Nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực y học dự phòng theo hướng hội nhập quốc tế

Trong bối cảnh các bệnh không lây nhiễm ngày càng gia tăng, tình trạng già hóa dân số, Việt Nam cần nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo nguồn nhân lực dự phòng. GS.TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế cho rằng, cần nâng cao chất lượng đào tạo và sử dụng nhân lực y học dự phòng theo hướng hội nhập quốc tế.

Phát biểu tại Hội thảo về đào tạo và sử dụng nhân lực y tế dự phòng Việt Nam, sáng ngày 16/3, GS.TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế cho rằng, các nghị quyết của Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo hướng hội nhập quốc tế và Nghị quyết về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới đều xác định đào tạo nhân lực y tế cần phải đổi mới căn bản, toàn diện để đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân và hội nhập quốc tế.

Đào tạo y tế dự phòng chưa đáp ứng được nhu cầu

Thực tế cho thấy, trong những năm qua, Việt Nam đã khống chế thành công nhiều dịch bệnh nguy hiểm, mới nổi như dịch SARS năm 2003, dịch cúm A/H5N1, H1N1 năm 2009...và đặc biệt trong giai đoạn này, chúng ta đã thành công đẩy lùi từng đợt sóng của dịch bệnh COVID-19, dịch bệnh đã khiến 139 triệu người mắc và gần 3 triệu trường hợp tử vong tại 219 quốc gia, vùng lãnh thổ.

Thứ trưởng Bộ Y tế, GS.TS Trần Văn Thuấn phát biểu tại hội thảo

Thứ trưởng Bộ Y tế, GS.TS Trần Văn Thuấn phát biểu tại hội thảo

Nhờ những thành công trong phòng chống dịch bệnh COVID-19, Việt Nam được Viện Nghiên cứu Lowy của Australia là một trong 3 quốc gia và vùng lãnh thổ ứng phó đại dịch COVID-19 hiệu quả nhất trên thế giới. Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn: “Đó một phần là nhờ công lao to lớn của những người làm công tác y tế dự phòng, trong sự quyết tâm chung của cả hệ thống chính trị. Có được thành tích lớn lao trong công tác phòng chống dịch đó, chúng ta không thể quên công tác đào tạo nhân lực khối y tế dự phòng.”

Hiện nay, trong lĩnh vực đào tạo y tế dự phòng, cả nước có 10 trường đào tạo bác sỹ y học dự phòng,13 trường đào tạo cử nhân y tế công cộng, hàng năm một số lượng lớn nhân lực y tế dự phòng được đào tạo, tốt nghiệp, tuy nhiên số lượng nhân lực cán bộ làm trong lĩnh vực này chưa đáp ứng được nhu cầu nhân lực ở cả trung ương và địa phương do một số bác sỹ sau khi tốt nghiệp làm trái ngành nghề đào tạo, chế độ đãi ngộ đối với cán bộ y tế làm trong lĩnh vực dự phòng còn chưa thỏa đáng với khối lượng và tính chất công việc…

TS Hoàng Minh Đức, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, tổng số cán bộ y tế dự phòng từ trung ương đến tuyến huyện khoảng 17.100 người, chiếm 42% so với nhua cầu nhân lực cần có. Số nhân lực thiếu hụt là khoảng 23.800 người, trong đó bác sĩ thiếu 8075 người, cử nhân y tế công cộng thiếu 3.993 người. Nguồn nhân lực y tế dự phòng vừa thiếu vừa yếu, nhiều bác sĩ hệ y tế dự phòng từ hệ điều trị chuyển sang, thiếu những người được đào tạo chính quy. Chương trình đào tạo chưa có sự thống nhất, chậm đổi mới. Cơ sở vật chất trang thiết bị cho đào tạo còn thiếu và lạc hậu…

Hội thảo đào tạo và sử dụng nhân lực y tế dự phòng Việt Nam

Hội thảo đào tạo và sử dụng nhân lực y tế dự phòng Việt Nam

Thứ trưởng Trần Văn Thuấn khẳng định: “Vẫn còn một số vướng mắc bất cập trong sử dụng nhân lực y tế trong lĩnh vực y tế dự phòng, đó là nhận thức chung về y tế công cộng, y tế dự phòng còn hạn chế, chưa rõ vai trò trong đề án vị trí việc làm của đơn vị, chế độ thù lao, đãi ngộ còn thấp so với lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh, điều kiện làm việc còn khó khăn, không thu hút được người học… điều này làm cho số lượng người được đào tạo và làm việc trong lĩnh vực y tế dự phòng có xu hướng giảm trong khi đó đội ngũ nhân lực y tế thuộc ngành này có vai trò đặc biệt quan trọng trong công tác dự phòng, bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cộng đồng”.

Đổi mới nâng cao chất lượng đào tạo theo hướng hội nhập quốc tế

Đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam cho rằng, trong bối cảnh tỷ lệ mắc các bệnh không lây nhiễm gia tăng, tình trạng già hóa dân số, Việt Nam cần xây dựng nguồn nhân lực y tế dự phòng phù hợp với nhu cầu xã hội, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân ngày càng cao.

Theo WHO cho rằng, Việt Nam nên nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục đào tạo y tế dự phòng bằng cách thu hút người học, vạch rõ lộ trình phát triển nghề nghiệp, cơ hội việc làm sau khi đào tạo xong. Từ đó người học sẽ yên tâm học và phát triển nghề nghiệp. Bên cạnh đó, cần có chế độ đãi ngộ thỏa đáng để giữ chân người làm công tác y tế công cộng và dự phòng. Ngoài ra, cần có nguồn đầu tư thỏa đáng vào nguồn nhân lực dự phòng.

Thứ trưởng Bộ Y tế đề xuất cần nâng cao chất lượng đào tạo và sử dụng nhân lực y học dự phòng theo hướng hội nhập quốc tế, hướng tới xây dựng đội ngũ nhân lực y tế dự phòng có thể thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ của mình trong tình hình mới.

Hải Yến

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/nang-cao-chat-luong-dao-tao-nhan-luc-y-hoc-du-phong-theo-huong-hoi-nhap-quoc-te-n190113.html