Nâng cao chất lượng dân số từ chăm sóc sức khỏe

Ngày 26-12, Báo Người Lao Động tổ chức talkshow 'Sức khỏe hôm nay - Chất lượng dân số ngày mai', giải đáp về vấn đề nâng cao chất lượng dân số thông qua dinh dưỡng, chăm sóc thai kỳ, giáo dục và lối sống lành mạnh.

Tại buổi talkshow, các chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh xã hội ngày càng phát triển, chất lượng dân số không chỉ là vấn đề của mỗi gia đình mà còn là bài toán quan trọng đối với sự phát triển bền vững của đất nước. Sức khỏe thể chất và tinh thần của mỗi cá nhân hôm nay chính là nền tảng cho chất lượng nguồn nhân lực mai sau. Và dinh dưỡng là yếu tố nền tảng góp phần nâng cao chất lượng dân số.

 Các chuyên gia, khách mời tham gia talkshow

Các chuyên gia, khách mời tham gia talkshow

Theo TS - Bác sĩ Lưu Ngân Tâm, Trưởng Khoa Dinh dưỡng Bệnh viện Chợ Rẫy, hiện có nhiều bệnh nhân cao huyết áp và đột quỵ, xuất hiện ngay cả ở những người trẻ tuổi. Với trẻ em, việc nuôi dưỡng và chăm sóc sức khỏe từ những năm tháng đầu đời đóng vai trò rất quan trọng. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều sai lệch trong việc chăm sóc trẻ em, dẫn đến sự mất cân bằng dinh dưỡng. Một số trẻ không được uống sữa đầy đủ hoặc không ăn dặm đúng cách; thậm chí, nhiều trẻ không ăn đủ rau và trái cây. Đây là những sai lầm nghiêm trọng ảnh hưởng đến sức khỏe hiện tại và chất lượng dân số trong tương lai.

Vì vậy, việc cải thiện sức khỏe dinh dưỡng ngay từ khi còn trẻ, cũng như chú trọng chăm sóc sức khỏe cho người già, là một yếu tố quan trọng để giảm thiểu gánh nặng bệnh tật và đảm bảo chất lượng cuộc sống cho thế hệ sau.

 TS-Bác sĩ Lưu Ngân Tâm

TS-Bác sĩ Lưu Ngân Tâm

Đề cập đến vấn đề này, Thạc sĩ Trần Thị Hồng, Phó Trưởng Phòng Sức khỏe sinh sản - kế hoạch hóa gia đình thuộc Chi cục Dân số - kế hoạch hóa gia đình TPHCM, cho rằng gia đình và cộng đồng đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc chăm sóc sức khỏe trẻ em và cải thiện chất lượng dân số. Nếu bữa cơm gia đình được đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng, hợp lý và an toàn vệ sinh thực phẩm, đây sẽ là yếu tố then chốt quyết định chất lượng dân số. Gia đình không chỉ là nơi chăm sóc sức khỏe mà còn hình thành những thói quen và nhân cách của trẻ, từ vệ sinh cá nhân, ăn uống cho đến các thói quen sống khác. Các hoạt động này đều có ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của trẻ và chất lượng dân số trong tương lai.

 Thạc sĩ Trần Thị Hồng

Thạc sĩ Trần Thị Hồng

Ngoài ra, vai trò của cộng đồng cũng không kém phần quan trọng. Cộng đồng cần xây dựng cơ sở hạ tầng và các dịch vụ y tế chất lượng cao dành cho trẻ em, cũng như tăng cường công tác truyền thông để nâng cao nhận thức và thúc đẩy các chính sách xã hội về chăm sóc sức khỏe và phát triển dân số.

“Cả gia đình và cộng đồng đều cần phối hợp, hỗ trợ và bổ sung cho nhau trong việc nâng cao chất lượng dân số. Khi cả hai yếu tố này hoạt động hài hòa, chúng ta sẽ đạt được mục tiêu cải thiện chất lượng dân số bền vững”, Thạc sĩ Trần Thị Hồng nói.

PHƯƠNG UYÊN

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/nang-cao-chat-luong-dan-so-tu-cham-soc-suc-khoe-post774958.html