Nâng cao chất lượng dân số để phát triển bền vững

Khám sàng lọc cho trẻ sơ sinh, góp phần hạn chế dị tật ở trẻ. Ảnh: KIM CHI

Chất lượng dân số (CLDS) là một trong những yếu tố hàng đầu, tác động trực tiếp đến phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia. Thực hiện tốt công tác DS-KHHGĐ là giải pháp cơ bản để nâng cao chất lượng cuộc sống của từng người, từng gia đình và của toàn xã hội.

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, luật pháp, chiến lược quan tâm toàn diện đến công tác DS-KHHGĐ. Nhờ đó, công tác này đã đạt được những kết quả rõ rệt, góp phần to lớn vào công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Mở rộng các mô hình ổn định dân số

Kế hoạch hành động giai đoạn 2020-2025 của tỉnh Phú Yên thực hiện Chiến lược dân số Việt Nam đến năm 2030: Mục tiêu cụ thể đến năm 2025, tầm nhìn đến 2030 của tỉnh là tổng tỉ suất sinh (số con trung bình của một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ) giảm xuống mức 2,1 con vào năm 2025 và duy trì đến năm 2030. Quy mô dân số dưới 1 triệu người đến năm 2025 và dưới 1,1 triệu người đến năm 2030; đưa tỉ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên, không vượt quá 111 bé trai/100 bé gái vào năm 2025 và đạt dưới 109 bé trai/100 bé gái vào năm 2030, nâng cao CLDS….

Bác sĩ Vũ Ngọc Dững, Chi cục trưởng DS-KHHGĐ tỉnh cho biết: Thời gian qua, đơn vị đã tổ chức nhiều đợt tuyên truyền, phổ biến, cung cấp kiến thức, kỹ năng cho các nhóm đối tượng liên quan về các nội dung của công tác dân số trong tình hình mới; các địa phương triển khai nhiều mô hình ổn định dân số đạt hiệu quả tích cực, góp phần vào mục tiêu nâng cao CLDS. Tỉ suất sinh thô của Phú Yên giảm từ 12,06%o năm 2016 xuống 11,50%o; những năm tiếp theo tỉ suất sinh thô giảm bình quân 0,2%o/năm, đạt chỉ tiêu kế hoạch hàng năm tỉnh giao.

2020 là một năm thực sự khó khăn của toàn xã hội nói chung và ngành Dân số nói riêng do sự bùng phát của dịch COVID-19. Tuy nhiên với sự quyết tâm cao của toàn ngành, khắc phục những khó khăn, đổi mới hình thức tuyên truyền phù hợp với tình hình dịch bệnh, công tác DS-KHHGĐ của Phú Yên đã đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận: các mục tiêu, chỉ tiêu giao về giảm sinh, giảm sinh con thứ ba trở lên và các chỉ tiêu về KHHGĐ, nâng cao CLDS đều đạt và vượt kế hoạch đề ra.

Hiện nay, tỉnh tiếp tục duy trì 40 CLB Cha mẹ và vị thành niên/thanh niên (VTN/TN) về chăm sóc sức khỏe sinh sản (CSSKSS) tại 38 xã trên toàn tỉnh với hơn 2.500 thành viên tham gia. Đề án Tư vấn và CSSK người cao tuổi dựa vào cộng đồng tiếp tục duy trì 27 CLB Người cao tuổi, trung bình mỗi CLB 50-70 thành viên. Đồng thời tổ chức thành lập các CLB giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống với đối tượng là VTN/TN người đồng bào dân tộc thiểu số.

Chị Dương Thị Thu Đông, cán bộ chuyên trách dân số của xã Ea Ly (huyện Sông Hinh), chia sẻ: “Tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương vẫn còn. Những năm qua, chúng tôi luôn tuyên truyền để bà con hiểu những tác hại của vấn đề này, vận động họ thực hiện việc kết hôn đúng độ tuổi. Tuyên truyền một lần không được, chúng tôi thực hiện nhiều lần theo phương châm “mưa dầm thấm lâu” để bà con hiểu và thực hiện đúng”.

Bên cạnh đó, từ năm 2016-2019, Chi cục DS-KHHGĐ tiếp tục phối hợp với các đơn vị y tế tuyến tỉnh, huyện triển khai đề án Kiểm soát dân số vùng biển đảo và ven biển (Đề án 52) tại 56 xã ở các huyện, thị xã, thành phố ven biển của tỉnh với các nội dung: Đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em/KHHGĐ; nâng cao chất lượng dân số khi sinh; phòng chống bệnh nhiễm khuẩn đường sinh sản... Đồng thời tiếp tục phối hợp với các đơn vị y tế tuyến tỉnh, huyện triển khai chương trình sàng lọc trước sinh, sàng lọc sơ sinh. Qua đó góp phần làm giảm tỉ lệ tử vong, giúp cho trẻ sinh ra đời phát triển bình thường, tránh được những hậu quả nặng nề do dị tật bẩm sinh gây ra, phòng ngừa các hậu quả nặng nề của bệnh và cải thiện tương lai phát triển của trẻ; giảm số người tàn tật, thiểu năng trí tuệ trong cộng đồng, góp phần nâng cao CLDS.

Theo Tổng cục DS-KHHGĐ, từ năm 2007, nước ta bước vào thời kỳ dân số vàng, cơ cấu dân số chuyển dịch tích cực, dân số trong độ tuổi lao động tăng mạnh, chiếm 68%. Cùng với đó, CLDS được cải thiện về nhiều mặt, tuổi thọ trung bình tăng nhanh, đạt 73,6 tuổi năm 2019, tình trạng suy dinh dưỡng, tử vong bà mẹ, trẻ em đều giảm mạnh. Tầm vóc, thể lực người Việt Nam có bước cải thiện. Công tác tuyên truyền, giáo dục, nhận thức về DS-KHHGĐ của các cấp, các ngành và toàn dân có bước đột phá. Mỗi cặp vợ chồng có 2 con đã trở thành chuẩn mực, lan tỏa, thấm sâu trong toàn xã hội.

Người dân hưởng ứng dịch vụ CSSKSS/KHHGĐ, góp phần nâng cao chất lượng dân số. Ảnh: KIM CHI

Người dân hưởng ứng dịch vụ CSSKSS/KHHGĐ, góp phần nâng cao chất lượng dân số. Ảnh: KIM CHI

Phát huy tối đa lợi thế dân số vàng

Tuy nhiên, công tác dân số cũng đang gặp nhiều khó khăn, thách thức. Từ việc chỉ tập trung giải quyết vấn đề KHHGĐ để ổn định quy mô dân số, hiện nay công tác dân số tập trung đẩy mạnh việc giải quyết toàn diện các vấn đề, cả về quy mô, cơ cấu, phân bổ; nhất là nâng cao CLDS và phải đặt trong mối quan hệ tác động qua lại với phát triển kinh tế - xã hội. Nguồn lực đầu tư cho công tác dân số còn thấp, chưa tương xứng với yêu cầu...

Nhằm khắc phục khó khăn, giải quyết những thách thức nêu trên, hưởng ứng Tháng hành động quốc gia về dân số và Ngày Dân số Việt Nam 26/12, Bộ Y tế kêu gọi các cấp, ngành cần nâng cao CLDS để góp phần phát triển đất nước nhanh và bền vững.

Thiết thực hưởng ứng chủ đề của Tháng hành động quốc gia về dân số và Ngày Dân số Việt Nam 26/12 năm nay, tỉnh đã triển khai đồng bộ hệ thống các giải pháp thực hiện Nghị quyết 21-NQ/TW về công tác dân số trong tình hình mới, nhằm đạt được những mục tiêu đề ra, bao gồm: xây dựng pháp luật và chính sách; củng cố và phát triển mạng lưới cung cấp dịch vụ; đầu tư và quản lý tài chính. Các địa phương cũng triển khai các hoạt động, loại hình cung cấp dịch vụ: CSSKSS, tư vấn tiền hôn nhân, tầm soát, chẩn đoán bệnh tật, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi... để hoạt động tuyên truyền dân số được lan tỏa rộng rãi hơn.

Theo bác sĩ Vũ Ngọc Dững, dịch vụ DS-KHHGĐ ngày càng được mở rộng và chất lượng ngày càng cao. Nâng cao CLDS trong tình hình mới đặt ra nhiều cơ hội và thách thức, đòi hỏi các cấp, các ngành, trong đó những cơ quan phụ trách công tác DS-KHHGĐ cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, góp phần đạt được các mục tiêu đặt ra trong Chiến lược dân số Việt Nam đến năm 2030. Mục tiêu kế hoạch hành động giai đoạn 2020-2025 của tỉnh thực hiện chiến lược này là duy trì vững chắc mức sinh thay thế; đưa tỉ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên; tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng; thích ứng với già hóa dân số; phân bố dân số hợp lý và nâng cao CLDS, góp phần phát triển tỉnh nhà nhanh, bền vững.

“Với mục tiêu chủ động duy trì vững chắc mức sinh thay thế, hạn chế tốc độ tăng tỉ số giới tính khi sinh, nâng cao CLDS và CSSK người cao tuổi góp phần phát triển đất nước nhanh, bền vững, Chi cục DS-KHHGĐ sẽ triển khai các hoạt động tuyên truyền công tác dân số trong tình hình mới; tổ chức tư vấn, tuyên truyền về CSSKSS cho VTN/TN. Đồng thời duy trì các loại hình cung cấp thông tin, tư vấn về CSSKSS/KHHGĐ, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em/KHHGĐ; nâng cao CLDS khi sinh tại vùng biển đảo và ven biển”, bác sĩ Vũ Ngọc Dững cho biết thêm.

KIM CHI

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/141/250458/nang-cao-chat-luong-dan-so-de-phat-trien-ben-vung.html