Nâng cao chất lượng cuộc sống người dân: Những thành tựu đáng ghi nhận

Cùng với phát triển kinh tế - xã hội, Đảng, Nhà nước luôn coi việc nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân là nhiệm vụ hàng đầu và đạt được những thành tựu đáng ghi nhận. Trong dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng khẳng định: 'Chú trọng chất lượng môi trường sống, cơ bản bảo đảm cung cấp nước sạch, dịch vụ y tế, dịch vụ vệ sinh môi trường cho người dân...'.

Giai đoạn 2015-2020, dịch vụ khám, chữa bệnh đã có nhiều thay đổi tích cực, tình trạng quá tải bệnh viện tuyến trên cơ bản được giải quyết. Trong ảnh: Chăm sóc trẻ sơ sinh tại Bệnh viên Phụ sản Hà Nội. Ảnh: TTXVN

Nhiều chuyển biến tích cực

Là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, trong giai đoạn 2015-2020, Đảng, Nhà nước đã triển khai nhiều chính sách nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, mang đến những chuyển biến tích cực trong đời sống xã hội. Minh chứng rõ nét nhất là trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe nhân dân: Chất lượng dân số được nâng cao, tuổi thọ trung bình của người dân đến năm 2020 đạt 73,7 tuổi (năm 2015 là 73,3 tuổi). Dịch vụ khám, chữa bệnh đã có nhiều thay đổi tích cực, tình trạng quá tải bệnh viện tuyến trên cơ bản được giải quyết...

Người dân Thủ đô có thể cảm nhận rõ những thay đổi này. Theo Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền, hệ thống y tế dự phòng từ trung ương xuống địa phương được củng cố và phát triển. Năm 2020, Hà Nội cùng cả nước đã từng bước kiểm soát được dịch Covid-19; điều trị có hiệu quả các ca bệnh nặng, hiểm nghèo. Đặc biệt, năm 2020, Hà Nội có 13,5 bác sĩ/1 vạn dân (năm 2016 là 11,7 bác sĩ/1 vạn dân) trong khi tỷ lệ trung bình của cả nước là 9 bác sĩ/1 vạn dân (năm 2016 là 8,2 bác sĩ/1 vạn dân).

Về việc cung cấp nước sạch cho người dân, đến năm 2020, nước ta có 90% dân cư thành thị được sử dụng nước sạch và 90,2% dân cư nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh. Tại Hà Nội, đến nay, 100% số hộ dân ở khu vực đô thị được cấp nước sạch; gần 100% khu vực nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh...

Cùng với đó, công tác dịch vụ vệ sinh môi trường, xử lý chất thải, rác thải, nước thải đã có những chuyển biến rõ rệt... Đến năm 2020, cả nước đã có 45 cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt tập trung với tổng công suất theo thiết kế khoảng 8.700 tấn/ngày (năm 2015 là hơn 2.000 tấn/ ngày). Tại Hà Nội, công tác thu gom, vệ sinh môi trường trên các tuyến phố, khu dân cư có nhiều chuyển biến đáng ghi nhận; nhiều vụ việc, cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đã được thành phố phát hiện và xử lý.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, việc nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân còn những tồn tại, đã được dự thảo Báo cáo chính trị chỉ rõ, đó là: Chất lượng dịch vụ y tế, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn, bất cập; vẫn để xảy ra một số sự cố môi trường gây hậu quả nghiêm trọng; ngành công nghiệp và dịch vụ môi trường, tái chế chất thải, xử lý rác chậm phát triển, còn lạc hậu...

Nỗ lực cho những thành công mới

Công nhân Công ty TNHH một thành viên Nước sạch Hà Đông vận hành hệ thống cung cấp nước tại Nhà máy Nước sạch Dương Nội phục vụ người dân quận Hà Đông, một phần huyện Thanh Oai và Chương Mỹ. Ảnh: Đức Duy

Cùng với việc đưa ra các nhóm nhiệm vụ, giải pháp nhằm khắc phục những tồn tại kể trên, dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra một số mục tiêu nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống người dân giai đoạn 2021-2025. Cụ thể, đến năm 2025, có 10 bác sĩ và 30 giường bệnh/1 vạn dân; 95-100% dân cư thành thị và 93-95% cư dân nông thôn được sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh; 90% chất thải rắn sinh hoạt đô thị được thu gom và xử lý bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn...

Chia sẻ về giải pháp thực hiện mục tiêu trong lĩnh vực y tế, theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, ngành Y tế sẽ đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, công nghệ thông tin, công nghệ số trong khám, chữa bệnh... Còn Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền cho biết, thành phố sẽ tăng cường đầu tư phát triển y tế chuyên sâu; đồng thời mong muốn, Bộ Y tế có cơ chế, chính sách nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thu hút cán bộ y tế về công tác tại tuyến y tế cơ sở và khối dự phòng; giám sát có hiệu quả các chỉ tiêu về môi trường...

Thực hiện mục tiêu cung cấp nước sạch, Bộ Xây dựng đang triển khai kế hoạch và tổ chức thực hiện cấp nước an toàn cho từng hệ thống, đặc biệt là các công trình nước sạch nông thôn. Tại Hà Nội, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Hoàng Cao Thắng thông tin, thành phố đã đề xuất giải pháp mới về triển khai các dự án cấp nước, mở rộng mạng cấp nước sạch cho người dân; yêu cầu các sở, ngành xây dựng kế hoạch cấp nước cho toàn bộ khu vực đô thị và nông thôn trên địa bàn.

Trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, các bộ, ngành và địa phương đã đề xuất nhiều giải pháp về tăng cường tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm, hiệu quả thực thi pháp luật về bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Đối với Hà Nội, theo Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Lê Tuấn Định, thành phố đang xây dựng lộ trình đầu tư nguồn lực khắc phục ô nhiễm các dòng sông; phòng ngừa, ngăn chặn, giảm thiểu các nguồn phát sinh và kiểm soát nguồn gây ô nhiễm không khí. Hà Nội phấn đấu đến năm 2025, hoàn thành mục tiêu thu gom và xử lý 100% chất thải rắn sinh hoạt đô thị và nông thôn...

Với sự chủ động vào cuộc của các ngành, địa phương cùng triển khai đồng bộ các giải pháp, chắc chắn chất lượng cuộc sống của người dân cả nước nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng sẽ tiếp tục được nâng lên...

Nhóm phóng viên

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/xa-hoi/989843/nang-cao-chat-luong-cuoc-song-nguoi-dan-nhung-thanh-tuu-dang-ghi-nhan