Nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội

Trường Cao đẳng Kinh tế và Công nghệ Nam Định là cơ sở đào tạo công lập đa ngành, đa cấp học của tỉnh. Những năm qua, nhà trường đã góp phần đáp ứng nguồn nhân lực chất lượng cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói riêng và cả nước nói chung. Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định

Trường Cao đẳng Kinh tế và Công nghệ Nam Định là cơ sở đào tạo công lập đa ngành, đa cấp học của tỉnh. Những năm qua, nhà trường đã góp phần đáp ứng nguồn nhân lực chất lượng cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói riêng và cả nước nói chung.

Giờ thực hành của học sinh lớp Kỹ thuật chế biến món ăn, Trường Cao đẳng Kinh tế và Công nghệ Nam Định.

Giờ thực hành của học sinh lớp Kỹ thuật chế biến món ăn, Trường Cao đẳng Kinh tế và Công nghệ Nam Định.

Thầy giáo Đinh Văn Hoản, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Trường Cao đẳng Kinh tế và Công nghệ Nam Định được thành lập tháng 10-2019, trên cơ sở Đề án số 08 của UBND tỉnh về sáp nhập 6 trường: Trung cấp nghề Thương mại - Du lịch - Dịch vụ Nam Định, Trung cấp Kinh tế Kỹ thuật Nông nghiệp Nam Định, Trung cấp Cơ điện Nam Định, Trung cấp nghề Thủ công Mỹ nghệ Truyền thống Nam Định, Trung cấp Công nghệ và Truyền thông Nam Định, Trung cấp nghề Kỹ thuật Công nghiệp Nam Định và Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Nam Định. Sau khi chính thức đi vào hoạt động, nhà trường đã sớm ổn định tổ chức, đoàn kết, thống nhất trong Đảng ủy, Ban giám hiệu, cán bộ, giáo viên để triển khai thực hiện các nhiệm vụ đạt kết quả tốt. Với 69 cán bộ, giáo viên trình độ trên đại học, 203 người trình độ đại học, 10 cao đẳng, 13 trung cấp, 5 thợ bậc cao, trường tổ chức sắp xếp, bố trí đội ngũ hợp lý theo vị trí việc làm; xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, giáo viên đáp ứng tiêu chuẩn theo quy định và nâng cao trình độ chuyên môn để đào tạo các học sinh, sinh viên có tay nghề, kỹ thuật cao ở các lĩnh vực: Điện công nghiệp; Điện công nghiệp và dân dụng; Công nghệ kỹ thuật điện, điện tử; Điện tử công nghiệp; Hàn; May thời trang; Hướng dẫn du lịch; Nghiệp vụ nhà hàng; Nghiệp vụ lễ tân; Kỹ thuật chế biến món ăn; Cắt gọt kim loại; Công nghệ ô tô; Công nghệ thông tin: Kỹ thuật sửa chữa, lắp ráp máy tính...

Để đáp ứng yêu cầu đào tạo, công tác xây dựng cơ sở vật chất, quản trị thiết bị được Ban giám hiệu nhà trường đặc biệt quan tâm. Hiện nhà trường có 13 điểm trường, trong đó đang tổ chức đào tạo tại 9 cơ sở; các địa điểm đào tạo của trường hiện có tổng diện tích khuôn viên trên 206 nghìn m2, diện tích sàn xây dựng hơn 52.493 nghìn m2; có đủ các phòng học lý thuyết, xưởng thực hành, phòng làm việc của cán bộ, giáo viên, các điều kiện về trang thiết bị dạy nghề, cơ sở thí nghiệm, thực hành - thực tập được trang bị máy móc tiên tiến phục vụ đào tạo, sản xuất. Nhà trường tổ chức đào tạo 11 nghề trình độ cao đẳng, 30 nghề trình độ trung cấp, 36 nghề trình độ sơ cấp và dạy nghề ngắn hạn dưới 3 tháng. Nhờ có sự đầu tư tập trung, điều kiện giảng dạy, học tập của thầy và trò nhà trường được ngày một nâng cao.

Hàng năm, nhà trường bám sát nhu cầu phát triển cũng như định hướng thu hút đầu tư của tỉnh để xây dựng kế hoạch tuyển sinh và đào tạo, nâng cao chất lượng đào tạo theo nhu cầu của các doanh nghiệp. Nhà trường đang xây dựng chiến lược và kế hoạch cụ thể xây dựng trở thành trường đào tạo nghề chất lượng cao. Đặc biệt, tập trung đào tạo các ngành nghề mà nhà trường đang có thế mạnh, đồng thời nghiên cứu mở rộng thêm các ngành nghề đào tạo ở trình độ cao đẳng và các ngành nghề theo nhu cầu của doanh nghiệp, thị trường. Đẩy mạnh liên kết với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, các tổ chức trong và ngoài nước nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nghề và tạo cơ hội để sinh viên được thực hành và cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp. Trong các nghề trường đào tạo, có một nghề đạt cấp độ quốc tế là nghề hàn; 2 nghề cấp độ khu vực ASEAN là công nghệ ô tô và điện công nghiệp; cấp độ quốc gia có các ngành, nghề: Xây dựng và hoàn thiện công trình thủy lợi, quản lý khai thác công trình thủy lợi, kỹ thuật máy lạnh, điện tử công nghiệp, may thời trang, công nghệ kỹ thuật điện - điện tử, điện tử dân dụng...

Để nâng cao chất lượng công tác đào tạo và giải quyết việc làm sau đào tạo, nhà trường thực hiện “Đổi mới phương pháp giảng dạy, nâng cao chất lượng đào tạo”; “Thực hiện tốt nề nếp giảng dạy và học tập, từng bước sớm hoàn thành các tiêu chí trường cao đẳng chất lượng cao” gắn với tập trung đẩy mạnh quy mô đào tạo, loại hình đào tạo, gắn đào tạo nguồn nhân lực với nhu cầu xã hội. Công tác đào tạo, giải quyết việc làm sau đào tạo được nhà trường xác định là trung tâm trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của nhà trường. Do vậy, Ban giám hiệu đặc biệt quan tâm chỉ đạo sát sao, thường xuyên kiểm tra, giám sát, chỉnh đốn công tác đào tạo, phân công một Phó Hiệu trưởng trực tiếp chỉ đạo. Đến nay, công tác đào tạo đã đi vào nề nếp, ban hành đầy đủ các quy chế quản lý. Số ngành nghề đào tạo theo các hệ gồm: cao đẳng: 13; trung cấp: 31; sơ cấp: 33. Quy mô đào tạo 3.310 học sinh, sinh viên. Nhà trường xây dựng chương trình đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo; giáo trình cho các môn học đối với các trình độ, các hình thức đào tạo; xây dựng ngân hàng câu hỏi đề thi chung trong toàn trường đối với các trình độ, các hình thức đào tạo. Tỷ lệ học sinh, sinh viên tốt nghiệp hàng năm đạt 100%; trong đó tỷ lệ khá, giỏi chiếm 30%. Tỷ lệ học sinh, sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp đạt 95%. Học sinh, sinh viên ngoài thời gian học tập tại trường còn được tham gia thực tập sản xuất tại doanh nghiệp. Công tác tuyển sinh được triển khai tổ chức thực hiện nghiêm túc theo đúng quy chế của Bộ LĐ-TB và XH. Cùng với nâng cao chất lượng đào tạo, nhà trường đẩy mạnh công tác truyền thông quảng bá, chú trọng cung cấp thông tin tới các bậc phụ huynh; tổ chức chương trình hoạt động tuyển sinh trực tiếp tại các trường THCS, THPT, các trung tâm giáo dục thường xuyên và dạy nghề trên địa bàn tỉnh và các tỉnh Nam đồng bằng sông Hồng...

Thời gian tới, xác định việc kết nối với các doanh nghiệp trong quá trình đào tạo là nhiệm vụ quan trọng, và đào tạo phải gắn với nhu cầu của xã hội không chỉ giúp chất lượng đào tạo tăng lên mà còn mở ra nhiều sự lựa chọn và cơ hội nghề nghiệp cho học sinh, sinh viên, nhà trường tiếp tục đẩy mạnh thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, viên chức và người lao động. Đảm bảo về số lượng, chất lượng và gắn với yêu cầu của một trường cao đẳng chất lượng cao; đảm bảo quy mô đào tạo hệ chính quy với những ngành, nghề xã hội có nhu cầu, nhất là các nghề trọng điểm; đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học và đảm bảo chất lượng gắn với việc nâng cao chất lượng đào tạo và phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội; đầu tư xây dựng cơ sở vật chất thiết bị, các xưởng thực hành, nhà làm việc và cơ sở hạ tầng, hệ thống công nghệ thông tin phục vụ cho đào tạo, nghiên cứu khoa học và các hoạt động của nhà trường; từng bước xây dựng nhà trường trở thành đơn vị nằm trong tốp đầu các trường cao đẳng trong cả nước, tiếp cận với các cơ sở dạy nghề tiên tiến của khu vực, góp phần phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, khu vực và toàn quốc./.

Bài và ảnh: Minh Thuận

Nguồn Nam Định: http://baonamdinh.com.vn/channel/5086/202209/nang-cao-chat-luong-dao-tao-dap-ung-nhu-cau-xa-hoi-2553053/