Nâng cao chất lượng công tác xóa mù chữ cho người dân vùng dân tộc thiểu số
Tính đến tháng 10/2023, tỷ lệ người đạt chuẩn biết chữ mức độ 1 và mức độ 2 trong độ tuổi từ 15 - 60 tuổi trên cả nước lần lượt là 98,55% và 96,7%.
Theo báo cáo của Vụ Giáo dục Thường xuyên, Bộ Giáo dục và Đào tạo về thực trạng công tác xóa mù chữ, giai đoạn 2021 - 2023, cả nước đã huy động được 79.280 người ra học xóa mù chữ.
Riêng 51 tỉnh thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia đã huy động được 53.965 người ra học xóa mù chữ, trong đó có 44.087 học viên là người dân tộc thiểu số.
Tính đến tháng 10/2023, tỷ lệ người đạt chuẩn biết chữ mức độ 1 và mức độ 2 trong độ tuổi từ 15 - 60 tuổi trên cả nước lần lượt là 98,55% và 96,7%.
Đây là thông tin được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết tại hội thảo "Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng công tác xóa mù chữ cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2023 - 2030" vừa được Bộ này tổ chức ngày 21/11, tại Hải Phòng.
Thời gian qua, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc chủ động phối hợp với ngành giáo dục mở nhiều lớp học xóa mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học cho đồng bào các dân tộc.
Đơn vị này cũng vận động các nguồn lực xây, sửa trường lớp, hỗ trợ sách giáo khoa, đồ dùng học tập và tuyên truyền, vận động các gia đình đưa trẻ trong độ tuổi đến trường, vận động các em bỏ học quay trở lại trường... Bình quân mỗi năm mở được hơn 30 lớp xóa mù chữ với trên 1.000 học viên.
Hiện cả nước có 48/63 tỉnh đủ tiêu chuẩn, điều kiện đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2 nhưng chỉ có 21 tỉnh được Bộ Giáo dục và Đào tạo kiểm tra, công nhận đạt chuẩn. Còn 27 tỉnh đủ tiêu chuẩn, điều kiện đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2 nhưng chưa đề nghị Bộ kiểm tra công nhận.
Cần phát huy vai trò của già làng, trưởng bản trong công tác xóa mù chữ
Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn trên 734.000 người chưa đạt chuẩn biết chữ mức độ 1 (chiếm 1,15%) và trên 1,73 triệu người chưa đạt chuẩn biết chữ mức độ 2 (chiếm 2,71%). Tỷ lệ huy động người học xóa mù chữ ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn thấp.
Do đó, tại hội thảo, các đại biểu đã đề ra một số giải pháp nhằm thúc đẩy và nâng cao chất lượng công tác xóa mù chữ giai đoạn 2023 - 2030.
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, cần nâng cao trách nhiệm của chính quyền các cấp và tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng và đổi mới công tác quản lý, điều tra, vận động, tổ chức lớp xóa mù chữ.
Đặc biệt, theo một số đại biểu, cần phát huy vai trò của già làng, trưởng bản, các tổ chức, đoàn thể địa phương trong công tác xóa mù chữ. Cần có giải pháp tổ chức cho người mới biết chữ tham gia học nghề để làm kinh tế, cải thiện cuộc sống của bản thân và gia đình, tạo động lực để tiếp tục học giai đoạn 2 của chương trình xóa mù chữ…
Các đại biểu cũng rằng cần có chế độ, chính sách hỗ trợ, động viên người học xóa mù chữ là người dân tộc thiểu số. Đồng thời, cần có phương pháp dạy xóa mù chữ đặc thù, phù hợp với người dân tộc thiểu số như điều kiện địa lý, phong tục, tập quán…