Nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Nghề dệt thổ cẩm được Trung tâm GDNN-GDTX các huyện miền núi chú trọng đào tạo cho LĐNT là người dân tộc thiểu số. Ảnh: KIM CHI

Thực hiện Quyết định 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (QĐ 1956/TTg) về đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn (ĐTNCLĐNT) đến năm 2020, 100% lao động nông thôn ở tỉnh khi tham gia ĐTN được tiếp cận đầy đủ, đúng đối tượng chính sách hỗ trợ của đề án.

Từ năm 2010, tỉ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh là 40,05%, trong đó tỉ lệ lao động qua ĐTN 26,07%. Sau 10 năm triển khai đề án ĐTNCLĐNT, dự kiến đến cuối năm 2020 tỉ lệ lao động qua đào tạo đạt 70,05%, trong đó lao động qua ĐTN là 51,01%.

Cơ hội có việc làm cho nông dân

Để góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động và cơ cấu kinh tế, phục vụ sự nghiệp CNH-HĐH nông thôn, tỉnh đặc biệt quan tâm đến việc triển khai thực hiện QĐ 1956/TTg, ban hành các cơ chế, chính sách, tạo điều kiện thuận lợi cho LĐNT tham gia các lớp ĐTN, giúp nhiều lao động sau khi hoàn thành khóa ĐTN tìm được việc làm ổn định.

Bà Bùi Thị Ngọc ở thôn Tiên Châu, xã An Ninh Tây, huyện Tuy An tham gia lớp học nghề mây tre đan từ năm 2016. Sau thời gian học nghề, bà vẫn ở nhà đan các sản phẩm mây tre đan xuất khẩu do các chủ đại lý bán buôn đặt hàng. Bà Ngọc cho biết do lớn tuổi, lại chỉ làm khi rảnh rỗi nên mỗi tháng chỉ có thu nhập từ 1,2-1,5 triệu đồng. “Như vậy cũng có thu nhập, chứ ở nông thôn nhiều người không có việc làm”, bà Ngọc nói.

Chị Nguyễn Thị Minh Nguyệt ở thôn Ân Niên, xã Hòa An, huyện Phú Hòa, chia sẻ: “Tôi tham gia học nghề may theo đề án ĐTNCLĐNT. Học xong, tôi xin làm việc tại cơ sở học nghề ở gần nhà, tranh thủ thời gian nông nhàn kiếm thêm thu nhập, nuôi 2 đứa con ăn học”. Thu nhập chính của gia đình chị Nguyệt từ làm ruộng và nuôi bò, chồng chị làm thêm nghề thợ mộc nên cũng đủ trang trải cuộc sống.

Ông Phan Văn Đoàn, Chủ cơ sở may Bảo Ánh (xã Hòa An, huyện Phú Hòa) cho biết: Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) huyện Phú Hòa thường xuyên phối hợp với chúng tôi đào tạo học viên may công nghiệp. Đối tượng học nghề ở đây là LĐNT thuộc hộ nghèo, cận nghèo, làm việc vào thời gian nông nhàn để tăng thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống.

Còn theo ông Ngô Vũ Nguyên, Phó Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX huyện Tuy An, người lao động hiện nay đã chủ động hơn trong việc tham gia học nghề, tự lựa chọn những ngành nghề phù hợp theo nhu cầu bản thân và gia đình. Sau khi học nghề, họ biết vận dụng những kiến thức đã học vào sản xuất để giảm chi phí, tăng năng suất lao động, tự tạo việc làm tại chỗ, nâng cao thu nhập. Số lao động có tay nghề thường được nhận vào làm việc tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất.

Đào tạo theo nhu cầu và thực tiễn sản xuất

Ông Phạm Tâm Đê, Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Dạy nghề (Sở LĐ-TB-XH), cho biết: Giai đoạn 2010-2020, toàn tỉnh có gần 42.000 LĐNT được học nghề xong, trong đó gần 32.000 người tìm được việc làm. Người học khi tham gia học nghề được trang bị đầy đủ những kiến thức cơ bản theo từng ngành nghề được đào tạo, được trực tiếp tham gia vào quá trình thực hành, thực tế vận dụng vào phát triển sản xuất tại gia đình, được tư vấn nghề nghiệp, tìm kiếm việc làm hoặc tự tạo việc làm…

Trong giai đoạn tiếp theo, tỉnh sẽ đa dạng hóa các ngành, ĐTNCLĐNT theo nhu cầu của người học và thực tiễn sản xuất; chọn lọc ngành nghề phù hợp, nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo, nhằm tạo việc làm, chuyển đổi nghề, tăng thu nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống của người lao động.

Giám đốc Sở LĐ-TB-XH Võ Văn Binh

Đánh giá về đề án ĐTNCLĐNT thực hiện theo QĐ 1956/TTg, ông Võ Văn Binh, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH, nhìn nhận: Qua thời gian triển khai, đề án đã thu hút được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền từ tỉnh đến huyện, xã. Hệ thống cơ quan quản lý nhà nước về ĐTN được hình thành từ tỉnh xuống cơ sở.

Nhận thức về vai trò ĐTN, học nghề của cán bộ, đảng viên và nhân dân đã nâng lên rõ rệt. Việc phân cấp dạy nghề LĐNT cho cấp huyện thực hiện gắn liền với nhu cầu học nghề, cơ cấu việc làm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, bước đầu đáp ứng được sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động của địa phương. Qua đó tạo điều kiện thuận lợi để phát huy được chất lượng dạy nghề và hiệu quả việc làm cho người nông dân sau khi đào tạo nghề.

“Trong giai đoạn tiếp theo, tỉnh sẽ đa dạng hóa các ngành, ĐTNCLĐNT theo nhu cầu của người học và thực tiễn sản xuất; chọn lọc ngành nghề phù hợp, nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo, nhằm tạo việc làm, chuyển đổi nghề, tăng thu nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống của người lao động; không tổ chức đào tạo khi chưa dự báo được nơi làm việc và mức thu nhập của người lao động sau khi học nghề”, ông Binh cho biết.

KIM CHI

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/141/250051/nang-cao-chat-luong-dao-tao-nghe-cho-lao-dong-nong-thon.html