Nâng cao chất lượng dân số: 'Chìa khóa vàng' cho phát triển bền vững

Việt Nam được dự báo sẽ trở thành quốc gia có dân số già vào năm 2036 và là 'xã hội siêu già' vào năm 2049. Để đất nước phát triển bền vững, bảo đảm mức sinh thay thế phù hợp và chất lượng dân số là bài toán cần được quan tâm, giải quyết không chỉ trước mắt mà còn phải là chiến lược lâu dài.

Việt Nam bắt đầu già hóa dân số từ năm 2011 và đang già hóa với tốc độ nhanh (Trong ảnh, một nhiếp ảnh gia ghi lại hình ảnh người bán hàng ở chợ Nủa (Bình Phú, Thạch Thất, Hà Nội). Ảnh: Thư Hoàng.

Việt Nam bắt đầu già hóa dân số từ năm 2011 và đang già hóa với tốc độ nhanh (Trong ảnh, một nhiếp ảnh gia ghi lại hình ảnh người bán hàng ở chợ Nủa (Bình Phú, Thạch Thất, Hà Nội). Ảnh: Thư Hoàng.

Tháng 12 hàng năm được chọn là “Tháng hành động quốc gia về dân số”. Năm nay, chủ đề “Nâng cao chất lượng dân số để đất nước phồn vinh, gia đình hạnh phúc” được lựa chọn. Đây không chỉ là nhiệm vụ của các cơ quan chức năng mà còn là lời kêu gọi mỗi cá nhân và gia đình hành động vì một cộng đồng khỏe mạnh, văn minh và thịnh vượng.

Bảo đảm tỷ suất sinh thay thế phù hợp

Theo báo cáo của Bộ Y tế, năm 2023, quy mô dân số của Việt Nam khoảng 104 triệu dân. Việt Nam là quốc gia thứ 15 trên thế giới và thứ 3 ở Đông Nam Á có dân số trên 100 triệu người. Tốc độ tăng dân số ở Việt Nam là 0,84%.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan - Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia dân số và phát triển, cho biết trong những năm qua tốc độ gia tăng dân số ở Việt Nam đã được khống chế thành công, tỷ lệ tăng dân số hàng năm giảm từ 1,7% giai đoạn 1989-1999 xuống còn 1,14% giai đoạn 2009-2019. Việt Nam bước vào thời kỳ “dân số vàng” từ năm 2007, tạo cơ hội để tăng đầu tư cho an sinh xã hội, y tế, giáo dục, việc làm.

Tuy nhiên, công tác dân số hiện đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, tác động trực tiếp đến đời sống, xã hội và sự phát triển bền vững của Việt Nam. Đó là xuất hiện xu thế mức sinh xuống thấp (năm 2023 ước tính là 1,96 con/phụ nữ, thấp nhất trong lịch sử và dự báo tiếp tục giảm trong những năm tiếp theo).

Cục trưởng Cục Dân số (Bộ Y tế) Lê Thanh Dũng thì cho biết, năm 2023, mức sinh khu vực nông thôn giảm xuống 2,07 con/phụ nữ, dưới mức thay thế lần đầu tiên, trong khi mức sinh thành thị dao động 1,7 - 1,8 con/phụ nữ. Đông Nam Bộ có mức sinh thấp nhất cả nước (1,47 con/phụ nữ), còn ĐBSCL thấp thứ hai (1,54 con/phụ nữ).

Việt Nam bắt đầu già hóa dân số từ năm 2011 và đang già hóa với tốc độ nhanh hơn nhiều so với các quốc gia khác. Dự báo, Việt Nam sẽ trở thành một quốc gia có dân số già vào năm 2036 và là xã hội siêu già vào năm 2049. Theo ông Dũng, Bộ Y tế đang nghiên cứu, xây dựng khung chính sách tổng thể về dân số, bảo đảm tỷ suất sinh thay thế phù hợp với vùng, miền, đối tượng dân cư và số lượng, chất lượng dân số trình Quốc hội; xây dựng Đề án sửa đổi, bổ sung Chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030 bảo đảm vững chắc mức sinh thay thế của quốc gia, dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ năm 2025.

Tăng cường đầu tư vào y tế là một trong những yếu tố quan trọng nâng cao chất lượng dân số. Ảnh: Quang Vinh.

Tăng cường đầu tư vào y tế là một trong những yếu tố quan trọng nâng cao chất lượng dân số. Ảnh: Quang Vinh.

Chủ động khám sức khỏe tiền hôn nhân

ThS Trần Thị Hồng - Phó trưởng Phòng Sức khỏe sinh sản - Kế hoạch hóa gia đình (Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình TPHCM) cho biết, tầm vóc của người Việt Nam đã được cải thiện, thể lực tăng, tuổi thọ trung bình cũng tăng cao hơn 74 tuổi. Tuy nhiên, người dân sống khỏe chỉ 64 tuổi, còn lại là những năm bệnh tật, điều này làm gia tăng chi phí y tế. Bên cạnh đó, mất cân bằng giới tính khi sinh, khám sức khỏe khi kết hôn còn nhiều hạn chế; già hóa dân số tăng nhanh đã kéo theo chi phí y tế tăng cao, tạo gánh nặng đến xã hội. Nếu không chú trọng nâng cao chất lượng dân số, Việt Nam sẽ phải đối mặt với nhiều nguy cơ như suy giảm chất lượng dân số, dẫn đến nguồn nhân lực không đáp ứng được yêu cầu phát triển; áp lực gia tăng đối với hệ thống y tế và chính sách an sinh xã hội...

Theo bác sĩ Chuyên khoa 2 Bùi Thị Hồng Nhu, Bệnh viện Từ Dũ (TPHCM), việc chăm sóc thai kỳ tốt đóng vai trò rất quan trọng trong việc đảm bảo chất lượng dân số trong tương lai. Mục tiêu của việc chăm sóc thai kỳ không chỉ giúp mẹ bầu khỏe mạnh mà còn để sinh ra những trẻ em khỏe mạnh, phát triển toàn diện, góp phần vào cải thiện chất lượng dân số.

Các chuyên gia còn cho rằng, gia đình chính là yếu tố cốt lõi trong việc nâng cao chất lượng dân số. Môi trường sống có ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống. Một gia đình hạnh phúc, đầy đủ tình thương và sự quan tâm sẽ giúp trẻ em được chăm sóc, yêu thương và phát triển tốt hơn. Do đó, việc xây dựng một gia đình vững mạnh với môi trường sống lành mạnh và đầy đủ sự quan tâm sẽ tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển của thế hệ tương lai.

Một thế hệ trẻ khỏe mạnh, có đủ kiến thức và kỹ năng sẽ duy trì được cơ cấu dân số chất lượng và bền vững. Điều này tạo nền tảng để hình thành một nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước. Trẻ khỏe mạnh có nhiều cơ hội học tập và phát triển, dễ dàng tập trung vào việc học hành và đạt kết quả cao hơn. Đồng thời, việc duy trì sức khỏe tốt cũng giúp giảm gánh nặng y tế và xã hội trong tương lai, đặc biệt là giảm nguy cơ mắc các bệnh mãn tính khi trưởng thành.

Vì vậy, đầu tư vào sức khỏe của trẻ em không chỉ là trách nhiệm đạo đức, mà còn là một chiến lược quan trọng để nâng cao chất lượng dân số trong tương lai. Để thực hiện điều này, cần có sự chung tay từ các cấp chính quyền và các tổ chức xã hội. Theo đó, các chính sách và giải pháp nên tập trung vào việc nâng cao nhận thức cộng đồng về chăm sóc sức khỏe dinh dưỡng, phòng ngừa bệnh tật và đảm bảo môi trường sống lành mạnh cho trẻ em. Chỉ khi sức khỏe của trẻ em được đảm bảo ngay từ đầu mới có thể hy vọng vào một tương lai với một dân số khỏe mạnh, năng động và có chất lượng.

“Để cải thiện chất lượng dân số, các bạn trẻ trong độ tuổi chuẩn bị lập gia đình nên khám sức khỏe trước khi kết hôn từ 3 đến 6 tháng. Đây là cơ hội để các cặp đôi được tư vấn dinh dưỡng, chuẩn bị sức khỏe trước khi mang thai” - ThS Trần Thị Hồng nhấn mạnh.

Cục trưởng Cục Dân số cũng cho rằng chất lượng dân số không chỉ phản ánh các đặc trưng về thể chất, trí tuệ mà còn gắn liền với trình độ giáo dục, mức sống và tình trạng sức khỏe. Do đó, việc nâng cao chất lượng dân số là điều kiện tiên quyết để phát triển đất nước.

Theo các chuyên gia y tế, để cải thiện chất lượng dân số cần đồng bộ nhiều giải pháp, không chỉ ở cấp độ chính sách mà còn ở mỗi gia đình, mỗi cá nhân. Cả gia đình và cộng đồng đều cần phối hợp, hỗ trợ và bổ sung cho nhau trong việc nâng cao chất lượng dân số. Khi cả hai yếu tố này hoạt động hài hòa, Việt Nam sẽ đạt được mục tiêu cải thiện chất lượng dân số bền vững.

Thạc sĩ Trần Thị Hồng - Phó trưởng Phòng Sức khỏe sinh sản - Kế hoạch hóa gia đình (Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình TPHCM):

Đầu tư vào y tế và giáo dục là chìa khóa quan trọng

Gia đình và cộng đồng đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc chăm sóc sức khỏe trẻ em và cải thiện chất lượng dân số. Bữa cơm gia đình được đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng, hợp lý và an toàn vệ sinh thực phẩm là yếu tố then chốt quyết định chất lượng dân số. Gia đình không chỉ là nơi chăm sóc sức khỏe mà còn hình thành những thói quen và nhân cách của trẻ, từ vệ sinh cá nhân, ăn uống cho đến các thói quen sống khác. Các hoạt động này đều có ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của trẻ và chất lượng dân số trong tương lai. Ví dụ, việc gia đình đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ, cung cấp các bữa ăn lành mạnh không chỉ giúp trẻ khỏe mạnh mà còn hỗ trợ phát triển nhân cách và trí tuệ của trẻ.

Ngoài ra, vai trò của cộng đồng cũng không kém phần quan trọng. Cộng đồng cần xây dựng cơ sở hạ tầng và các dịch vụ y tế chất lượng cao dành cho trẻ em, cũng như tăng cường công tác truyền thông để nâng cao nhận thức và thúc đẩy các chính sách xã hội về chăm sóc sức khỏe và phát triển dân số. Cả gia đình và cộng đồng đều cần phối hợp, hỗ trợ và bổ sung cho nhau trong việc nâng cao chất lượng dân số. Khi cả hai yếu tố này hoạt động hài hòa, chúng ta sẽ đạt được mục tiêu cải thiện chất lượng dân số bền vững.

Đầu tư vào y tế và giáo dục là chìa khóa quan trọng để nâng cao chất lượng dân số. Chính sách cần phù hợp với từng giai đoạn, từ chính sách dân số kế hoạch hóa gia đình trước đây đến chính sách dân số và phát triển hiện nay.

P.V (ghi)

Đề xuất bỏ quy định kỷ luật người sinh con thứ 3

Ngày 27/12, Cục Dân số (Bộ Y tế) tổ chức Hội nghị tổng kết Công tác dân số 2024 và triển khai kế hoạch năm 2025. Ông Phạm Vũ Hoàng - Phó Cục trưởng Cục Dân số cho biết trong hai thập niên qua, tại Việt Nam mức sinh khu vực thành thị đã xuống dưới mức sinh thay thế, dao động quanh 1,7-1,8 con/phụ nữ. Phụ nữ ở thành thị sinh con muộn và ít hơn ở nông thôn. Dự báo tỉ lệ tăng dân số toàn quốc sẽ tiếp tục giảm và đạt trạng thái "dừng" ở giai đoạn 2064-2069.

Đại diện Cục Dân số cũng cho biết tuổi kết hôn lần đầu đã muộn hơn, tăng 1,1 tuổi từ 24,1 tuổi năm 1999 lên 25,2 tuổi năm 2019. Sau 4 năm, tuổi kết hôn trung bình lần đầu tăng thêm 2 tuổi, từ 25,2 tuổi lên 27,2 tuổi. Để giải quyết tình trạng này, ông Hoàng cho biết Bộ Y tế đã đưa giải pháp tại Chiến lược dân số Việt Nam đến năm 2030 là duy trì vững chắc mức sinh thay thế (bình quân mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có 2,1 con), quy mô dân số 104 triệu người.

Đồng thời, có các chính sách khuyến khích các cặp vợ chồng, cá nhân sinh đủ 2 con. Sửa đổi quy định về xử lý kỷ luật; không xử lý trường hợp sinh từ 3 con trở lên. Tăng cường kiểm tra, giám sát, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về dân số.

Để khuyến sinh, nhiều địa phương đã có chính sách khen thưởng, hỗ trợ tiền mặt, đồng thời đề xuất bỏ quy định kỷ luật người sinh con thứ 3. Tại TPHCM, để khuyến khích người dân sinh đủ 2 con, thành phố đã hỗ trợ phụ nữ sinh đủ hai con trước 35 tuổi một lần bằng tiền là 3 triệu đồng.

N.D

Phương Linh

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/nang-cao-chat-luong-dan-so-chia-khoa-vang-cho-phat-trien-ben-vung-10297356.html