Nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển của thời kỳ mới
Hoạt động đào tạo, bồi dưỡng góp phần quan trọng đối với xây dựng và phát triển nguồn nhân lực Kiểm toán nhà nước (KTNN) có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức nghề nghiệp trong sáng, tinh thông nghiệp vụ, từng bước chuyên nghiệp hóa, đáp ứng yêu cầu mỗi thời kỳ phát triển.
Đào tạo, bồi dưỡng bám sát và hỗ trợ thực hiện kế hoạch kiểm toán
Trong tiến trình xây dựng và phát triển, hoạt động đào tạo, bồi dưỡng luôn được các thế hệ lãnh đạo KTNN chú trọng, dành nguồn lực thích đáng để đầu tư phát triển. Trên cơ sở đó, Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán (Trường) đã không ngừng đổi mới, sáng tạo, kiên định mục tiêu lấy chất lượng làm thước đo chủ yếu đánh giá hoạt động đào tạo, bồi dưỡng. Hoạt động đào tạo, bồi dưỡng được định hướng gắn kết lý luận với thực tiễn, thích ứng với sự phát triển của chuyên môn kiểm toán và công nghệ thông tin.
Quy mô đào tạo, bồi dưỡng được mở rộng, đối tượng học ngày càng đa dạng. Trong những năm gần đây, hằng năm, Trường tổ chức từ 60-70 lớp học với khoảng 2.000 lượt học viên. Các bước trong quy trình tổ chức đào tạo được chú trọng, phối kết hợp với các đơn vị, cá nhân có liên quan thực hiện, đảm bảo tính chuyên nghiệp và hiệu quả. Hằng năm, Trường phối hợp với Vụ Tổ chức cán bộ xây dựng kế hoạch đào tạo bám sát và hỗ trợ thực hiện kế hoạch kiểm toán, tránh trùng lặp và tạo điều kiện thuận lợi cho kiểm toán viên vừa hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn kiểm toán, vừa tham gia đầy đủ các khóa học.
Năm 2024, Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán tổ chức 82 lớp học với sự tham gia của hơn 3.200 lượt học viên; trong đó, có 1 lớp đào tạo cho KTNN Lào và 1 lớp mời chuyên gia KTNN Trung Quốc giảng dạy.
Phương pháp xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng được hỗ trợ bởi công nghệ thông tin giúp rút ngắn thời gian, đảm bảo tính khả thi, đồng bộ và sát thực. Các chương trình, tài liệu bồi dưỡng định kỳ được rà soát, bổ sung, hoàn thiện, bám sát yêu cầu thực tiễn của hoạt động kiểm toán, như: Kiểm toán đầu tư xây dựng công trình theo mô hình thông tin công trình (BIM), kiểm toán trách nhiệm kinh tế, kỹ năng nắm bắt tâm lý của khách thể kiểm toán, kỹ năng kiểm soát cảm xúc trong hoạt động kiểm toán của kiểm toán viên…
Năm 2024, Trường xây dựng mới 3 chương trình bồi dưỡng; rà soát, bổ sung, hoàn thiện 11 tài liệu. Đến nay, Trường đang quản lý 36 chương trình, tài liệu bồi dưỡng, chia thành hai phân hệ được thực hiện song song: Phân hệ 1 gồm các chương trình, tài liệu bồi dưỡng theo yêu cầu vị trí việc làm nghiệp vụ chuyên môn; Phân hệ 2 gồm các chương trình, tài liệu bồi dưỡng theo yêu cầu vị trí việc làm nghiệp vụ chuyên ngành. Bên cạnh đó, công tác tổ chức, quản lý đào tạo được chú trọng; công nghệ thông tin được ứng dụng trong quản lý đào tạo, lưu trữ hồ sơ, kết quả học tập, đảm bảo tính hiệu quả, tiết kiệm và chính xác.
Giải pháp cơ bản nào để nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực KTNN?
Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030 đã xác định nguồn nhân lực là một trong ba trụ cột chính, tập trung đào tạo công chức, kiểm toán viên nhà nước “vừa hồng, vừa chuyên”, “nghệ tinh, tâm sáng”; tiếp cận và vận dụng phương pháp kiểm toán hiện đại, kỹ năng kiểm toán theo hướng chuyên nghiệp, giỏi về nghiệp vụ chuyên môn, có văn hóa ứng xử, bản lĩnh chính trị vững vàng, nâng cao kiến thức, trình độ, kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin áp dụng trong hoạt động kiểm toán. Trước yêu cầu ngày càng cao của Đảng và Nhà nước đối với hoạt động kiểm toán, KTNN cần áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực KTNN.
Thứ nhất, tiếp tục rà soát, hoàn thiện các chương trình, tài liệu bồi dưỡng đảm bảo tính bao quát; xuyên suốt từ cấp thấp đến cấp cao; cấp thấp đào tạo cơ bản để làm nền tảng cho đào tạo cấp cao. Định kỳ sửa đổi, bổ sung hệ thống chương trình, tài liệu, đảm bảo tính cập nhật, hiện đại và khoa học; xây dựng hệ thống ngân hàng câu hỏi/bài tập/tình huống tương ứng với mỗi chương trình, tài liệu để phục vụ công tác giảng dạy và làm căn cứ đánh giá kết quả học tập. Chú trọng và khuyến khích công tác xây dựng các Case-study từ thực tiễn kiểm toán để học viên thực hành.
Thứ hai, tăng cường năng lực đội ngũ giảng viên, gia tăng số lượng và chất lượng viên chức giảng dạy của Trường. Lực lượng giảng viên cơ hữu có trình độ chuyên môn cao, thực hiện khối lượng lớn giờ giảng và làm nòng cốt cho nhiệm vụ phát triển chương trình, tài liệu bồi dưỡng. KTNN xem xét thực hiện điều động, luân chuyển, biệt phái hoặc điều động bổ nhiệm các kiểm toán viên có kinh nghiệm làm công tác giảng dạy. Xây dựng chế độ thu hút nhân sự chất lượng cao để mời các chuyên gia đang công tác tại các trường đại học, viện nghiên cứu và các tổ chức có liên quan làm giảng viên của Trường. Nghiên cứu giải pháp bổ sung quy định viên chức giảng dạy công tác tại Trường tham gia các Đoàn kiểm toán, tối thiểu 1 lần/năm để tích lũy kinh nghiệm thực tế phục vụ hoạt động giảng dạy và nghiên cứu khoa học.
Thứ ba, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ hoạt động đào tạo, bồi dưỡng; phát triển phần mềm Quản lý đào tạo nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý và tổ chức đào tạo, bồi dưỡng của KTNN. Phần mềm Quản lý đào tạo góp phần xây dựng, phát triển “Kho dữ liệu tri thức về đào tạo và nghiên cứu khoa học của KTNN” phục vụ học tập, giảng dạy cho cả 3 nhóm đối tượng (học viên; giảng viên, người nghiên cứu và nhà quản lý) và là nơi quản lý tập trung, đồng bộ hoạt động đào tạo, bồi dưỡng giúp nâng cao hiệu quả quản lý và triển khai linh hoạt các hình thức đào tạo.
Thứ tư, đa dạng hóa các hình thức đào tạo, bồi dưỡng, vừa đào tạo tập trung vừa phát triển phương thức đào tạo E-learning. Nội dung bài giảng được số hóa theo cấu trúc linh hoạt, gồm: Văn bản, slide, bảng dữ liệu, âm thanh, hình ảnh, video số, các ứng dụng tương tác… cung cấp kiến thức, kỹ năng cho người học một cách hiệu quả. Đào tạo E-Learning sẽ kiến tạo môi trường thích hợp để phát huy hiệu quả việc tự học và học tập suốt đời của các kiểm toán viên.
Thứ năm, đổi mới cách thức tổ chức, kiểm tra, đánh giá kết quả đào tạo, bồi dưỡng. Các hình thức thi kiểm tra được áp dụng linh hoạt, phù hợp với điều kiện và tính chất của các lớp bồi dưỡng. Gia tăng chất lượng hình thức kiểm tra trắc nghiệm hoặc kết hợp giữa hình thức trắc nghiệm trên máy tính với các hình thức khác như: Viết thu hoạch, tiểu luận cuối khóa, đề án... để kết quả đào tạo, bồi dưỡng được đánh giá chính xác, công bằng và hiệu quả.
KTNN đang đứng trước yêu cầu của sự phát triển, đó là trở thành công cụ trọng yếu, hữu hiệu của Đảng và Nhà nước trong kiểm tra, kiểm soát việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công. Hoạt động đào tạo, bồi dưỡng cần không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng, đóng góp quan trọng vào quá trình phát triển nguồn nhân lực đáp ứng mục tiêu phát triển chiến lược của Ngành./.