Nâng cao chất lượng đảng viên mới: Hà Nội thu hút mạnh mẽ trí thức, người ưu tú vào Đảng (V): Khơi dậy tinh thần phụng sự Tổ quốc sẽ thu hút được người ưu tú vào Đảng

Trao đổi với phóng viên An ninh Thủ đô, PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc - nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) nhấn mạnh: 'Chất lượng đảng viên mới sẽ quyết định vai trò và hiệu quả lãnh đạo. Khi khơi dậy được tinh thần phụng sự Tổ quốc, chúng ta sẽ thu hút được người trẻ nói chung, đội ngũ trí thức, học sinh, sinh viên nói riêng vào Đảng'.

Phải làm rõ câu hỏi “Vào Đảng để làm gì?”

- Phóng viên: Thành ủy Hà Nội đã ban hành đề án về “Nâng cao chất lượng kết nạp đảng viên ở Đảng bộ thành phố Hà Nội trong giai đoạn mới”. Theo Phó Giáo sư, việc tạo nguồn kết nạp đảng viên mới, đặc biệt là thu hút đội ngũ trí thức, học sinh, sinh viên vào Đảng đóng vai trò như thế nào đối với công tác xây dựng và phát triển Đảng?

PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc - nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh)

PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc - nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh)

- PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc - nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng: Trong suốt quá trình hình thành và phát triển, Đảng ta luôn quan tâm đến việc kết nạp đảng viên mới và coi đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, có ý nghĩa đặc biệt, quyết định sự tồn tại, phát triển của Đảng. Kết nạp đảng viên mới góp phần trẻ hóa đội ngũ, nâng cao năng lực, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng, góp phần xây dựng, phát triển đất nước.

Tại Hội nghị lần thứ ba, Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 16-6-2022 về “Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở Đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới” một lần nữa khẳng định tầm quan trọng của công tác này. Để kết nạp đảng viên mới, bước quan trọng nhất là tạo nguồn để lựa chọn quần chúng ưu tú, đủ tiêu chuẩn trong đoàn viên thanh niên, công nhân, nông dân, trí thức…

Với vị thế Thủ đô, Hà Nội là nơi tập trung nhiều trường đại học, cao đẳng, cơ sở nghiên cứu khoa học quy mô lớn cũng như lực lượng lao động đông đảo. Đây là nhóm đối tượng rất quan trọng. Với một chiến lược tuyển chọn bài bản, tôi tin Hà Nội sẽ bổ sung vào Đảng bộ thành phố đội ngũ đảng viên mới vừa hồng, vừa chuyên.

- Điều khó nhất trong phát triển Đảng là tạo nguồn, nhưng hiện nay nhiều người trẻ ngại vào Đảng vì họ thích làm doanh nghiệp hơn. Họ không có ý định làm việc trong khối hành chính Nhà nước nên suy luận rằng vào Đảng sẽ kéo theo nhiều ràng buộc. Phó Giáo sư đánh giá thế nào về thực tế này?

- Về mặt lý luận, chúng ta vẫn nói với nhau rằng: “Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam; đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc”. Như vậy, trở thành đảng viên vinh dự quá đi chứ! Vậy khó khăn trong công tác kết nạp đảng viên mới có nguyên nhân từ đâu? Phát triển đảng viên mới cũng giống như công tác cán bộ, điều quan trọng nhất là chúng ta phải có sự chuẩn bị (có nguồn, có quy hoạch). Dù là ở trường đại học hay doanh nghiệp, muốn phát triển Đảng, chúng ta phải dựa vào tổ chức Đảng cơ sở. Việc người trẻ tỏ thái độ ngại vào Đảng, trách nhiệm trước tiên là của tổ chức Đảng cơ sở. Thực tế, nhiều chi bộ không quan tâm đến việc kết nạp đảng viên nên có những chi bộ nhiều năm không kết nạp được đảng viên mới. Khi thanh niên thiếu kiến thức về Đảng, nhận thức không đúng về vai trò lãnh đạo của Đảng, vai trò của người cán bộ đảng viên, động cơ của họ không rõ ràng thì đương nhiên họ không phấn đấu vào Đảng.

Là Đảng cầm quyền, lãnh đạo Nhà nước và xã hội, cho nên có ý kiến cho rằng, là đảng viên thì được ưu tiên tuyển dụng, được đề bạt chức vụ này, chức vụ khác. Suy nghĩ thế là phiến diện. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định “Đảng không phải là một tổ chức để làm quan phát tài” và cán bộ, đảng viên “làm đày tớ cho nhân dân chứ không phải làm quan cách mạng”.

Do đó, khi mở các lớp bồi dưỡng kiến thức về Đảng, tổ chức Đảng cơ sở cần làm rõ câu hỏi “Đảng là gì? Vào Đảng để làm gì?”. Để nâng cao chất lượng đảng viên đòi hỏi việc kết nạp đảng viên mới phải rất chặt chẽ, bảo đảm tiêu chuẩn, nhất là về tư tưởng, phẩm chất, bản lĩnh chính trị. Trong lịch sử, đã có lúc Đảng mở lớp kết nạp đảng viên, lựa chọn được nhiều người tiên phong, gương mẫu như lớp đảng viên Hoàng Văn Thụ (5-1944); cuộc vận động nâng cao chất lượng đảng viên và kết nạp đảng viên lớp Hồ Chí Minh (3-1970).

Lễ kết nạp đảng viên mới tại Chi bộ Công ty cổ phần Đại Kim

Lễ kết nạp đảng viên mới tại Chi bộ Công ty cổ phần Đại Kim

Đó là những kinh nghiệm thực tiễn quý báu. Những người trước khi được kết nạp vào Đảng phải được lựa chọn kỹ càng, giáo dục sâu sắc và có động cơ đúng đắn thì sẽ hiểu được vào Đảng để phục vụ sự nghiệp cách mạng chung của Đảng, của Nhà nước. Đất nước phát triển thì quyền lợi của từng đảng viên cũng phát triển theo. Dù là thời kỳ lịch sử chống giặc ngoại xâm hay xây dựng đất nước thì vai trò, trách nhiệm của đảng viên vẫn là sự kiên định với lý tưởng, mục tiêu cách mạng; là trung thành vô hạn với Đảng, với đất nước, nhân dân; là hy sinh, gian khổ đi trước, hạnh phúc hưởng sau... Khi khơi dậy được tinh thần phụng sự Tổ quốc, chúng ta sẽ thu hút được người trẻ nói chung, đội ngũ trí thức, học sinh, sinh viên nói riêng.

Việc khó cần cách làm đúng, sáng tạo

- Cùng với việc kết nạp đội ngũ trí thức, học sinh, sinh viên… Đảng ta cũng đặc biệt chú trọng đến công tác xây dựng tổ chức Đảng và phát triển đảng viên ở khu vực kinh tế tư nhân. Tuy nhiên, ghi nhận từ cơ sở, chúng tôi thấy vẫn có những e ngại nhất định và khâu phát triển Đảng ở đây chưa được như kỳ vọng?

- Phát triển Đảng trong doanh nghiệp ngoài Nhà nước là một chủ trương lớn của Đảng. Tính từ năm 2012, sau hơn 8 năm thí điểm kết nạp những người là chủ doanh nghiệp tư nhân đủ điều kiện, trong phạm vi doanh nghiệp vừa và nhỏ, ở các đảng bộ tỉnh, thành phố Trung ương vào Đảng, Trung ương đã tổng kết, rút kinh nghiệm, bỏ chủ trương thí điểm. Cùng đó, chuyển sang thực hiện thống nhất việc kết nạp chủ doanh nghiệp tư nhân vào Đảng không phân biệt quy mô của doanh nghiệp.

Như vậy, có thể khẳng định, kinh tế tư nhân phát triển, việc xây dựng, phát triển tổ chức cơ sở Đảng tại khối này là đúng đắn và cần thiết. Tuy nhiên, phải thẳng thắn thừa nhận, so với các khối khác, tổ chức Đảng trong các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước vẫn còn non trẻ và việc kết nạp chủ doanh nghiệp tư nhân đủ tiêu chuẩn vào Đảng thời gian qua còn nhiều khó khăn. Việc một chủ doanh nghiệp tư nhân được kết nạp Đảng vẫn còn là chuyện chưa phổ biến ở phạm vi cả nước.

Đảng bộ Hà Nội cũng có nghị quyết chuyên đề riêng về phát triển Đảng trong doanh nghiệp ngoài Nhà nước, nhưng khó khăn cũng không ít. Ở đây, khó khăn lớn nhất trong việc phát triển tổ chức Đảng trong khu vực doanh nghiệp ngoài Nhà nước là tâm lý e dè, ngại vào Đảng vì cho rằng vào Đảng sẽ tốn thời gian hội họp, sinh hoạt chi bộ, học tập chính trị… ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Để xóa bỏ định kiến này, cấp ủy, chính quyền địa phương phải có những cách làm mới, sáng tạo, đặc biệt là phải tiếp cận với các chủ doanh nghiệp tư nhân vì đa phần họ không phải là đảng viên nên chưa nhận thức đầy đủ về vị trí, vai trò của Đảng. Trách nhiệm của cấp ủy cơ sở không chỉ là việc tuyên truyền đường lối, chủ trương mà còn phải giúp cho lãnh đạo doanh nghiệp nắm được chủ trương, chính sách mới để hoạch định đường lối sản xuất kinh doanh. Khi người ta thấy được lợi ích của việc vào Đảng, họ sẽ tự nguyện gia nhập Đảng hoặc đồng tình, ủng hộ thành lập tổ chức Đảng.

Lễ kết nạp đảng viên mới tại chi bộ thuộc Đảng bộ Khối doanh nghiệp quận Thanh Xuân (Hà Nội)

Lễ kết nạp đảng viên mới tại chi bộ thuộc Đảng bộ Khối doanh nghiệp quận Thanh Xuân (Hà Nội)

- Về hiện tượng không ít cấp ủy Đảng thờ ơ với công tác phát triển đảng, theo Phó Giáo sư, chúng ta có nên siết chặt chỉ tiêu phát triển Đảng ở các tổ chức Đảng (như doanh nghiệp đặt ra chỉ tiêu KPI, nếu không hoàn thành sẽ có chế tài)?

- Vừa rồi, tôi thấy việc kết nạp đảng viên mới đối với tiểu thương chợ Đông Ba (Thừa Thiên Huế) là một kinh nghiệm rất hay. Từ một điểm “mang tiếng xấu”, xuống cấp từ hạ tầng đến văn hóa kinh doanh, chợ Đông Ba đã “lột xác” trở thành nơi lưu giữ, bảo vệ các giá trị văn hóa Huế như kỳ vọng của lãnh đạo thành phố Huế. Để có được điều đó, tổ chức Đảng cơ sở đã ý thức được vai trò của việc giới thiệu một số quần chúng ưu tú là tiểu thương đang buôn bán trong chợ vào Đảng.

Trong lịch sử chợ Đông Ba, lần đầu tiên có chuyện tiểu thương viết đơn xin gia nhập Đảng. Khi trở thành Đảng viên, bà con tiểu thương sinh hoạt Đảng rất tự hào và vẫn đảm bảo được hoạt động buôn bán, kinh doanh. Việc có những tiểu thương là đảng viên khiến tổ chức Đảng mạnh lên và việc quản lý nề nếp hơn, tốt hơn, mang lại hiệu quả hơn. Từ đây, soi vào câu chuyện phát triển Đảng trong học sinh, sinh viên, trí thức hay khối tư nhân… cũng vậy. Mặc dù đây là việc khó nhưng không phải không thực hiện được nếu có cách làm đúng. Không thể cứ mãi lấy lý do khó khăn được.

Ngoài chỉ tiêu về số lượng, chúng ta buộc phải chú ý đến chất lượng đảng viên mới. Một trong những thiếu sót trong công tác phát triển Đảng vừa qua là các tổ chức cơ sở Đảng mới chỉ quan tâm hoàn thành chỉ tiêu về số lượng mà chưa thực sự quan tâm đến chất lượng. Quá trình lãnh đạo cách mạng, mối quan hệ giữa số lượng và chất lượng đảng viên luôn được đặt ra trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng, hướng tới nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng. Không có số lượng đảng viên cần thiết, sẽ rất khó khăn trong bố trí cán bộ lãnh đạo ở các địa bàn, lĩnh vực. Nhưng chất lượng đảng viên mới quyết định vai trò và hiệu quả lãnh đạo. Do vậy, bên cạnh việc siết chặt chỉ tiêu về số lượng cũng cần phải chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, không vì số lượng mà bỏ qua chất lượng.

- Chúng ta có cần thêm những quy định, chính sách đặc thù để làm tốt hơn việc thu hút trí thức, người ưu tú vào Đảng không, thưa Phó Giáo sư?

- Bàn về tri thức, Lênin từng nói: “Tri thức là sức mạnh. Ai có tri thức, người đó có được sức mạnh”. Ngày nay, cùng với sự phát triển nhanh chóng của khoa học - công nghệ, đội ngũ trí thức trở thành nguồn lực đặc biệt quan trọng, tạo nên sức mạnh của mỗi quốc gia trong chiến lược phát triển. Hội nghị lần thứ tám, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã thống nhất cao cho rằng, bối cảnh tình hình và yêu cầu nhiệm vụ mới đòi hỏi phải ban hành nghị quyết mới của Trung ương về tiếp tục xây dựng đội ngũ trí thức nước nhà, bồi đắp nguyên khí quốc gia vững mạnh hơn nữa, đáp ứng yêu cầu chủ động, tích cực tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư…

Trên cơ sở thống nhất về nhận thức như vậy, cần tập trung xây dựng thể chế, chính sách, trong đó chú trọng đến đãi ngộ và tôn vinh đội ngũ trí thức; tạo môi trường và điều kiện thuận lợi để trí thức khởi nghiệp và lao động sáng tạo, phát huy tài năng, trí tuệ của họ. Đồng thời, cần sớm hoàn thiện cơ chế, chính sách để đội ngũ trí thức phát triển bằng chính phẩm chất, tài năng; sống được bằng nghề; được trả công xứng đáng từ sáng tạo và đóng góp của mình.

Cũng cần phải xác định, thu hút, trọng dụng nhân tài vừa là nhiệm vụ cấp bách, vừa là nhiệm vụ lâu dài. Vì vậy, cần thống nhất nhận thức, chủ trương và thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ phát hiện, thu hút, bồi dưỡng, trọng dụng, đãi ngộ xứng đáng đối với nhân tài nhưng có trọng tâm, trọng điểm để đạt được mục tiêu, hiệu quả, bền vững.

- Xin trân trọng cảm ơn Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Trọng Phúc về cuộc trao đỏi này!

PGS.TS Bùi Thị An - Chủ tịch Hội Nữ trí thức thành phố Hà Nội: Lựa chọn trí thức, người ưu tú vào Đảng là chuẩn bị cho tương lai

Chú trọng phát hiện, bồi dưỡng người ưu tú để kết nạp Đảng Báo cáo của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng nêu rõ yêu cầu: Tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, bồi dưỡng lý tưởng, nhân sinh quan cách mạng cho đảng viên; nâng cao chất lượng kết nạp đảng viên, chú trọng phát hiện, bồi dưỡng kết nạp vào Đảng những đoàn viên ưu tú, trưởng thành trong lao động, học tập, trong lực lượng vũ trang; quan tâm phát triển đảng viên là công nhân, trí thức, doanh nhân để tạo nguồn cán bộ cho hệ thống chính trị các cấp.

PGS.TS Bùi Thị An - Chủ tịch Hội Nữ trí thức thành phố Hà Nội cho rằng, việc kết nạp đảng viên trẻ, đặc biệt là những người ưu tú, là sự chuẩn bị tích cực cho nhiều nhiệm kỳ tiếp theo của Đảng bộ Hà Nội.

Cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng, công tác cán bộ được xác định là khâu “then chốt” của công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Những năm qua, công tác cán bộ luôn được Đảng bộ Hà Nội quan tâm, xác định là nhiệm vụ quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của thành phố. Đề án “Nâng cao chất lượng kết nạp đảng viên ở Đảng bộ thành phố Hà Nội trong giai đoạn mới” không nằm ngoài chủ trương đó.

Đặc biệt, vừa qua, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TW về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, yêu cầu về phát triển Thủ đô đặt ra ở mức cao hơn trước, đòi hỏi đội ngũ đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức Hà Nội phải thực sự ưu tú, là tinh hoa mới có thể dẫn dắt sự phát triển của thành phố. Muốn như vậy, cần bổ sung vào Đảng bộ thành phố đội ngũ đảng viên trẻ là những quần chúng ưu tú nhất, tiêu biểu về phẩm chất, năng lực, trí tuệ trong các giai cấp và thành phần xã hội. Việc kết nạp đảng viên trẻ, đặc biệt là những người ưu tú, không chỉ phục vụ cho hiện tại mà là chuẩn bị cho tầm nhìn 2045 và nhiều năm sau đó. Chỉ khi kết nạp được những người ưu tú, Đảng ta mới có đủ uy tín, năng lực, trí tuệ để lãnh đạo cách mạng.

Thực tế, không chỉ Hà Nội mà nhiều địa phương đã có cơ chế riêng, dành nhiều ưu đãi nhưng cũng chưa thu hút được nhiều nhân tài. Gần đây, tình trạng cán bộ, công chức, viên chức có trình độ, năng lực chuyển sang khu vực ngoài Nhà nước có chiều hướng gia tăng. Tại Hà Nội, nhiều năm qua thành phố đã có chính sách “trải thảm đỏ” đón hiền tài về cống hiến như tuyển dụng thủ khoa xuất sắc tốt nghiệp các trường đại học nhưng hiệu quả chưa được như mong muốn. Nguyên nhân là do chúng ta vẫn giữ tư duy thiên về trình độ, bằng cấp mà chưa xác định rõ, trong từng lĩnh vực, tiêu chí người tài là khác nhau. Trong quản lý, lãnh đạo một bệnh viện, viện nghiên cứu, một trường đại học sẽ có những tiêu chuẩn khác biệt với chỉ đạo, điều hành một sở, ban, ngành. Ngay từ đầu, khi tuyển dụng, chúng ta mới chỉ chú ý đến điểm số, lý lịch, song thực ra đây mới chỉ là điều kiện cần. Ngoài ra, chúng ta chủ yếu chỉ ưu tiên về tuyển dụng đầu vào mà chưa tạo được cơ chế, môi trường làm việc cạnh tranh, sáng tạo để người tài có điều kiện phát huy tài năng, sở trường trong công tác.

Câu chuyện kết nạp đảng viên trẻ ưu tú cũng vậy. Nếu chỉ tập trung vào một số đối tượng theo một quy trình cứng nhắc mà không lựa chọn được người thật sự có lý tưởng phấn đấu, có bản lĩnh chính trị thì sẽ dễ xảy ra tình trạng lựa chọn nhầm hoặc đảng viên trẻ kết nạp một thời gian lại xin ra khỏi Đảng. Thực tế ở không ít đơn vị, công tác phát triển Đảng còn bộc lộ nhiều hạn chế, yếu kém, có những chi bộ không “chăm lo” đúng mức đến công tác này nên cả nhiệm kỳ không kết nạp được đảng viên nào, chưa nói đến chất lượng đảng viên. Đối với những chi bộ như vậy, cần siết quy định về chỉ tiêu kết nạp đảng viên mới. Cấp ủy cấp trên cần giao chỉ tiêu kết nạp đảng hàng năm cho tổ chức cơ sở đảng và tổ chức cơ sở đảng phải ra nghị quyết chuyên đề về công tác phát triển đảng viên hàng năm. Phải cụ thể hóa thành chương trình, xây dựng kế hoạch kiểm tra, đôn đốc các chi bộ tổ chức thực hiện, giao ban thường kỳ để kiểm điểm tiến độ.

Để thu hút người ưu tú vào Đảng nói chung, vào cơ quan hành chính Nhà nước nói riêng, bên cạnh chính sách đãi ngộ, chúng ta cần có môi trường làm việc. Với kinh nghiệm bản thân, tôi cho rằng, để thu hút, giữ chân người tài, tiền lương là điều kiện cần nhưng môi trường làm việc mới là điều kiện đủ, là yếu tố quan trọng để giữ chân người tài, đặc biệt là người trẻ. Trong công tác này, vai trò người đứng đầu rất quan trọng. Nếu người đứng đầu đủ tâm và tầm, sẽ thu hút và giữ chân được người tài. Lãnh đạo có thể là người chưa thực sự giỏi về chuyên môn nhưng phải là người quản lý tốt, là tấm gương tiêu biểu về bản lĩnh chính trị, đạo đức lối sống. Thực tế, do căn bệnh hẹp hòi, lo sợ người trẻ sẽ vượt mình, tại một số tổ chức Đảng, người đứng đầu chưa mạnh dạn giao nhiệm vụ để người tài năng phát huy được sáng tạo và ý chí phấn đấu vươn lên của mình. Sự “kìm nén” vô lý đó đã ức chế người trẻ phát triển.

Về cơ chế, chúng ta cần những giải pháp mang tính đột phá. Chẳng hạn như với Hà Nội, gần đây tại các hội nghị lấy ý kiến vào Luật Thủ đô (sửa đổi), tôi đề nghị bổ sung cho Hà Nội cơ chế riêng về bổ nhiệm, cho thôi chức đối với cán bộ chủ chốt là lãnh đạo các cơ quan, đơn vị thuộc thành phố. Cơ chế bổ nhiệm này cần có sự đột phá, quy trình bổ nhiệm phải nhanh. Kể cả người không nằm trong quy hoạch nhưng xét thấy có tài năng thực sự thì nên giao trọng trách lãnh đạo đơn vị sớm chứ không cần phải đợi quy trình. Tương tự, về cơ chế cho thôi chức đối với cán bộ, Hà Nội được chủ động xử lý đối với cán bộ né tránh, ngại làm, không muốn làm, không vì dân… mà không cần đợi quy trình xử lý như hiện hành. Trên bình diện quốc gia, chúng ta cũng cần xem xét, nghiên cứu, bổ sung những quy định, hướng dẫn của Đảng về thu hút, trọng dụng nhân tài. Sau đó, cần thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng thành chính sách pháp luật một cách rõ ràng, khoa học, cụ thể. Có như vậy, chủ trương thu hút, trọng dụng nhân tài mới đi vào cuộc sống một cách thực chất, hiệu quả.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/nang-cao-chat-luong-dang-vien-moi-ha-noi-thu-hut-manh-me-tri-thuc-nguoi-uu-tu-vao-dang-v-khoi-day-tinh-than-phung-su-to-quoc-se-thu-hut-duoc-nguoi-uu-tu-vao-dang-post559032.antd