Nâng cao chất lượng dân số để phát triển bền vững

PTĐT - Nghị quyết số 21-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã chỉ rõ: 'Chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển.

Học sinh Trường THPT Yển Khê, xã Hanh Cù, huyện Thanh Ba được tìm hiểu các kiến thức về sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên, hạn chế tình trạng kết hôn sớm, mang thai ngoài ý muốn… góp phần nâng cao chất lượng dân số.

Học sinh Trường THPT Yển Khê, xã Hanh Cù, huyện Thanh Ba được tìm hiểu các kiến thức về sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên, hạn chế tình trạng kết hôn sớm, mang thai ngoài ý muốn… góp phần nâng cao chất lượng dân số.

PTĐT - Nghị quyết số 21-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã chỉ rõ: “Chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển. Công tác dân số phải chú trọng toàn diện các mặt quy mô, cơ cấu, phân bố, đặc biệt là chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ hữu cơ với các yếu tố kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo đảm phát triển nhanh, bền vững”. Trên cơ sở đó, tỉnh luôn xác định, nâng cao chất lượng dân số trong giai đoạn hiện nay là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, là chìa khóa vàng mở ra cơ hội phát triển bền vững, sớm đưa Phú Thọ trở thành tỉnh phát triển hàng đầu của vùng Trung du và miền núi phía Bắc.

Tiếp tục thực hiện có hiệu quả 4 đề án
Những năm qua, công tác nâng cao chất lượng dân số của tỉnh đã đạt được những kết quả đáng khích lệ: Chỉ số phát triển con người (HDI) tương đương với cả nước; tỷ lệ suy dinh dưỡng và tỷ suất tử vong ở trẻ em thấp hơn mức bình quân chung của cả nước; 56,4% phụ nữ mang thai, 73,2 % trẻ sơ sinh được tầm soát, chẩn đoán, can thiệp sớm một số bệnh, tật; tầm vóc, thể lực của người dân được cải thiện; tuổi thọ trung bình tăng lên đạt 73,4 tuổi…Có được những kết quả quan trọng ấy là do tỉnh đã có nhiều nỗ lực trong việc thực hiện các giải pháp nhằm từng bước nâng cao chất lượng dân số, nhiều mô hình, đề án đã và đang được triển khai có hiệu quả. Trong đó, phải kể đến 4 đề án, chương trình lớn, bao gồm: Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh; chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; tăng cường tư vấn và cung cấp dịch vụ dân số - kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) cho vị thành niên, thanh niên; tầm soát các dị dạng, bệnh, tật bẩm sinh và nâng cao chất lượng dân số…Huyện miền núi Tân Sơn, nơi tập trung đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, nhận thức của người dân còn hạn chế, một số suy nghĩ, hủ tục lạc hậu tồn tại gây khó khăn cho công tác dân số. Chị Phùng Thị Tuyết - Cán bộ dân số xã Tân Phú cho biết: Tân Phú có 12 khu dân cư với hơn 6.000 người dân, đồng bào dân tộc Mường chiếm trên 70%; trong đó có 1.028 phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ. Để nâng cao chất lượng dân số, chúng tôi đã phối hợp với chính quyền khu dân cư, đoàn thể, xây dựng, thành lập và vận động nhân dân tham gia các mô hình câu lạc bộ tương ứng, phù hợp với các đối tượng. Hiện trên địa bàn thành lập 4 mô hình câu lạc bộ, gồm: Phụ nữ không sinh con thứ ba trở lên; phụ nữ có con trong độ tuổi vị thành niên, thanh niên; người cao tuổi giúp người cao tuổi; mất cân bằng giới tính khi sinh, thu hút đông đảo các đối tượng người dân tham gia. Thông qua các câu lạc bộ, chúng tôi đã tổ chức các hội nghị truyền thông theo nhóm lớn, nhóm nhỏ để tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về chính sách dân số - KHHGĐ. Từ đó, hạn chế được các tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, tảo hôn, trẻ vị thành niên mang thai ngoài ý muốn; tỷ lệ phụ nữ mang thai khám, siêu âm từ 3 lần trở lên đạt 100%; 70% trẻ sơ sinh được lấy máu gót chân sàng lọc sơ sinh… Chị Đinh Thị Đới, người dân xã Tân Phú chia sẻ: “Nhờ tham gia câu lạc bộ, được truyền thông, tư vấn, chăm sóc sức khỏe tiền hôn nhân, sàng lọc trước sinh và sau sinh nên chị em được trang bị kiến thức, chủ động phòng tránh mắc bệnh lây qua đường tình dục, tỷ lệ trẻ em bị dị tật bẩm sinh, tỷ lệ mất cân bằng giới tính cũng giảm đáng kể”. Đề án tăng cường tư vấn và cung cấp dịch vụ dân số - KHHGĐ cho vị thành niên, thanh niên cũng được triển khai thực hiện hiệu quả ở các địa phương, góp phần giảm tỷ lệ mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục, HIV/AIDS, giảm tỷ lệ nạo phá thai ở tuổi vị thành niên, thanh niên, đáp ứng cơ bản nhu cầu cung cấp thông tin, tư vấn về chăm sóc sức khỏe sinh sản/ KHHGĐ cho vị thành niên, thanh niên. Thầy giáo Nguyễn Huy Hoàng - Bí thư Đoàn Trường THPT Yển Khê, xã Hanh Cù, huyện Thanh Ba thông tin: Nhà trường hiện có gần 750 đoàn viên, thanh niên. Nhà trường phối hợp với Trung tâm Dân số - KHHGĐ huyện thường xuyên tổ chức các hội nghị tuyên truyền, ngoại khóa, trò chuyện, giải đáp những thắc mắc của các em về vấn đề liên quan đồng thời xây dựng góc truyền thông, triển khai chăm sóc sức khỏe sinh sản tới giáo viên chủ nhiệm các lớp, đăng bài tuyên truyền lên fanpage của trường, thành lập ban tư vấn học đường…sẵn sàng cung cấp kiến thức về sức khỏe sinh sản cho học sinh. Nhờ đó, nhiều năm trở lại đây, nhà trường không có tình trạng học sinh phải nghỉ học giữa chừng do mang thai ngoài ý muốn hay tảo hôn. Đề án chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi cũng phát huy tính hiệu quả ở hầu khắp các địa phương. Bà Nguyễn Thị Thao, người dân xã Phùng Nguyên, huyện Lâm Thao khẳng định: “Được cán bộ y tế, cán bộ dân số tư vấn, hướng dẫn, chúng tôi đã biết cách tự chăm sóc bản thân, tích cực tham gia luyện tập thể dục thể thao nên thấy mình khỏe mạnh hơn”. Song song với triển khai các mô hình, đề án nhằm nâng cao chất lượng dân số, việc nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản cũng được quan tâm triển khai có hiệu quả.

Cán bộ dân số truyền thông và tư vấn các biện pháp KHHGĐ cho người dân xã Tân Phú, huyện Tân Sơn.

Cán bộ dân số truyền thông và tư vấn các biện pháp KHHGĐ cho người dân xã Tân Phú, huyện Tân Sơn.

Đẩy mạnh truyền thông giáo dục thay đổi hành viViệc thực hiện có hiệu quả 4 đề án lớn và công tác truyền thông giáo dục thay đổi hành vi được coi là một trong những giải pháp quan trọng nhằm nâng cao chất lượng dân số. Các hoạt động truyền thông tập trung vào tuyên truyền về quy mô, cơ cấu, phân bố và chất lượng dân số, duy trì mức sinh thay thế, giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh, tận dụng cơ cấu dân số vàng, thích ứng với già hóa dân số... Để thực hiện tốt công tác dân số - KHHGĐ, nâng cao chất lượng dân số trên địa bàn, Trung tâm Dân số - KHHGĐ các huyện, thành, thị đã thực hiện nhiều giải pháp truyền thông đến người dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Ông Lã Văn Dũng - Giám đốc Trung dân Dân số - KHHGĐ huyện Thanh Ba cho biết: Từ đầu năm đến nay, huyện đã tổ chức 82 buổi truyền thông chuyên đề, treo hơn 100 băng zôn tuyên truyền tại các xã cho hàng nghìn lượt chị em trong độ tuổi sinh đẻ, gia đình sinh con một bề là gái và nam, nữ trong độ tuổi chuẩn bị kết hôn. Cùng với đó, cán bộ phụ trách dân số tại các xã, thị trấn và cộng tác viên dân số ở các khu dân cư thường xuyên đến từng nhà để tuyên truyền, vận động, hướng dẫn các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ thực hiện các biện pháp KHHGĐ… Nhờ đó, tỷ lệ phụ nữ sử dụng phương pháp đặt vòng, uống thuốc tránh thai đạt gần 100%; địa bàn có 105 khu dân cư không có người sinh con thứ ba trở lên. Hằng năm, đơn vị cũng phối hợp với các trường học tổ chức truyền thông nói chuyện chuyên đề về sức khỏe sinh sản vị thành niên cho học sinh khối THCS và THPT trên địa bàn, phát tờ rơi, tài liệu về sức khỏe sinh sản.Trong năm 2020, Chi cục Dân số- KHHGĐ phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức truyền thông về sàng lọc trước sinh và tư vấn lồng ghép cung cấp dịch vụ KHHGĐ cho hơn 5.000 công nhân ở các doanh nghiệp trên địa bàn; xây dựng kế hoạch, triển khai các hoạt động truyền thông về chăm sóc sức khỏe sinh sản và giới thiệu các sản phẩm thuộc Đề án 818 xã hội hóa các phương tiện tránh thai và dịch vụ KHHGĐ/SKSS; tổ chức các hình thức sinh hoạt câu lạc bộ, giao lưu, nói chuyện chuyên đề; truyền thông trực tiếp tới các đối tượng tại cơ sở với các hình thức như: Thảo luận nhóm nhỏ, tư vấn trực tiếp, thăm và gặp gỡ tại hộ gia đình…Để nâng cao chất lượng dân số, thời gian tới, Phú Thọ tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp như: Đổi mới nội dung, hình thức truyền thông, trên các phương tiện thông tin đại chúng; đẩy mạnh truyền thông trực tiếp để đưa nội dung tuyên truyền phù hợp đến từng nhóm đối tượng, trong đó ưu tiên tuyên truyền tư vấn, hỗ trợ nâng cao sức khỏe thể chất, trí tuệ, tinh thần cho các nhóm đối tượng đặc thù, miền núi, vùng sâu, vùng xa, địa bàn khó tiếp cận; mở rộng, nâng cao chất lượng chương trình giáo dục DS/SKSS/KHHGĐ trong và ngoài nhà trường cho vị thành niên, thanh niên. Tiếp tục mở rộng, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ CSSKSS/KHHGĐ, đáp ứng đầy đủ, kịp thời, an toàn, thuận tiện, phù hợp với nhu cầu của người dân cũng như tăng cường các biện pháp phòng, chống HIV/AIDS và các bệnh lây truyền qua đường tình dục, phòng ngừa mang thai ngoài ý muốn. Tăng cường các hoạt động tư vấn tiền hôn nhân, kiểm tra sức khỏe, kiểm tra yếu tố nguy cơ cao ảnh hưởng trực tiếp đến sự mang thai cho những nam nữ chuẩn bị kết hôn…

Lệ Oanh

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/xa-hoi/202012/nang-cao-chat-luong-dan-so-de-phat-trien-ben-vung-174589