỉ đạo phòng, chống dịch.
Ứng dụng công nghệ vào tổng hợp ý kiến đại biểu Quốc hội
Công tác tập hợp, tổng hợp ý kiến các đại biểu Quốc hội tại kỳ họp Quốc hội ngày càng được quan tâm, ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ (như: phần mềm nhận diện giọng nói thành văn bản). Đặc biệt, từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV đến nay, việc thành lập Nhóm công chức “nòng cốt”, “tinh nhuệ” cùng sự đổi mới cách thức triển khai đã giúp công tác tập hợp, tổng hợp ý kiến đại biểu Quốc hội triển khai rất nhanh, chuyên nghiệp, đầy đủ, trung thực, chính xác, báo cáo tổng hợp đạt chất lượng cao, gửi đến đại biểu Quốc hội ngay sau các phiên thảo luận, được Lãnh đạo Quốc hội, đại biểu Quốc hội ghi nhận, đánh giá cao, qua đó, góp phần đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội Việt Nam nói chung và chất lượng kỳ họp Quốc hội nói riêng.
Cải tiến, đổi mới các quy trình, thủ tục tại kỳ họp
Thời gian qua, nhiều quy trình, cách thức tiến hành được tham mưu sửa đổi phù hợp hơn, đi vào thực chất, giảm tính hình thức, góp phần từng bước chuyển từ “Quốc hội tham luận” sang “Quốc hội thảo luận và tranh luận”. Trong đó, việc giải trình trực tiếp tại các phiên họp, đăng ký tranh luận, “hỏi nhanh, đáp gọn”,… mang lại hiệu quả tích cực, tạo không khí sôi động, hấp dẫn cho các phiên họp, tăng tính phản biện, nâng cao chất lượng thảo luận, chất vấn và trả lời chất vấn, bảo đảm quyết định của Quốc hội được xem xét dân chủ, công khai, toàn diện, nhiều chiều, bám sát thực tiễn, có tính khả thi. Các đề xuất đổi mới cách thức tổ chức Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội Khóa XV theo hình thức trực tuyến như: Chia tổ thảo luận cả ở Nhà Quốc hội và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, thử nghiệm biểu quyết điện tử, bố trí thảo luận tổ, tổng hợp kết quả thảo luận tổ… đem lại hiệu quả cao. Tại Kỳ họp thứ Ba, Quốc hội Khóa XV, đã tham mưu tăng thêm thời lượng truyền hình trực tiếp trên sóng của Truyền hình Quốc hội Việt Nam nhiều phiên thảo luận tại Hội trường để hoạt động của Quốc hội ngày càng công khai, minh bạch hơn, gần gũi với cử tri và Nhân dân, qua đó cũng tạo điều kiện thuận lợi để Nhân dân và cử tri giám sát các hoạt động của Quốc hội; đồng thời, đề xuất việc mời đại diện Thường trực Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố về dự phiên giám sát tối cao của Quốc hội nhằm tăng cường mối quan hệ gắn bó, phối hợp, chia sẻ kinh nghiệm hoạt động với cơ quan dân cử ở địa phương.
Thực hiện Chương trình hành động của Đảng đoàn Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội đã tham mưu xây dựng trình Đảng đoàn Quốc hội về Đề án đổi mới kỳ họp; đang hoàn thiện hồ sơ, thủ tục để trình Quốc hội xem xét sửa đổi Nội quy kỳ họp Quốc hội năm 2015, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét sửa đổi Quy chế làm việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; đồng thời nghiên cứu đổi mới tổ chức và hoạt động của Ban Thư ký.
Nâng cao tính chuyên nghiệp, chuyên môn sâu trong công tác tham mưu, phục vụ
Để tiếp tục nâng cao chất lượng công tác thư ký tổng hợp phục vụ kỳ họp, bảo đảm ngày càng chuyên nghiệp, hiệu quả hơn, Vụ Tổng hợp xin kiến nghị một số giải pháp sau:
Tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của Ban Thư ký để ngày càng hoàn thành tốt nhiệm vụ tham mưu, giúp việc, góp phần đáng kể vào kết quả hoạt động của Tổng Thư ký Quốc hội.
Điểm đặc thù của Ban Thư ký Quốc hội Việt Nam – cơ quan giúp việc cho Tổng Thư ký Quốc hội là được tổ chức theo mô hình kiêm nhiệm, nhằm góp phần bảo đảm bộ máy tinh gọn. Tuy nhiên, trên thực tế giúp việc cho Tổng Thư ký Quốc hội vẫn là công chức của Văn phòng Quốc hội, vì 16/17 thành viên Ban Thư ký gồm01 Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, 10 Trưởng đơn vị phục vụ Hội đồng, Ủy ban và 05 Trưởng đơn vị phục vụ chung vàđược sử dụng đội ngũ công chức thuộc đơn vị mình đứng đầu để thực hiện nhiệm vụ Tổng Thư ký Quốc hội giao. Đề nghị kiện toàn tổ chức của Ban Thư ký theo hướng:
Bổ sung các Ủy viên Ban Thư ký là người đứng đầu hoặc phụ trách các Vụ: Hành chính, Công tác đại biểu. Đồng thời, tiếp tục rà soát chức năng, nhiệm vụ của Tổng Thư ký Quốc hội được quy định tại các Luật khác để bổ sung người đứng đầu hoặc phụ trách đơn vị có liên quan là Ủy viên Ban Thư ký hoặc đưa ra khỏi danh sách thành viên Ban Thư ký.
Quy định 01 Ủy viên Ban Thư ký làm nhiệm vụ Thường trực của Ban Thư ký để bảo đảm tính chuyên nghiệp, liên thông, kết nối giữa Tổng Thư ký Quốc hội với Ban Thư ký và giữa Ban Thư ký với các đơn vị thuộc Văn phòng Quốc hội.
Tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng, nâng cao chất lượng đội ngũ công chức Văn phòng Quốc hội, nâng cao tính chuyên nghiệp, chuyên môn sâu trong công tác tham mưu, phục vụ hoạt động của Quốc hội. Về thực chất, công chức của Văn phòng Quốc hội cũng tham gia vào việc phục vụ hoạt động của Tổng Thư ký Quốc hội, là những người trực tiếp triển khai các nghiệp vụ thư ký tại kỳ họp.
Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của Quốc hội. Trong đó, để nâng cao chất lượng công tác tập hợp, tổng hợp ý kiến đại biểu Quốc hội tại tổ, cần hoàn thiện phần mềm nhận diện giọng nói thành văn bản, bảo đảm bản gỡ băng từ phần mềm đạt độ chính xác cao; trang bị các phòng họp Tổ đều lắp máy nhận diện giọng nói và cử một nhân sự thực hiện gỡ băng ngay tại Tổ nhằm có bản gỡ băng ngay sau khi kết thúc phiên họp.