Nâng cao chất lượng đào tạo cán bộ chính trị trước yêu cầu mới
Sau đại thắng mùa Xuân năm 1975, thực hiện chủ trương, đường lối cách mạng của Đảng, Nhà nước, đáp ứng đòi hỏi khách quan, cấp thiết của sự nghiệp xây dựng quân đội trong tình hình mới, ngày 14-1-1976, Trường Sĩ quan Chính trị (SQCT) được thành lập với nhiệm vụ đào tạo chính trị viên đại đội cho toàn quân.
Trải qua các giai đoạn lịch sử, cùng với sự phát triển của đất nước, quân đội, hiện nay, nhà trường là cơ sở đào tạo đại học, sau đại học, nghiên cứu khoa học (NCKH) xã hội và nhân văn; cung cấp đội ngũ cán bộ chính trị (CBCT) cấp phân đội, giáo viên khoa học xã hội và nhân văn (KHXH&NV) quân sự, góp phần xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN; đào tạo giáo viên giáo dục quốc phòng, an ninh (QPAN) và CBCT cho quân đội nước bạn Lào và Campuchia.
Các thế hệ cán bộ, giảng viên, học viên, nhân viên, chiến sĩ nhà trường luôn phát huy bản chất tốt đẹp, truyền thống vẻ vang của quân đội anh hùng; quán triệt và vận dụng đúng đắn, sáng tạo đường lối chính trị, quân sự của Đảng, nắm vững phương hướng, nhiệm vụ xây dựng quân đội trong từng giai đoạn, bền bỉ phấn đấu, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ.
45 năm qua, nhà trường tổ chức hơn 260 khóa đào tạo và lớp bồi dưỡng với gần 30.000 CBCT cấp phân đội tốt nghiệp ra trường. Trong đó, hơn 1.600 giáo viên KHXH&NV quân sự, giáo viên, giảng viên giáo dục QPAN... Kết quả đó góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN, xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị; đồng thời, khẳng định vị thế của một trường đào tạo CBCT cấp phân đội có uy tín trong toàn quân. Với những đóng góp to lớn trong sự nghiệp giáo dục-đào tạo (GD-ĐT), xây dựng quân đội, Trường SQCT đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý. Đúng dịp kỷ niệm 45 năm Ngày truyền thống, ngày 27-10-2020, Chủ tịch nước ký quyết định tặng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhì cho Trường SQCT. Đó là sự ghi nhận của Đảng, Nhà nước và quân đội đối với công lao và sự cống hiến to lớn của các thế hệ cán bộ, giảng viên, học viên, nhân viên, chiến sĩ Trường SQCT; đồng thời là nguồn động lực to lớn để nhà trường tiếp tục khắc phục khó khăn, đẩy mạnh đổi mới, nâng cao chất lượng GD-ĐT, lập nhiều thành tích to lớn hơn nữa, xứng đáng với niềm tin của Đảng, Nhà nước, quân đội và nhân dân.
Những năm tới, quán triệt sâu sắc quan điểm “người trước, súng sau”, xác định vấn đề mấu chốt để xây dựng quân đội hiện đại chính là nhân tố con người, Trường SQCT thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, vững chắc, không ngừng nâng cao chất lượng GD-ĐT, NCKH theo yêu cầu chuẩn hóa, hiện đại hóa; cung cấp đội ngũ CBCT cấp phân đội, giáo viên KHXH&NV “vừa hồng, vừa chuyên” cho quân đội; đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng quân đội trong tình hình mới; trong đó, tập trung thực hiện một số giải pháp sau:
Một là, quán triệt sâu sắc các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, giữ vững phương hướng chính trị, đẩy mạnh đổi mới đồng bộ, toàn diện GD-ĐT; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, trách nhiệm của các tổ chức, các lực lượng đối với nhiệm vụ và sứ mệnh GD-ĐT của nhà trường.
Kết hợp chặt chẽ công tác GD-ĐT với giáo dục chính trị, nâng cao bản lĩnh, ý chí quyết tâm, định hướng chính trị cho học viên. Trong đổi mới GD-ĐT, trước hết cần tiếp tục điều chỉnh, đổi mới quy trình, chương trình, nội dung, phương pháp đào tạo theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, phù hợp với từng đối tượng, sát thực tế hoạt động ở đơn vị, nhất là hoạt động công tác Đảng, công tác chính trị (CTĐ, CTCT). Yêu cầu chung của việc đổi mới chương trình, nội dung và phương pháp đào tạo CBCT cấp phân đội là vừa tiếp cận thành tựu của khoa học hiện đại, vừa coi trọng bài học kinh nghiệm hoạt động CTĐ, CTCT trong lịch sử. Đồng thời, phải thích ứng với yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng quân đội theo tinh thần Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ XI, bảo đảm đồng bộ mục tiêu trang bị kiến thức và phát triển phẩm chất, năng lực cho người học theo tiêu chí đánh giá năng lực thực hành của học viên.
Hai là, nâng cao chất lượng hoạt động NCKH, kết hợp nghiên cứu cơ bản với nghiên cứu ứng dụng, gắn chặt hoạt động NCKH với GD-ĐT. Theo đó, NCKH góp phần cung cấp luận cứ khoa học cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị trong tình hình mới; đồng thời giúp cán bộ, giảng viên, học viên củng cố, đào sâu và mở rộng tri thức; nâng cao trình độ học thuật và phát triển toàn diện bản thân, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ GD-ĐT của nhà trường. Vì vậy, cần nâng cao chất lượng nghiên cứu các đề tài, biên soạn giáo trình, tài liệu dạy học; bám sát thực tiễn, đa dạng hóa hình thức NCKH, kết hợp chặt chẽ nghiên cứu cơ bản với nghiên cứu ứng dụng, đáp ứng yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng GD-ĐT. Tiếp tục đẩy mạnh NCKH của học viên và hoạt động tuổi trẻ sáng tạo, thông qua đó, giúp học viên nắm chắc phương pháp, cách thức tổ chức hoạt động NCKH, bồi dưỡng tri thức, rèn luyện tác phong làm việc, khả năng đánh giá, giải quyết vấn đề, hình thành các phẩm chất cần thiết theo mục tiêu đào tạo CBCT cấp phân đội.
Ba là, đẩy mạnh đổi mới, tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động CTĐ, CTCT, trực tiếp bồi dưỡng năng lực thực hành cho học viên. Với đặc thù là trung tâm đào tạo CBCT cấp phân đội cho toàn quân, hoạt động CTĐ, CTCT ở Trường SQCT góp phần xây dựng các tổ chức đảng TSVM, nhà trường VMTD; đồng thời, là bài học thực tiễn quan trọng để bồi dưỡng kinh nghiệm, rèn luyện kỹ năng tiến hành hoạt động CTĐ, CTCT cho học viên, đáp ứng tiêu chí năng lực thực hành theo mục tiêu, yêu cầu đào tạo. Ở đó, học viên vừa là đối tượng, vừa là chủ thể hoạt động CTĐ, CTCT. Vì vậy, hoạt động CTĐ, CTCT phải được tổ chức thực hiện thực sự mẫu mực, hướng vào nâng cao hiệu lực lãnh đạo thực hiện các nhiệm vụ chính trị trung tâm của cấp ủy, tổ chức đảng trong nhà trường. Cùng với đó, nâng cao năng lực và tính mô phạm của đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ chính trị để mỗi cán bộ là một người thầy, mỗi hoạt động CTĐ, CTCT là một bài học thực hành sinh động của học viên. Thường xuyên bám sát thực tiễn, yêu cầu của đơn vị cơ sở để đa dạng hóa nội dung, sáng tạo các hình thức hoạt động CTĐ, CTCT, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo CBCT cấp phân đội.
Bốn là, xây dựng Đảng bộ nhà trường TSVM tiêu biểu, tập trung xây dựng đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu đào tạo CBCT cấp phân đội trong tình hình mới. Đào tạo CBCT cấp phân đội, những người chủ trì về chính trị ở đơn vị cơ sở không chỉ cần nâng cao chất lượng dạy và học mà còn phải có những tổ chức đảng thật sự tiêu biểu. Vì vậy, cần thường xuyên củng cố, kiện toàn, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp ủy, tổ chức đảng. Gắn xây dựng cấp ủy với xây dựng cán bộ chủ trì; xây dựng đội ngũ đảng viên với xây dựng đội ngũ cán bộ; xây dựng tổ chức đảng TSVM với xây dựng cơ quan, khoa, đơn vị VMTD. Trong đó, tập trung xây dựng đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục đủ về số lượng, có chất lượng cao và cơ cấu hợp lý. Chuẩn hóa, xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục có phẩm chất cách mạng tiêu biểu; có trình độ kiến thức toàn diện và năng lực thực tiễn; có tác phong công tác khoa học và trình độ ngoại ngữ cần thiết; có khả năng nắm bắt khoa học công nghệ hiện đại, tiếp cận các mô hình GD-ĐT tiên tiến, đáp ứng yêu cầu đào tạo CBCT cấp phân đội ngày càng cao của nhà trường.
Năm là, tiếp tục cùng các lực lượng trong toàn quân, đi đầu trong đấu tranh phòng, chống “diễn biến hòa bình”, bảo vệ nền tảng tư tưởng và đường lối của Đảng trong tình hình mới. Tiếp tục quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm túc các nghị quyết, chỉ thị của cấp trên và hướng dẫn của cơ quan chức năng về đấu tranh phòng, chống “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa. Tăng cường liên kết, phối hợp hoạt động; đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp đấu tranh nhằm phát huy lợi thế của một nhà trường đào tạo CBCT cấp phân đội và nghiên cứu KHXH&NV quân sự. Tiếp tục phát huy kết quả đã đạt được, đẩy mạnh đấu tranh trên không gian mạng với phương châm “tích cực, nhạy bén, chủ động, sáng tạo, sắc sảo, quyết liệt”, cùng với các lực lượng trong toàn quân đi đầu trong đấu tranh phòng, chống “diễn biến hòa bình”, bảo vệ nền tảng tư tưởng và đường lối của Đảng trong tình hình mới.