Nâng cao chất lượng dân số: 'Chìa khóa vàng' để phát triển bền vững
Nâng cao chất lượng dân số (DS), bảo đảm nguồn nhân lực cho sự phát triển KT - XH luôn là một trong những mục tiêu hàng đầu của tỉnh. Vì vậy, những năm qua, các cấp, các ngành, địa phương trong tỉnh Long An nỗ lực thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng DS - 'chìa khóa vàng' để mở ra cánh cửa phát triển bền vững.
Vì thế hệ tương lai
Chăm sóc sức khỏe sinh sản (CSSKSS) vị thành niên/thanh niên (VTN/TN), tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân được xem là một trong những yếu tố quan trọng góp phần nâng cao chất lượng DS. Trong đó, “tiền hôn nhân” là giai đoạn từ lúc một người bắt đầu trưởng thành cho đến khi lập gia đình. Việc tư vấn khám sức khỏe tiền hôn nhân giúp TN nam, nữ chuẩn bị kết hôn được trang bị thêm kiến thức về CSSKSS để có cuộc sống hạnh phúc. 6 tháng đầu năm 2022, toàn tỉnh có hơn 2.600 lượt nam, nữ được tư vấn và kiểm tra sức khỏe tiền hôn nhân.
Bên cạnh đó, việc CSSKSS VTN/TN cũng được quan tâm thực hiện. Ở lứa tuổi này, nếu các em không được cung cấp kiến thức đầy đủ rất dễ dẫn đến nguy cơ ảnh hưởng đến đạo đức, lối sống, việc học hành, tương lai cũng như chất lượng DS của toàn xã hội. Em Lê Phú Tiến - học sinh Trường THPT Chuyên Long An (TP.Tân An), chia sẻ: “Qua các buổi nói chuyện chuyên đề về CSSKSS VTN/TN tại trường, em và các bạn được cung cấp những kiến thức rất bổ ích. Đây là dịp để chúng em được giao lưu, chia sẻ những thắc mắc của tuổi mới lớn. Tuy nhiên, em cũng mong muốn việc giáo dục giới tính sẽ được lồng ghép thêm qua mạng xã hội với những nội dung đa dạng, sinh động hơn nữa để thu hút học sinh và chúng em có thể tiếp cận dễ dàng hơn”.
“Thời gian qua, TP.Tân An nỗ lực thực hiện tốt công tác nâng cao chất lượng DS, trong đó, chú trọng công tác tuyên truyền, thực hiện mô hình tư vấn kiểm tra sức khỏe tiền hôn nhân; mô hình sinh hoạt ngoại khóa về SKSS VTN/TN.
Đồng thời, tăng cường giới thiệu thai phụ đến Khoa CSSKSS - Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh để siêu âm sàng lọc, chẩn đoán trước sinh, tuyên truyền thực hiện sàng lọc sơ sinh, kết hợp ngành Tư pháp giới thiệu nam, nữ trước khi kết hôn thực hiện tư vấn và kiểm tra sức khỏe” - Trưởng phòng DS - Kế hoạch hóa gia đình, Trung tâm Y tế TP.Tân An - Nguyễn Thị Kim Oanh cho biết.
Để có những đứa con khỏe mạnh
Sàng lọc trước sinh và sơ sinh được xem là biện pháp hiệu quả nhất giúp trẻ sinh ra phát triển bình thường, giảm số người tàn tật, thiểu năng trí tuệ do dị tật bẩm sinh, hướng tới thế hệ tương lai khỏe mạnh, góp phần nâng cao chất lượng DS. Nghị quyết 21-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về công tác DS trong tình hình mới đặt ra mục tiêu tầm soát, chẩn đoán sớm bệnh tật trước sinh và sơ sinh đến năm 2030 là 70% phụ nữ mang thai được tầm soát ít nhất 4 loại bệnh và 90% trẻ sơ sinh được tầm soát ít nhất 5 loại bệnh bẩm sinh phổ biến nhất.
Nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác sàng lọc, thời gian qua, tỉnh tập trung triển khai đồng loạt nhiều hoạt động như xây dựng kế hoạch, tư vấn, tầm soát, chẩn đoán và điều trị sớm bệnh tật trước sinh và sơ sinh. Công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, trang thông tin điện tử của địa phương và trên hệ thống loa truyền thanh cũng được đẩy mạnh. Chi cục trưởng Chi cục DS - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh - Đoàn Văn Ngà thông tin: “Thời gian qua, ngành DS phối hợp các ban, ngành, đoàn thể tổ chức các buổi truyền thông giúp người dân được phổ biến và nâng cao kiến thức về tầm quan trọng của sàng lọc trước sinh và sơ sinh. Bên cạnh đó, đội ngũ viên chức DS, cộng tác viên DS, Gia đình và Trẻ em thường xuyên đến từng hộ gia đình để tuyên truyền lợi ích của sàng lọc, những hệ lụy do dị tật bẩm sinh để lại. Nhờ đó, nhận thức của người dân về việc tham gia sàng lọc có những chuyển biến tích cực”.
Theo DS mục tiêu, từ đầu năm 2022 đến nay có trên 4.700 trẻ sinh ra được lấy máu gót chân, đạt trên 98% so với số trẻ sinh; trên 8.500 lượt thai phụ được siêu âm chẩn đoán dị tật thai nhi, đạt trên 89% thai phụ; hơn 6.400 lượt thai phụ được siêu âm sàng lọc trước sinh. Chị Lê Thị Cẩm (xã Bình Thạnh, huyện Thủ Thừa) chia sẻ: “Khi mang thai, tôi được tư vấn những lợi ích của việc sàng lọc trước sinh. Hiện thai kỳ ở tuần thứ 35, sau khi sinh, tôi sẽ thực hiện sàng lọc sau sinh cho bé. Tôi thấy việc sàng lọc là rất cần thiết bởi con phát triển bình thường, khỏe mạnh thì cha mẹ mới yên tâm, bảo đảm được tương lai sau này, không là gánh nặng cho gia đình và xã hội”.
Nâng cao chất lượng DS tạo nền tảng cho sự phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, góp phần vào sự phát triển nhanh, bền vững của tỉnh. Vì vậy, ngoài sự vào cuộc của các cấp, các ngành, địa phương, việc nâng cao chất lượng DS còn là trách nhiệm của mỗi cá nhân, gia đình và toàn xã hội. Mỗi người dân cần nâng cao ý thức hơn nữa trong việc CSSKSS, quan tâm đến việc sàng lọc để bảo đảm trẻ sinh ra được khỏe mạnh cả về thể chất lẫn trí tuệ, nâng cao chất lượng giống nòi./.
Hàng năm, nhân Ngày DS Thế giới (11/7), Quỹ DS Liên Hợp Quốc lựa chọn một chủ đề cấp thiết mang tính toàn cầu để kêu gọi sự quan tâm chú ý của toàn nhân loại. Kỷ niệm Ngày DS Thế giới năm nay, chủ đề được chọn là “Thế giới 8 tỉ người: Để hướng tới một tương lai bền vững cho tất cả mọi người cần khai thác cơ hội và đảm bảo quyền, lựa chọn cho tất cả mọi người”.
Theo Ban Kinh tế và Xã hội của Liên Hợp Quốc, mặc dù tốc độ gia tăng DS toàn cầu sẽ tiếp tục giảm trong những thập kỷ tới nhưng DS thế giới có thể tiếp tục tăng thêm khoảng 20-30% vào năm 2050 so với năm 2020. Việc có những ước tính chính xác về xu hướng DS và dự báo đáng tin cậy về những thay đổi trong tương lai, bao gồm quy mô DS và cơ cấu DS theo độ tuổi, giới tính và vị trí địa lý là cần thiết cho việc xây dựng, thực hiện chính sách và là hướng dẫn để hỗ trợ các quốc gia đi theo con đường bền vững sự phát triển.
Ví dụ, khi mức sinh giảm phải chăng là do các bậc cha mẹ tương lai lo lắng về cách họ sẽ chu cấp cho một gia đình, tìm chỗ ở hợp túi tiền hay việc nghỉ sinh có thể cản trở con đường sự nghiệp của một người mẹ. Khi mức sinh tăng phải chăng là do sự lựa chọn của họ hoặc do phụ nữ không có kiến thức hay không được tiếp cận với các biện pháp tránh thai hiện đại. Việc bảo đảm tất cả mọi người đều được quan tâm có thể cho phép các chính phủ đánh giá tốt hơn nhu cầu của DS đang thay đổi và vạch ra một con đường chắc chắn hơn để giải quyết những nhu cầu đó về khả năng phục hồi nhân khẩu học.
Trong một thế giới lý tưởng, 8 tỉ người có nghĩa là 8 tỉ cơ hội cho một xã hội lành mạnh hơn được củng cố bởi các quyền và lựa chọn. Nhưng sân chơi không và chưa bao giờ bình đẳng. Vì giới tính, dân tộc, giai cấp, tôn giáo, khuynh hướng tình dục, khuyết tật và nguồn gốc cùng với các yếu tố khác, vẫn còn quá nhiều người bị phân biệt đối xử, quấy rối và bạo lực. Sẽ chẳng có ý nghĩa gì nếu chúng ta không quan tâm đến những người bị bỏ lại phía sau.
Cần đầu tư cho nhân lực và vật lực vì một xã hội hòa nhập, hiệu quả đảm bảo quyền con người và quyền sinh sản. Chỉ khi đó, chúng ta mới có thể giải quyết những thách thức to lớn mà hành tinh của chúng ta phải đối mặt và xây dựng một thế giới nơi sức khỏe, nhân phẩm và giáo dục là quyền và thực tế phải diễn ra, không phải là đặc quyền và những lời hứa suông. Trong một thế giới 8 tỉ người, phải luôn có không gian cho các cơ hội.