Nâng cao chất lượng dân số vì sự phồn vinh của đất nước

Theo kết quả thực hiện tổng điều tra dân số và nhà ở tỉnh Đồng Nai năm 2019, toàn tỉnh hiện có khoảng 3,1 triệu người, đứng thứ 5 trong cả nước.

Một gia đình trẻ vui chơi trong dịp lễ Giáng sinh 2019. Ảnh: Mai Trần

Một gia đình trẻ vui chơi trong dịp lễ Giáng sinh 2019. Ảnh: Mai Trần

Số lượng dân cư đông sẽ cung cấp lực lượng lao động lớn, là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, song cũng đặt ra không ít thách thức đối với công tác dân số của tỉnh.

* Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên dưới 1%

Phó giám đốc Sở Y tế Nguyễn Hữu Tài cho biết, trong năm 2019, tỷ lệ tăng dân số tự nhiên của tỉnh đạt 0,93%; tỷ lệ giới tính khi sinh đạt 107 bé trai/100 bé gái; tỷ lệ sàng lọc trước sinh đạt 81,6%; sàng lọc sơ sinh đạt 78,2%, đều vượt chỉ tiêu Trung ương và Tỉnh ủy giao.

Để có được kết quả này, ngành Y tế đã chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan triển khai nhiều phần việc cụ thể. Như thực hiện đề án Sàng lọc trước sinh và sơ sinh tại 2 bệnh viện tuyến tỉnh là đa khoa Đồng Nai và đa khoa Thống Nhất; tổ chức nhiều kênh tuyên truyền cho trẻ vị thành niên/thanh niên, phụ nữ mang thai, sản phụ thực hiện sàng lọc trước sinh, sơ sinh để phát hiện các bệnh lý di truyền như: bệnh Down, hội chứng Edwards, dị tật ống thần kinh, suy giáp, thiếu men G6PD, tăng sản tuyến thượng thận, tan máu bẩm sinh thể nặng và các bệnh lý di truyền, dị tật khác…

Hệ thống y tế rộng khắp, từ tuyến tỉnh, huyện đến tuyến xã đều có bác sĩ khám, chữa bệnh và nữ hộ sinh giúp chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ mang thai, sinh ra những em bé khỏe mạnh, kéo giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng chiều cao và cân nặng ở cả nông thôn và thành thị. Trong năm 2019, có 39,4 ngàn trẻ em được sinh ra, trong đó có hơn 20,4 ngàn bé trai và hơn 18,9 ngàn bé gái.

Bên cạnh đó, công tác tiêm chủng cũng được người dân quan tâm hơn trước. Có khoảng 98% trẻ em trong độ tuổi được tiêm chủng đầy đủ, loại trừ được một số bệnh như bại liệt, hạn chế nhiều loại bệnh khác. Việc chăm sóc, nuôi dưỡng tốt cũng kéo giảm tỷ lệ chết trẻ (dưới 1 tuổi và dưới 5 tuổi) của tỉnh xuống mức thấp hơn bình quân của cả nước và thế giới.

Không chỉ được chăm sóc sức khỏe tốt, với quy mô trường lớp rộng khắp, đa dạng, người dân trong tỉnh còn có nhiều cơ hội lựa chọn cơ sở học tập phù hợp với điều kiện, tình hình thực tế của bản thân, gia đình. Tỷ lệ người dân trong độ tuổi lao động trên mức 60% là động lực để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

* Nỗ lực vượt qua thách thức

Theo GS-TS.Nguyễn Đình Cử, nguyên Viện trưởng Viện Dân số và các vấn đề xã hội (Trường đại học kinh tế quốc dân Hà Nội), dân số Việt Nam nói chung và dân số Đồng Nai nói riêng đang phải đối mặt với nhiều thách thức.

Trước hết, Đồng Nai là tỉnh công nghiệp, thu hút đông công nhân lao động nữ trong độ tuổi sinh đẻ nhưng lại chưa đạt mức sinh thay thế là 2,1 con/phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ (Đồng Nai mới đạt 1,8 con/phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ). Thực tế những cặp vợ chồng trẻ ở các tỉnh, thành phố có nền kinh tế phát triển như TP.Hồ Chí Minh, Đồng Nai ngại sinh đẻ đang góp phần đẩy nhanh tốc độ già hóa dân số. Vì thế, người dân cần nâng cao nhận thức về công tác dân số, mỗi cặp vợ chồng nên sinh đủ 2 con để duy trì vững chắc cơ cấu dân số vàng, góp phần phát triển đất nước phồn vinh.

Ngoài ra, theo Phó chi cục trưởng Chi cục Dân số - kế hoạch hóa gia đình tỉnh Nguyễn Kim Tuyến, tỷ lệ bé trai/bé gái hiện đang trong ngưỡng cho phép nhưng có xu hướng gia tăng sự chênh lệch giữa bé trai và bé gái (năm 2018 là 106 bé trai/100 bé gái, năm 2019 là 107 bé trai/100 bé gái). Việc mất cân bằng giới tính nếu có sự chênh lệch lớn sẽ gây ra nhiều hệ lụy đối với xã hội. Đó là tỉnh trạng nam thừa, nữ thiếu, thúc đẩy các tệ nạn như mua bán phụ nữ, trẻ em gái; mại dâm; tảo hôn...

“Trong thời gian tới, ngành Y tế sẽ tiếp tục phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan trong tỉnh tăng cường tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt chính sách dân số, đặc biệt là vận động mỗi cặp vợ chồng sinh đủ 2 con; có nhiều biện pháp để quản lý, chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ trong độ tuổi sinh để; bảo đảm quản lý thai tốt, sinh đẻ tốt, không để xảy ra tai biến từ lúc mang thai đến khi sinh đẻ. Bên cạnh đó, sẽ phối hợp làm tốt hơn nữa công tác phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em, thực hiện có hiệu quả các đề án tầm soát dị tật trước sinh, sơ sinh... Tất cả nhằm đạt được mục tiêu duy trì vững chắc mức sinh thay thế; đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch về tỷ lệ tăng dân số tự nhiên; tỷ lệ sàng lọc trước sinh đạt 75%, sàng lọc sơ sinh đạt 84%” - ông Nguyễn Hữu Tài, Phó giám đốc Sở Y tế nhấn mạnh.

Tháng Hành động quốc gia về dân số (tháng 12) và Ngày Dân số Việt Nam (26-12) năm nay có chủ đề Đồng hành cùng sự nghiệp dân số và phát triển vì sự phồn vinh của đất nước. Ngành Y tế sẽ triển khai nhiều hoạt động để đạt mục tiêu đề ra, từng bước thực hiện thành công chiến lược dân số Việt Nam đến năm 2030. Cụ thể, ngành sẽ triển khai các loại hình cung cấp dịch vụ như: chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên; chăm sóc sức khỏe sinh sản công nhân các khu công nghiệp; tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân; tư vấn và khám tầm soát, chẩn đoán sớm bệnh tật trước sinh, sơ sinh; tư vấn, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, góp phần nâng cao chất lượng dân số.

Bích Nhàn

Hạnh Dung

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/xahoi/201912/nhan-ngay-dan-so-viet-nam-26-12-nang-cao-chat-luong-dan-so-vi-su-phon-vinh-cua-dat-nuoc-2980322/